Thứ Sáu, 29/04/2016 09:07

[Bài cập nhật]

Vì sao ĐHĐCĐ Eximbank bất thành?

Sáng 29/04, ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Eximbank lần thứ nhất đã bất thành do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự. Đáng chú ý, các nhóm cổ đông lớn dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong "phân chia quyền lực" tại HĐQT.

Trước Đại hội, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (EIB) đã nhận được kiến nghị của các nhóm cổ đông sở hữu 25.95% vốn đề nghị số lượng thành viên HĐQT chỉ 9 người như hiện tại. Trong khi đó, hai nhóm cổ đông khác đại diện cho 22.24% vốn lại đề nghị bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT. Đại diện cho hai nhóm này là bà Nguyễn Thị Xuân Loan (nguyên là Chủ tịch NamABank) và ông Phạm Hữu Phương (nguyên Trưởng VPĐD NHNN tại TPHCM).

Việc bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT không nhận được sự đồng thuận của HĐQT hiện tại. Nội dung tờ trình của HĐQT về vấn đề này nêu rằng: “HĐQT cân nhắc thống nhất đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên mới. Tuy nhiên vì tôn trọng quyền của nhóm cổ đông và nhận thức rằng ĐHĐCĐ là cơ quan quyền lực nhất nên HĐQT kính trình ĐHĐCĐ xem xét”. Theo đó, HĐQT trình Đại hội chấp thuận để HĐQT tiến hành các thủ tục bầu bổ sung thành viên HĐQT theo đề nghị của nhóm cổ đông.

Tuy nhiên vấn đề đến nay vẫn chưa được giải quyết, ĐHĐCĐ thường niên sáng nay (29/04) đã bất thành do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự. Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Thanh Tùng – Thành viên HĐQT cho biết số lượng cổ đông tham dự Đại hội đạt 487 người, đại diện cho 50.19% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trưởng BKS của Eximbank cho biết, 2 nhóm cổ đông lớn trên 10% yêu cầu đưa tờ trình nhân sự vào chương trình nghị sự nhưng lại không có mặt vào Đại hội ngày hôm nay; ĐHĐCĐ thường niên lần thứ hai sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày tới (tối thiểu phải có 51% số cổ phần có quyến biểu quyết tham dự).

Bên lề Đại hội, ông Tùng cho biết có thấy sự xuất hiện của 2 nhóm cổ đông lớn nhưng không hiểu vì sao họ lại không thực hiện đăng ký cổ đông tham dự.

Được biết, vấn đề ứng cử thành viên HĐQT đã rất nóng từ ĐHĐCĐ năm ngoái của Eximbank. Trong lần họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 diễn ra vào tháng 7/2015, mặc dù HĐQT đã hết nhiệm kỳ nhưng việc bầu cử đã tạm gác lại. Đến cuối năm này, ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua được HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 với 9 thành viên, đặc biệt 2 ứng viên trong tổng số 11 ứng viên đã "biến mất" khỏi danh sách do NHNN chưa phê duyệt. Khi đó, ông Phạm Hữu Phú - Thành viên HĐQT cho biết, số lượng thành viên HĐQT dự kiến bầu là 11 người, nhưng danh sách dự kiến bầu tại ĐHĐCĐ bất thường lần này mới chỉ có 9 người, còn thiếu 2 người sẽ bầu bổ sung trong ĐHĐCĐ thường niên 2016. Tuy nhiên, câu chuyện dường như chưa có hồi kết.

Tính đến cuối năm 2015, Eximbank có hai cổ đông lớn là Sumitomo Mitsui Banking Corporation sở hữu 15% vốn và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) sở hữu 8.19% vốn.

Nhiều cổ đông lớn tuổi nóng ruột nhưng bàn chủ tọa vẫn vắng tanh.

 


ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank

TRƯỚC ĐẠI HỘI

Kế hoạch lãi 720 tỷ đồng trong năm 2016, chưa xóa được lỗ lũy kế

Ngoài mục tiêu kinh doanh đưa tin trước đó gồm tổng tài sản đạt 142,500 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Các chỉ tiêu huy động vốn và tổng dư nợ cấp tín dụng lần lượt tăng 15% và 10% lên 113,500 tỷ và 105,805 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng dự kiến đạt 720 tỷ đồng trong năm 2016.

Tính đến 31/12/2015, Eximbank vẫn còn lỗ lũy kế hơn 817 tỷ đồng. Do đó, với yêu cầu cần giữ lợi nhuận còn lại cho đến khi hết lỗ lũy kế, Ngân hàng sẽ không chia cổ tức 2015.

Một vấn đề đáng chú ý trong tờ trình đại hội là việc tái triển khai dự án tháp Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM vốn dĩ đã dừng thi công hơn 1 năm nay.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án có chức năng văn phòng-khách sạn-TM-DV-căn hộ, có quy mô 5 tầng hầm, 40 tầng cao; diện tích đất là 3,514 m2; xây dựng hơn 68,498 m2. Chi phí xây dựng dự kiến 3,600 tỷ đồng. Eximbank đã có chủ quyền hợp lệ và cần thực hiện đóng nghĩa vụ tài chính bổ sung (khoảng 200 tỷ đồng) theo quy hoạch chấp thuận.

