Chính sách điều hành tỷ giá: Bước tiến dài trong chống đô la hóa
Tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm mạnh nhờ những giải pháp mang tính dài hạn của NHNN. Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện phát triển kinh doanh khi trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng.
Gần đây có ý kiến cho rằng tỷ lệ găm giữ ngoại tệ của người dân vẫn còn cao. Ông có bình luận gì về nhận định này?
Ông Lê Xuân Nghĩa
|
Theo tôi, ý kiến trên dựa trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Tài chính quốc gia, năm 2015 huy động vốn ngoại tệ hệ thống NH tăng so với năm 2014. Điều đó cho thấy dù NH đã đưa lãi suất xuống 0%/năm nhưng người dân vẫn gửi tiền USD vào NH. Từ đó có ý kiến cho rằng đổi chính sách của NHNN không làm cho đô la hóa giảm xuống mà còn tăng lên. Song, theo tôi những ý kiến này chủ yếu là do cách thống kê thôi. Đúng ra người ta phải thống kê những tháng đầu năm 2016 so với tháng 12/2015 (thời điểm NHNN đưa lãi suất USD về 0%/năm) hoặc so với cùng kỳ, để thấy rằng trên thực tế tiền gửi ngoại tệ giảm.
Theo NHNN, tính đến ngày 10/3/2016, huy động ngoại tệ giảm tới 3,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, huy động ngoại tệ từ dân cư giảm 3,76%, từ tổ chức kinh tế giảm 3,36%. Có thể đây là mức giảm không lớn, nhưng đó cũng là một hiệu ứng cho thấy người dân giảm gửi ngoại tệ và chuyển sang gửi đồng Việt Nam. Và khi xem xét đồng Việt Nam, chúng ta thấy có tăng chút ít do sự chuyển đổi từ tiền gửi ngoại tệ sang. Nhưng cũng không đáng kể vì thực tế tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ chỉ chiếm 10% trong tổng tiền gửi của các TCTD. Như vậy, các chính sách tỷ giá của NHTW để giảm đô la hóa, tôi cho rằng đã đạt được những kết quả đầu bước đầu tích cực.
Bên cạnh đó, một tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ đô la hóa là tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán. Nếu tính toán tỷ lệ này thì chúng ta sẽ thấy có xu hướng giảm rõ rệt trong thời gian qua.
Vậy, ông đánh giá thế nào về những điều chỉnh chính sách tỷ giá trong thời gian gần đây của NHNN?
Năm ngoái, khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, nhiều người đặt ra câu hỏi là liệu lần điều chỉnh này có đủ bao quát được hết một loạt các yếu tố như việc mất cân bằng cung cầu ngoại tệ trong nước, khả năng Trung Quốc sẽ còn tiếp tục điều chỉnh tỷ giá cũng như khả năng Mỹ tăng lãi suất. Tuy nhiên, thực tế đến nay cho thấy mặc dù Mỹ đã tăng lãi suất, Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm giá mạnh đồng CNY nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ của Việt Nam vẫn ổn định. Chúng ta đều thấy tỷ giá trung tâm hôm nay so với đầu năm 2016 cũng đã giảm một chút. Tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm khá nhiều. Thậm chí trên thị trường tự do tỷ giá giảm rất mạnh, và khoảng một tháng nay còn thấp hơn giá bán niêm yết của các NHTM.
Để có những thành công đó, ngoài việc điều chỉnh tỷ giá, NHNN đã thực hiện một loạt các giải pháp hỗ trợ có tính dài hạn. Trước hết là việc NHNN đã chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái mới. Nền tảng là tỷ giá trung tâm NHNN công bố hàng ngày, phản ánh được cả quan hệ cung - cầu ngoại tệ trong nước cũng như những biến động trên thị trường tài chính bên ngoài. Nhờ vậy, dù có các cú sốc từ bên ngoài không tác động mạnh đến thị trường ngoại tệ mà được hấp thụ từ từ. Đồng thời, việc tỷ giá trung tâm thay đổi linh hoạt có lên có xuống cũng làm giảm tâm lý đầu cơ ngoại tệ của thị trường.
Bên cạnh đó, gần đây, NHNN đã thực hiện một loạt các giải pháp để chống lại tình trạng găm giữ ngoại tệ và chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả của các biện pháp này. Cụ thể, NHNN đã thực hiện các giải pháp rất chặt chẽ như yêu cầu các TCTD báo cáo trạng thái ngoại tệ khi có bất thường và báo cáo này phải do Tổng giám đốc ký chứ không do trưởng phòng ký như trước đây. Đó là một biện pháp hành chính để ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu NH. Ngoài ra, NHNN cũng ban hành Thông tư quy định hạn chế việc mua ngoại tệ giao ngay cho các giao dịch chưa đến hạn thanh toán để giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Đáng lưu ý, lần đầu tiên NHTW đã bán ngoại tệ kỳ hạn cho NHTM nên các NHTM có thể yên tâm, không cần phải găm giữ ngoại tệ như trước kia. Bởi nếu có nhu cầu ngoại tệ nào đó trong tương lai thì NH đã có một lượng ngoại tệ mà NHTW đã bán cho họ dưới hình thức kỳ hạn.
Trên thực tế, cho đến giờ phút này, tỷ giá ổn định các NHTM đều đã xin hủy hợp đồng kỳ hạn với NHNN vì họ thấy không cần nữa. Điều đó cho thấy rằng việc găm giữ ngoại tệ được khắc phục một cách căn bản. Đó cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp duy trì tỷ giá hối đoái của Việt Nam ổn định và quan hệ cung cầu ngoại tệ trong nước trở lại mức thực của nó.
Với chính sách trên, tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân từ nay tới cuối năm được cải thiện ra sao, thưa ông?
Như tôi đã phân tích, với hiệu quả của các chính sách NHNN thực hiện gần đây, động lực găm giữ ngoại tệ đã, đang và sẽ ngày càng giảm đi. Thêm vào đó, gần đây giá vàng trong nước và quốc tế gần như ngang nhau, thậm chí giá vàng trong nước còn thấp hơn vàng quốc tế thì nhu cầu thu gom ngoại tệ nhập lậu vàng sẽ không còn. Quan trọng hơn cả, khi lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, niềm tin vào giá trị tiền đồng được củng cố cùng với các giải pháp của NHNN như thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn để ổn định thị trường ngoại tệ, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, duy trì chênh lệch lãi suất VND so với USD ở mức có lợi cho người gửi tiền đồng thì hiện tượng găm giữ ngoại tệ từng bước giảm dần là tất yếu.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã có đánh giá tích cực về thành công của Việt Nam trong quá trình từng bước giảm tình trạng đô la hóa. Còn việc xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế khó có thể thực hiện một sớm một chiều mà cần những giải pháp đồng bộ, phối hợp giữa các bộ, ngành. Nhưng, để giải quyết vấn đề cốt lõi là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, từ đó niềm tin vào tiền đồng sẽ tăng lên.
Xin cảm ơn ông!
An Đỗ thực hiện
thời báo ngân hàng
|