[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ VietinBank: Sẽ xem xét M&A các ngân hàng khác để tăng quy mô
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank (HOSE: CTG) tổ chức ngày 26/04, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua tài liệu liên quan đến giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank. Trong đó, đáng chú ý là việc VietinBank sẽ không chia cổ tức năm 2015 trước khi sáp nhập với PGBank.
* 17h30: Tất cả các tờ trình tại Đại hội đều được thông qua.
Trong tháng 5 sẽ nhận được quyết định cuối cùng của việc sáp nhập PGBank
* 16h00: Đại hội bắt đầu thảo luận.
Tiến độ của quá trình sáp nhập giữa VietinBank với PGBank? Vietinbank có tiến hành sáp nhập với ngân hàng nào khác hay không?
Sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, VietinBank đã thành lập ban chỉ đạo công tác sáp nhập với PGBank, thành lập các đội dự án về công tác cán bộ và xử lý hệ thống giữa 2 ngân hàng VietinBank và PGBank. Do sở hữu Nhà nước của PGBank là hơn 40%, của VietinBank là hơn 64%, do vậy việc sáp nhập tốn rất nhiều thời gian, phải thông qua rất nhiều ban, ngành. Việc sáp nhập tốn hơn 1 năm, do đó VietinBank và PGBank lại phải tiếp tục rà soát hoạt động, tính toán tỷ lệ sáp nhập cho phù hợp với tình hình hoạt động. Tuy nhiên, đến hiện tại, công tác pháp lý và chuẩn bị để sáp nhập về cơ bản đã chuẩn bị đầy đủ.
Dự kiến trong tháng 5, VietinBank sẽ nhận được quyết định cuối cùng của việc sáp nhập, việc triển khai sẽ được tiến hành trong vòng 1 – 3 tháng. Theo đó, việc sáp nhập dự kiến sẽ được tiến hành trước tháng 9/2016, trước khi triển khai Core Banking mới của VietinBank.
VietinBank đánh giá thế nào về đề án tái cơ cấu hoạt động ngân hàng đến năm 2020?
Theo VietinBank, thông tin về việc số ngân hàng giảm xuống 15 – 20 ngân hàng đến năm 2020 tùy thuộc vào điều kiện thị trường, tuy nhiên VietinBank tin tưởng rằng việc mua bán, sáp nhập các ngân hàng sẽ rất sôi động trong thời gian tới.
VietinBank sẽ xem xét việc tham gia mua bán – sáp nhập (M&A) các ngân hàng khác để gia tăng quy mô và thị phần.
Kết quả kinh doanh quý 1/2016 của VietinBank như thế nào?
Quy mô tài sản của VietinBank tại thời điểm kết thúc quý 1/2016 so với cùng kỳ tăng 23%, so với đầu năm tăng 2%, quy mô tín dụng so với đầu năm tăng 3%, nợ xấu ở mức 0.8%.
Lợi nhuận hợp nhất trong quý 1/2016 đạt 2,400 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn lên hơn 49,000 tỷ đồng của VietinBank như thế nào?
Năm 2015, VietinBank đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 49,000 tỷ đồng, căn cứ vào 2 cấu phần là sáp nhập với PGBank và chia thặng dư vốn cho các cổ đông, tuy nhiên do những điều kiện khách quan, việc sáp nhập với PGBank chưa thể thực hiện. Trong năm nay, nếu sáp nhập được với PGBank thì sẽ thực hiện được kế hoạch tăng vốn như đã phê duyệt.
Làm rõ phương án không chia cổ tức năm 2015 và chính sách chia cổ tức những năm tiếp theo như thế nào?
Theo chính sách của HĐQT, sẽ hạn chế tối đa việc để các cổ đông phải góp thêm tiền vào VietinBank. Theo đó, HĐQT sẽ trình cổ đông việc không chia cổ tức cho năm 2015 để gia tăng vốn tự có của Ngân hàng. Trong tương lai, nếu có điều kiện, VietinBank sẽ thực hiện chia lại cổ phiếu thưởng cho các cổ đông. Trong năm 2016, HĐQT đề ra chính sách cổ tức với tỷ lệ từ 7% - 9%.
* 15h40: Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT trình bày trước Đại hội Tờ trình nhân sự VietinBank.
Cụ thể, HĐQT đã trình Đại hội thông qua miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT VietinBank đối với ông Phạm Huy Thông để chuyển công tác theo quyết định điều động của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với ông Go Wantanabe theo đề nghị của Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) (ông Wantanabe đã được bầu vào HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2014 – 2019). Ngoài ra, HĐQT cũng thông qua miễn nhiệm chức vụ Thành viên BKS đối với bà Vũ Thị Bích Hồng để nghỉ hưu theo chế độ.
