ĐHĐCĐ ABBank: Vì sao dự phòng rủi ro 2016 tăng mạnh?
ABBank chưa có kế hoạch niêm yết
Trích lập dự phòng năm 2016 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) dự kiến ở mức hơn 700 tỷ đồng, tăng gần 60% so với 2015. Trước con số này, nhiều cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của ABBank sáng 28/04 đã yêu cầu HĐQT Ngân hàng giải thích rõ.
* ABBank: NHNN cho phép tiếp tục tự tái cơ cấu
* ABBank: Áp lực dự phòng, lãi ròng cả năm 2015 còn 90 tỷ đồng
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của ABBank diễn ra sáng ngày 28/04 tại TP.HCM
|
Cụ thể, theo kế hoạch được Đại hội thông qua, năm 2016, ABBank đưa ra chỉ tiêu tổng thu nhập 2,218 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện 2015. Trong đó, thu nhập từ lãi thuần dự kiến 1,881 tỷ đồng, thu nhập từ dịch vụ 110 tỷ đồng, thu nhập khác 227 tỷ đồng. Chi phí hoạt động dự kiến 1,300 tỷ đồng, tăng 9%. Lãi trước thuế sau khi trích lập dự phòng sẽ là 214.5 tỷ đồng, gấp đôi kết quả năm 2015.
Mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ABBank trong năm 2016 dự kiến 199 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. Ngược lại, thì dự phòng trái phiếu VAMC tăng vọt lên hơn 504 tỷ đồng, gấp 2.3 lần năm trước. Như vậy, trong năm 2016, ABBank sẽ trích lập rủi ro tổng cộng hơn 700 tỷ đồng, tăng gần 60% so với 2015.
Lý giải điều này, Tổng giám đốc Cù Anh Tuấn của ABBank cho biết, dự phòng chủ yếu là từ trái phiếu VAMC phải trích lập theo quy định. Năm 2013, ABBank đã bán khoảng 600-700 tỷ đồng, năm 2014 bán gần 2,000 tỷ đồng nợ cho VAMC. Theo đó, từ năm 2015, Ngân hàng bắt đầu trích lập và đây cũng là điểm rơi của việc trích lập dự phòng cao hơn những năm trước. Sang năm 2016, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận đều tăng trưởng nhưng vẫn phải trích lập dự phòng thêm. Tuy nhiên từ năm 2017 thì sẽ ít lại và đến năm 2018 sẽ không còn trích lập.
Cổ tức lẹt đẹt trong khi thù lao HĐQT tăng
Năm 2015, tổng thù lao cho HĐQT và BKS là gần 8.3 tỷ đồng (trong đó HĐQT là trên 5.5 tỷ và BKS là 2.7 tỷ đồng), với việc HĐQT 2016 tăng thêm 1 người, ABBank tăng mức thù lao lên 10 tỷ đồng.
So sánh mức cổ tức bằng tiền tỷ lệ 3.9% trong khi thù lao HĐQT năm nay dự kiến tăng lên 10 tỷ đồng, cổ đông khá bức xúc vì sao cổ tức năm nào cũng lẹt đẹt trong khi thù lao HĐQT và BKS thì tăng.
Phía ABBank giải thích, đây là điều mà năm nào cổ đông cũng lên tiếng. Trong HĐQT có nhiều cổ đông lớn tham gia điều hành nên rất mong muốn năm nào cổ tức cũng được chia từ 10% nhưng tình hình thị trường không cho phép. Việc chia cổ tức cũng phải theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo kế hoạch 2017, ABBank sẽ cố gắng giảm thiểu việc trích lập để tăng cổ tức cho cổ đông. Ngoài cổ tức bằng tiền, trong năm 2016, ABBank còn phát hành khoảng 52 triệu cp thưởng cho cổ đông để tăng vốn lên 5,320 tỷ đồng. Qua đó, tổng tỷ lệ cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông sẽ vào khoảng 13%. Vấn đề thù lao cho HĐQT cho rằng so với mặt bằng thị trường thì tỷ lệ này thấp, bản thân HĐQT không mong muốn chi phí lớn khi mà lợi nhuận thấp.