Mô hình ban đầu của tháp Eximbank

Được triển khai từ tháng 4/2011, sau khi đã ký hợp đồng thiết kế công trình với công ty Nikken Sekkei, đến năm 2012, ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua nội dung ưu tiên xây dựng dự án trong 5 năm tới để có thể đi vào hoạt động vào cuối 2016. Đến tháng 2/2013, HĐQT Ngân hàng phê duyệt báo cáo tiền khả thi với tổng mức được duyệt là 3,539 tỷ đồng. Thay đổi bắt đầu vào tháng 6/2014 khi HĐQT quyết định giảm quy mô dự án còn 3 tầng hầm và 20 tầng cao và chỉ còn chức năng văn phòng. Đồng thời, HĐQT đàm phán lại chi phí tư vấn quản lý dự án, thiết kế theo quy mô mới nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Đến tháng 8/2014, Eximbank yêu cầu các đơn vị tạm dừng dự án và tiếp tục xin Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố điều chỉnh chức năng và quy mô tháp. 2 tháng sau đó, Eximbank nghiên cứu đề xuất hợp tác đầu tư với Công ty Shimizu. Từ đó đến tháng 2/2015, Eximbank đã nghiên cứu các phương pháp hợp tác và tìm NĐT cho dự án và tạm thời chưa triển khai dự án chờ HĐQT nhiệm kỳ mới xem xét.

HĐQT - 9 hay 11 người?

Đại hội sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT thay thế cho ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm vào giữa tháng 4 mới đây để đảm bảo số lượng thành viên HĐQT tối đa 9 hoặc 11 thành viên, cổ đông sẽ biểu quyết 1 trong 2 số lượng trên.

Được biết vào ngày 26/04, Eximbank đã nhận được kiến nghị của các nhóm cổ đông sở hữu 25.95% vốn đề nghị số lượng thành viên HĐQT chỉ 9 người như hiện tại.

Ngoài ra, HĐQT Eximbank cũng đã nhận được thư đề ngày 14/03/2016 của bà Nguyễn Thị Xuân Loan đại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phần chiếm tỷ lệ 11.82% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank và thư đề ngày 28/03/2016 của ông Phạm Hữu Phương dại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 10.42% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank, hai nhóm cổ đông có cùng yêu cầu đưa vào chương trình họp đại hội 2016 nội dung bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT.

Trước hai luồng ý kiến trái chiều từ các nhóm cổ đông, tờ trình của HĐQT về vấn đề nhận sự nêu rằng: “với tinh thần trách nhiệm cao, HĐQT cân nhắc thống nhất đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên mới. Tuy nhiên vì tôn trọng quyền của nhóm cổ đông và nhận thức rằng ĐHĐCĐ là cơ quan quyền lực nhất nên HĐQT kính trình ĐHĐCĐ xem xét”. Theo đó, HĐQT trình Đại hội chấp thuận để HĐQT tiến hành các thủ tục bầu bổ sung thành viên HĐQT theo đề nghị của nhóm cổ đông.

Không rút lại khoản vượt chi 46 tỷ đồng cho HĐQT và BKS

Tại đại hội, HĐQT cũng sẽ trình cổ đông thông qua thù lao Ban điều hành. Cụ thể, năm 2014, thù lao cho HĐQT và BKS đã chi vượt hơn 27 tỷ đồng so với thù lao được hưởng theo quy định là 841 triệu đồng. Năm 2015 thù lao đã chi vượt 19.3 tỷ đồng so với số được hưởng là 600 triệu đồng. Eximbank cho biết năm 2014 và 2015, HĐQT và BKS đã có nhiều đóng góp cho Ngân hàng nên mong cổ đông chấp thuận không thu hồi lại số tiền vượt.

Về thù lao 2016, HĐQT trình đại hội mức 1.5% tổng lợi nhuận trước thuế nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra chi phí hoạt động của BKS trong năm 2016 dự kiến là 600 triệu đồng, năm 2015 đã thực chi là 437.6 triệu đồng.

Dự phòng ăn mòn hơn 95% lợi nhuận trong năm qua

Năm 2015, Ngân hàng đạt tổng tài sản 124,850 tỷ đồng, giảm 22% so với cuối năm 2014 (chủ yếu do giảm 81% nguồn vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng). Huy động vốn của Eximbank cũng giảm 3% xuống 98,431 tỷ đồng và tổng dư nợ cấp tín dụng giảm 1.8% xuống 96,188 tỷ đồng. Nợ xấu đến cuối 2015 của Eximbank là 1,575 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1.86% trên tổng dư nợ.

Mặt khác, lãi từ hoạt động kinh doanh năm qua đạt 1,495 tỷ đồng nhưng Eximbank đã dành ra 1,434 tỷ đồng để trích lập dự phòng. Theo đó, lãi sau thuế hợp nhất chỉ còn 61 tỷ, giảm 83% so với năm trước, tương đương 6% kế hoạch năm. Lãi sau thuế của Ngân hàng đạt 40 tỷ đồng, giảm gần 30%./.

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ ABBank: Vì sao dự phòng rủi ro 2016 tăng mạnh? (28/04/2016)

>   VAMC đã mua hơn 24.500 khoản nợ xấu (28/04/2016)

>   Chính sách điều hành tỷ giá: Bước tiến dài trong chống đô la hóa (28/04/2016)

>   Sacombank phát hành thẻ trả trước quốc tế MasterCard Travel (28/04/2016)

>   ĐHĐCĐ MBB: MB Finance đặt kế hoạch không lỗ năm đầu (28/04/2016)

>   ĐHĐCĐ Ngân hàng NCB: Kế hoạch phát hành 1,000 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền (28/04/2016)

>   Hạ tầng yếu, ATM dễ bị tấn công (27/04/2016)

>   Vàng SJC tăng nhẹ, tỷ giá trung tâm quay đầu giảm (27/04/2016)

>   Sacombank đạt giải thưởng Thương hiệu tiêu biểu 2016 (26/04/2016)

>   Sacombank được vinh danh “Thương hiệu uy tín chất lượng APEC 2015” (22/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật