ĐHĐCĐ SMC: Nới room ngoại lên 100%, Hanwa – Japan nắm giữ 20% vốn
Mặc dù cổ đông Hanna- Japan mong muốn nắm giữ 30% vốn, tuy nhiên tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của CTCP Đầu Tư Thương Mại SMC (HOSE: SMC), chủ tịch HĐQT – ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết ở bước đầu tiên SMC chỉ để cổ đông này nắm giữ 20% vốn.
Thua lỗ lớn nhất trong 28 năm qua
Năm 2015, SMC tiêu thụ hơn 1 triệu tấn thép các loại, tăng 16% so với năm trước và hoàn thành 118% kế hoạch cả năm. Qua đó, doanh thu thuần đạt 10,046 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2014, và đạt 96% kế hoạch đề ra. Trong cơ cấu sản lượng thép tiêu thụ, thép xây dựng chiếm 56% tổng tiêu thụ. Tổng sản lượng tiêu thép xây dựng bán trong năm 2015 là 567 ngàn tấn, tăng 12% so với năm 2014. Thép tấm chiếm 38% tổng lượng tiêu thụ, đạt 384 ngàn tấn, tăng 15% so với năm trước.
Tuy nhiên, do giá bán giảm mạnh hơn dự báo đã khiến SMC phải gánh lỗ ròng lên tới 196 tỷ đồng, trong khi năm 2014 đạt lãi ròng là 20 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên sau 28 năm, Công ty phải ghi nhận thiệt hại và tổn thất nặng nề như vậy. Tại Đại hội, HĐQT đã xin lỗi cổ đông về kết quả trên.
Được biết, để đảm bảo hàng dự trữ liên tục cho hệ thống nhà máy gia công chế biến, Ban điều hành đã đưa ra định mức hàng tồn kho cho các loại thép vào khoảng 2 tháng, tương ứng 160,000 – 200,000 tấn thép, gây ra mức tồn kho cao về số lượng và giá. HĐQT cho biết đây là sai lầm lớn nhất dẫn đến thiệt hại và bao trùm các yếu tố còn lại. Mặc dù theo yếu tố quy luật, sau một thời gian giảm mạnh thì giá thép sẽ bật tăng trở lại nhưng điều này đã không xảy ra trong năm qua, khiến các đợt mua hàng sau tiếp tục chịu áp lực giá giảm và thiệt hại càng gia tăng. Khoản thiệt hại lớn nhất đến từ nhà máy cơ khí thép Phú Mỹ SMC ở Vũng Tàu lên tới 320 tỷ đồng. Chính khoản thua lỗ này đã cấn trừ hết tất cả những khoản lợi nhuận khác.
Tuy nhiên, đối với hoạt động đầu tư của SMC có nhiều bước tiến mạnh mẽ khi thực hiện liên kết với nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản. Điển hình là vào tháng 9/2015, Liên doanh sản xuất Lưới Thép Hàn – Công ty TNHH SMC- Toami được thành lập với vốn góp của SMC chiếm 25% tương đương 750,000 USD. Ngoài ra, vào tháng 12/2015, SMC đã thành lập Nhà máy ống thép Sendo – Công ty TNHH Liên doanh Ống thép Sendo với vốn góp chiếm 75% tương đương 6 triệu USD.
ĐHĐCĐ thường niên SMC diễn ra vào sáng ngày 23/04/2016
|
Cố gắng chia cổ tức trong năm 2016
Năm 2016, HĐQT cho biết hoạt động xuyên suốt của Công ty sẽ là thép và không mở rộng sang các sản phẩm khác như nhựa... Với định hướng đó, SMC đặt ra kế hoạch tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2016 là 1 triệu tấn, sấp xỉ mức sản lượng tiêu thụ trong năm 2015. Trong đó, thép xây dựng và thép tấm vẫn là hai sản phẩm chủ lực chiếm lần lượt 60% và 30% tổng lượng tiêu thụ. Dự kiến doanh thu của SMC trong năm nay đạt 10,100 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế ước đạt 60 tỷ đồng.
