ĐHĐCĐ BIDV: Căng thẳng vấn đề cổ tức và áp dụng sửa đổi Thông tư 36
Thay vì kế hoạch cổ tức năm 2015 tỷ lệ 9% như đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (HOSE: BID) tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 đã giảm xuống mức 8.5% và chi trả bằng cổ phiếu, quyết định này đã vấp phải sự phản đối từ nhiều cổ đông.
* 10 chủ nợ của HAG đang trình phương án giải cứu lên NHNN
* NHNN thay người đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV?
ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của BIDV tổ chức vào ngày 24/04 tại Hà Nội.
|
Nóng chuyện cổ tức
Theo báo cáo của Ban điều hành BIDV, tính đến ngày 31/12/2015, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 850,670 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước. Nguồn vốn huy động tính đến cuối năm đạt 790,580 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước, vượt mục tiêu đã được ĐHĐCĐ giao (16.5%). Dư nợ tín dụng đạt 622,556 tỷ đồng, tăng trưởng 22%. Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT cho biết, dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên chiếm 50% tổng dư nợ toàn hệ thống. Thị phần tín dụng năm 2015 của BIDV đạt 13.2%, tăng 1.6% so với năm trước.
Về kết quả kinh doanh, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế gần 7,948 tỷ đồng và ghi nhận 7,473 tỷ đồng sau khi trừ đi phần lỗ lũy kế của MHB, tăng 19% so với năm trước. Các chỉ tiêu về cơ cấu, tỷ lệ an toàn hoạt động về cơ bản đáp ứng mục tiêu với ROA, ROE lần lượt đạt 0.79% và 15.5%, hệ số CAR đạt trên 9%. Lợi nhuận sau thuế sau khi đã trích lập các quỹ của BIDV năm 2015 còn 3,284 tỷ đồng. Theo đó, Ban lãnh đạo trình Đại hội kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 8.5% bằng cổ phiếu, tương đương giá trị tính theo mệnh giá là gần 2,906 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại hơn 378 tỷ đồng.
Về kế hoạch cho năm 2016, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn huy động từ 21%-22%, dư nợ tín dụng tăng trưởng 18%, phấn đấu đạt 20% trên cơ sở chấp thuận của NHNN, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 7,900 tỷ đồng, tăng trưởng 5.7% so với 2015 (theo kết quả đã trừ đi phần lỗ lũy kế của MHB). Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 2%, tỷ lệ chi trả cổ tức từ 7% trở lên.
Việc chi trả cổ tức thấp hơn mức kế hoạch đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 (8.5% so với kế hoạch 9%), hình thức chi trả bằng cổ phiếu, trong khi kế hoạch cổ tức năm 2016 đặt ra thấp hơn với tỷ lệ từ 7% khiến các cổ đông có mặt tại Đại hội đặt nhiều chất vấn. Trong đó, có những ý kiến cho rằng HĐQT nên thay đổi phương án chi trả cổ tức từ cổ phiếu sang tiền mặt, hoặc nếu cần tăng vốn thì trả cổ tức bằng tiền mặt rồi phát hành cho cổ đông hiện hữu để các cổ đông có tiền mua cổ phiếu…
Đại diện Ban điều hành cho biết, việc trả cổ tức của Ngân hàng phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đặc biệt sau khi sáp nhập MHB, số lượng cổ phần của BIDV tăng lên, do đó, việc giữ cổ tức như kế hoạch ban đầu là rất khó. Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 7%, do đó, Ngân hàng trình kế hoạch chi cổ tức 8.5% cho năm 2015 và từ 7% trở lên trong năm 2016 là đã đảm bảo cổ tức cao hơn lãi suất tiết kiệm.
Bên cạnh đó, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng là điều cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm tới chỉ khoảng 18%, việc tăng vốn cũng giúp nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng.