Cơ cấu cổ đông của ABBank tính đến 31/12/2015
|
Với kế hoạch niêm yết, ABBank cho biết Ngân hàng chưa có kế hoạch niêm yết trong năm sau, tuy nhiên những năm tới sẽ xin ý kiến của cơ quan chức năng. Còn việc cổ đông muốn chuyển nhượng cổ phiếu ABBank thì Ngân hàng có cử 1 tổ nhân viên, giúp cổ đông chuyển nhượng thông qua CTCK.
Nợ xấu 2016 ở mức 814 tỷ, tăng 11%
Về các chỉ tiêu khác của ABBank trong năm 2016, dư nợ thị trường 1 vào khoảng 40,195 tỷ đồng, tăng 30% so với thực hiện 2015; thị trường 2 là 5,437 tỷ đồng, giảm 47%. Huy động cho thị trường 1 dự kiến đạt 52,305 tỷ đồng, tăng 9% và thị trường 2 là 6,000 tỷ đồng, giảm 34%.
Bên cạnh đó, nợ xấu (nhóm 3-5) sẽ ở mức 814 tỷ đồng, tăng 11% năm trước. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 1.78% và trên dư nợ thị trường 1 là 2.02%.
Để thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra trong 2016, ABBank sẽ tập trung cho lĩnh vực bán lẻ, đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng dần tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong cơ cấu thu nhập Ngân hàng.
Ngân hàng sẽ phát triển dư nợ cá nhân với mức tăng trưởng 28%, tập trung vào nhóm có khoản vay trung bình 500 triệu đồng/món. Mảng thu phí dịch vụ cá nhân đảm bảo mức tăng trưởng 30%. Với khách hàng doanh nghiệp, ABBank thực hiện thu xếp vốn cho nhà máy điện Vĩnh Tân 4 (mở rộng) tại Bình Thuận với tổng mức đầu tư gần 24 ngàn tỷ đồng, công suất 600 MW do EVN làm chủ đầu tư; hoàn thiện, phát triển sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao…
Một số chỉ tiêu kinh doanh khách hàng cá nhân và doanh nghiệp 2016
|
Đầu tư trái phiếu tổ tức tín dụng trong 2016 dự kiến 400 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ sẽ dựa theo tình hình thị trường để quyết định.
ABBank cũng đề ra mục tiêu mở mới 18 chi nhánh và phòng giao dịch.
Một vấn đề khác được đại hội thông qua là miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT gồm ông Lee Tien Poh (do Maybank đề nghị) và ông E.Gayle Mc Guigan Jr. (do IFC đề nghị). Theo đó, bẩu bổ sung 4 thành viên HĐQT gồm bà Sim Sio Hoong (do Maybank đề cử), bà Lim Siew Ming (do Maybank đề cử), bà Iris Fang (do IFC đề cử), ông Trịnh Thanh Hải (do HĐQT đề cử).
Ngoài ra, miễn nhiệm 2 thành viên BKS gồm ông Hadenan A.Jalil (do Maybank đề nghị) và ông Nguyễn Phan Long (do BKS đề nghị). Thay vào đó, bầu bổ sung bà Phạm Thị Hằng và bà Nguyễn Thị Hương.
Quy mô thị trường liên ngân hàng đã giảm trong năm qua
Lũy kế cả năm 2015, lãi sau thuế của ABBank bị kéo xuống còn 90 tỷ đồng, giảm 23% so với năm trước. Dòng tiền thuần trong năm của Ngân hàng âm hơn 7,780 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, ABBank đạt hơn 64,380 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 4.6% so với thời điểm đầu năm chủ yếu do khoản tiền gửi và vay các TCTD khác giảm 43% xuống 9,096 tỷ đồng. ABBank cho biết Ngân hàng giảm quy mô hoạt động trên thị trường liên ngân hàng nhằm tuân thủ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Còn hoạt động cho vay và huy động ghi nhận tăng trưởng trong năm. Tiền gửi khách hàng tại Ngân hàng tăng 5.4%, đạt 47,530 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay khách hàng tại ABBank cũng tăng trưởng 19% lên 30,915 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của Ngân hàng ở mức 735 tỷ đồng, giảm 37% so với đầu năm 2015. Nợ có khả năng mất vốn cũng giảm 33% xuống 580 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ 4.51% thời điểm đầu năm xuống còn 2.38%./.
|