Mặc dù trong quý 1 năm 2016 Công ty dường như đã hoàn thành mức kế hoạch này khi lãi ròng của SMC thu được lên tới 59 tỷ đồng do giá thép tháng 3 tăng, đạt 98% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên HĐQT cho biết sẽ không điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch cho năm 2016. HĐQT sẽ xem xét điều chỉnh sau khi có kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng.
Đối với hoạt động đầu tư phát triển, SMC dự kiến tiếp tục triển khai dự án phân xưởng ép tẩy mạ khi có điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, SMC sẽ nhanh chóng ổn định sản xuất và tăng trưởng sản lượng đối với nhà máy sản xuất ống thép, mục tiêu sớm đạt mốc 80 - 100 ngàn tấn/năm.
Mặc dù theo tài liệu trước đại hội, HĐQT trình lên các cổ đông về việc nếu lợi nhuận sau thuế đạt vượt mức lợi nhuận kế hoạch đã đề ra thì Công ty sẽ thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông trên phần lợi nhuận vượt, nhưng không quá 5%. Tuy nhiên, HĐQT cho biết, với mức lợi nhuận kế hoạch năm 2016 là 60 tỷ đồng, chưa bù đắp được hết phần lỗ lũy kế mà Công ty đang phải gánh chịu thì theo quy định của pháp luật sẽ không được phép chi trả cổ tức. Do đó, trong 6 tháng đầu năm, SMC quyết tâm khắc phục hết lỗ lũy kế và tìm ra lợi nhuận để có thể chia cổ tức cho cổ đông trong thời gian ngắn nhất.
Nới room ngoại lên 100%, Hanwa – Japan nắm giữ 20% vốn
Tại đại hội, các cổ đông của công ty đã thông qua việc phát hành tăng vốn riêng lẻ cho Công ty Hanwa – Japan với tỷ lệ 15% tổng vốn điều lệ. Hiện Hanwa đang nắm giữ 5% vốn SMC, sau khi tăng vốn thành công cổ đông này sẽ nắm giữ 20% vốn.
Theo như HĐQT SMC chia sẻ, cổ đông Hanwa mong muốn nâng tỷ lệ vốn lên 30%, tuy nhiên do lo ngại sự can thiệp quá sâu từ đối tác Nhật Bản, ở bước đầu tiên, SMC chỉ để cho cổ đông này tăng tỷ lệ nắm giữ lên 20%.
Đồng thời, HĐQT cũng tiết lộ đang có kế hoạch phát hành trái phiếu cho Hanwa và phương án này chưa được bàn bạc cụ thể. Hiện tại, có hai phương án là phát hành 10 triệu USD hay 20 triệu USD với các hình thức cổ phiếu chuyển đổi hay không chuyển đổi. Thế nhưng, HĐQT cũng cho biết nếu thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi cho Hanwa thì cũng sẽ thỏa thuận với cổ đông này để không vượt mức tối đa là 35%. Dự kiến, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cho Hanwa 15% theo giá sổ sách tại thời điểm 30/06/2016
Ngoài ra, SMC cũng sẽ phát hành cổ phiếu thông qua việc chuyển đổi bất động sản thành cổ phiếu với giá trị tạm ước tính là 100 tỷ đồng cho chủ sở hữu lô đất số 124 Ung Văn Khiêm. Đây là lô đất có diện tích 1,300 m2, hiện tại cũng đang được SMC sử dụng trong hoạt động kinh doanh, HĐQT cho biết chủ sở hữu miếng đất này là đối tác trong nội bộ SMC, gắn bó với SMC ngay từ những ngày xây dựng cửa hàng đầu tiên. Sau khi thực hiện tăng vốn bằng chuyển nhượng bất động sản, SMC sẽ xây dựng cao ốc văn phòng mới tại lô đất này.
Bên cạnh đó, tại đại hội, các cổ đông đã thông qua việc mở room lên 100% cho cổ đông nước ngoài./.
|