Đồng thời, HĐQT cũng thông qua việc bầu bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT. Theo danh sách đề cử trước Đại hội, ông Yotaro - Trưởng Phòng Kế hoạch khu vực Châu Á và Châu Đại Dương Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ, Singapore là ứng viên bầu vào HĐQT VietinBank.
* 14h45: Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, việc sáp nhập với PGBank hiện đã xong hầu hết các công việc cần thiết, chỉ còn đợi sự chấp thuận từ Chính phủ. Dự kiến khi được chấp thuận, việc tích hợp hệ thống và sáp nhập PGBank vào VietinBank sẽ được thực hiện trong vòng tối đa 3 tháng.
Cổ tức 2016 dự kiến 7-9%, thấp hơn 2014
* 14h15: Đại diện Ban điều hành trình bày trước Đại hội Báo cáo hoạt động năm 2015 và định hướng hoạt động năm 2016.
Kết thúc năm 2015, quy mô tổng tài sản của VietinBank đạt 779 ngàn tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014 và đạt 105% kế hoạch năm 2015. Hoạt động tín dụng đến 31/12/2015 đạt 677 ngàn tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm và đạt 110% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu tính đến thời điểm 31/12/2015 đạt 0.73% dư nợ tín dụng.
Hoạt động đầu tư đến 31/12/2015 của VietinBank đạt số dư 195 ngàn tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản. Nguồn vốn huy động đạt 712 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 20%, cơ cấu vốn được đa dạng hóa. Nguồn vốn khách hàng doanh nghiệp tăng 15%, cá nhân tăng 17%; các tổ chức trong và ngoài nước tăng trưởng 28% so với năm 2014.
Lợi nhuận trước thuế năm 2015 của Ngân hàng đạt 7,345 tỷ đồng, hoàn thành 100.6% kế hoạch. Tỷ suất sinh lời ROE, ROA đạt lần lượt 10.3% và 1.02%.
Trong năm 2015, VietinBank đã tham gia hỗ trợ ngân hàng thương mại yếu kém thực hiện tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, trong đó 2 đơn vị được VietinBank hỗ trợ là GPBank và Oceanbank đã dần đi vào ổn định. Đối với hoạt động sáp nhập với PGBank, HĐQT VietinBank cho biết, vì lý do khách quan, giao dịch giữa VietinBank và PGBank chưa được phê duyệt bởi các cơ quan quản lý Nhà nước nên các chỉ tiêu về vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của VietinBank chưa hoàn thành đúng kế hoạch. Hiện tại, VietinBank và PGBank đã trình bộ hồ sơ sáp nhập lên NHNN làm cơ để NHNN trình Thủ tướng thông qua giao dịch.
Về kế hoạch cho năm 2016, VietinBank dự kiến đạt 889,550 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 14% so với kết thúc năm 2015, vốn điều lệ dự kiến đạt 49,209 tỷ đồng, tăng 11,975 tỷ đồng (tương đương 32%) so với năm 2015. Dư nợ tín dụng và nguồn vốn huy động đạt lần lượt 798,492 tỷ và 811,445 tỷ đồng, tăng 18% và 14% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 7,900 tỷ đồng, tăng 8%. Tỷ lệ cổ tức chỉ đạt từ 7% - 9%, thấp hơn so với mức 10% đã chi trả năm 2014.
14h00: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của VietinBank bắt đầu.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của VietinBank được tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 26/04/2016.
|
TRƯỚC ĐẠI HỘI
Không chia cổ tức 2015 do điều khoản hợp đồng sáp nhập với PGBank
Ngày 14/04/2015, ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của VietinBank đã thông qua việc sáp nhập với Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào VietinBank, cũng như thông qua các tài liệu liên quan đến việc sáp nhập. Tuy nhiên, theo giải trình của HĐQT VietinBank, do có sự thay đổi của pháp luật trong lĩnh vực sáp nhập ngân hàng (Thông tư 04/2010/TT-NHNN ngày 11/2/2010 của NHNN bị thay thế bởi Thông tư 36/2015/TT-NHNN, ngày 31/12/2015) nên đề án sáp nhập cần được 2 ngân hàng cập nhật, sửa đổi cho phù hợp.
Cụ thể, liên quan đến điều khoản quy định các hành vi bị cấm đối với các bên tham gia sáp nhập, đã có quy định 2 bên không được chia cổ tức trước khi sáp nhập để đảm bảo không làm giảm giá trị sổ sách mỗi cổ phần của các bên. Tuy nhiên, do giao dịch sáp nhập kéo dài, VietinBank đã thực hiện chia cổ tức năm 2014 căn cứ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, HĐQT VietinBank đã đàm phán với PGBank và trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 về việc không chia cổ tức năm 2015 để đảm bảo các quy định trước sáp nhập.
Theo đó, toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ gần 3,661 tỷ đồng sẽ được VietinBank để lại để bổ sung nguồn vốn tự có của ngân hàng./.
|