Kế hoạch tăng vốn thêm 9,446 tỷ đồng
Tại Đại hội, HĐQT cũng đã trình và được thông qua phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị dự kiến phát hành là 9,446 tỷ đồng. Trong đó, phát hành ra công chúng và Nhà nước từ chối quyền mua 2,118 tỷ đồng (tương đương 6.2% vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2015), phát hành từ nguồn thặng dư thoái vốn từ đơn vị liên doanh và bán cổ phần công ty con 1,503 tỷ đồng (tương đương 4.4% vốn điều lệ), chia cổ tức và phát hành cho cổ đông hiện hữu tăng vốn thêm 5,825 tỷ đồng (17.04% vốn điều lệ).
Về việc NHNN cần bỏ thêm 2,700 tỷ đồng trong đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu liệu có khả thi trong tình hình ngân sách khó khăn, Tổng giám đốc BIDV – ông Phan Đức Tú cũng thẳng thắn thừa nhận việc NHNN góp thêm vốn trong phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu có tính khả thi không cao. Do đó, đối với khoản thu chênh lệch từ thoái vốn VID Public Bank, BIDV cho biết sẽ đề nghị cổ đông Nhà nước dùng toàn bộ phần chênh lệch để tham gia vào đợt phát hành tăng vốn.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng giúp BIDV có thêm dư địa để tăng trưởng vốn cấp 2. Theo chia sẻ của ông Tú, hiện nay vốn cấp 1 của BIDV đạt hơn 34,000 tỷ đồng, dư địa vốn cấp 2 của Ngân hàng đã gần như đã sử dụng hết. Tuy nhiên, nếu năm 2016 tăng được vốn thêm hơn 9,400 tỷ thì Ngân hàng có thể tăng được vốn cấp 2 hơn 4,700 tỷ đồng.
Một vấn đề khác cũng thu hút được sự chú ý từ các cổ đông là hệ số an toàn vốn và tỷ lệ cho vay trung/dài hạn bằng vốn ngắn hạn theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đối với BIDV. Về các chỉ tiêu cụ thể, Tổng giám đốc Phan Đức Tú cho biết, hệ số an toàn vốn của BIDV đối với riêng Ngân hàng là 9.01% và hợp nhất là 9.81%, vẫn đảm bảo trên 9% theo quy định. Tỷ lệ cho vay trung/dài hạn bằng vốn ngắn hạn của ngân hàng là 37.1%, vẫn thấp hơn so với dự thảo sửa đổi là 40% nhưng dư địa phát triển không cao.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Trần Bắc Hà, BIDV đã có kiến nghị đối với NHNN về việc xác định lộ trình áp dụng đối với dự thảo sửa đổi Thông tư 36 bởi cơ cấu vốn huy động và vốn vay của nước ta mang tính chu kỳ, xu hướng gửi tiền dài hạn rất thấp, chủ yếu là vốn ngắn hạn. Đối với BIDV, giải pháp để xử lý đối với vấn đề này là gia tăng vốn huy động dài hạn và giảm bớt tỷ lệ cho vay trung/dài hạn bằng vốn ngắn hạn. Đồng thời, Chủ tịch cũng khẳng định, việc áp dụng sửa đổi Thông tư 36 là cần thiết, BIDV sẽ không vì dư địa phát triển ít mà thực hiện đối phó, việc đề xuất là xây dựng lộ trình áp dụng.
Sẽ thành lập công ty quản lý quỹ
Ngoài ra, Đại hội cũng đã thông qua chủ trương thành lập công ty con 100% vốn sở hữu của BIDV trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư thông qua việc mua lại 100% phần vốn góp của Vietnam Partners (VP) tại Công ty liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV - Vietnam Partners (BVIM).
Ban lãnh đạo BIDV cũng trình cổ đông và được chấp thuận việc miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012-2017 đối với bà Nguyễn Thị Kim Thanh kể từ ngày 1/4/2016 và ông Lê Đào Nguyên kể từ ngày 1/5/2016 để nghỉ hưu theo chế độ. Đồng thời NHNN cũng đã có quyết định về việc cử ông Đặng Xuân Sinh thành viên HĐQT BIDV thay bà Thanh làm người đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV này kể từ ngày 21/4/2016./.
|