ĐHĐCĐ TMS: Lãi trước thuế 2016 sẽ tăng mạnh nhờ thoái vốn tại HAH
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của CTCP Transimex-SaiGon (HOSE: TMS) tổ chức ngày 22/04, TMS đặt kế hoạch doanh thu tăng nhẹ 4% lên 507 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng 25%, đạt 219 tỷ đồng.
* Nhân duyên Cholimex và TMS!
Lý giải vì sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy, ông Lê Duy Hiệp - Tổng Giám đốc của TMS cho biết Công ty sẽ ghi nhận lợi nhuận từ thương vụ thoái vốn tại CTCP Vận tải & Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH), vì vậy lợi nhuận sẽ tăng đột biến so với tốc độ tăng trưởng doanh thu.
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của TMS tổ chức sáng ngày 22/04
|
Được biết, theo Nghị quyết HĐQT trong tháng 3, TMS đã thông qua việc thoái vốn 5,656,250 cp, tương đương 24.66% vốn điều lệ tại HAH. HĐQT đánh giá tiềm năng của HAH không lớn do khó mở rộng công suất trên vị trí hiện tại trong hệ thống cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, để phục vụ chuỗi cung ứng tại miền Bắc, TMS sẽ vẫn giữ lại phần vốn góp tại Công ty TNHH Vận tải Container Hải An có giá trị 40 tỷ đồng (chiếm 20% vốn điều lệ).
Với mục tiêu mở rộng chuỗi cung ứng, trong năm qua TMS đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 29.99% lên 37.29% tại CTCP Vinafreight (HNX: VNF) tính đến cuối 2015. Còn trong đầu tháng 3/2016, HĐQT của TMS cũng đã thông qua góp 35.02% vốn điều lệ, tương đương hơn 30 triệu cp vào Cholimex (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn). Đây là đơn vị hoạt động kinh doanh chính bao gồm phát triển, mở rộng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, sản xuất, chế biến và phân phối lương thực thực phẩm…, doanh thu tăng trưởng trên 20% trong giai đoạn 2012-2014. Hơn nữa, kế hoạch của Cholimex dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2018, ước đạt 624.5 tỷ đồng doanh thu và 36 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2016.
Kế hoạch kinh doanh của Cholimex
|
Ngoài ra, TMS còn có kế hoạch đầu tư 510 tỷ đồng vào Trung tâm Logistics Transimex Khu công nghệ cao Tp.HCM vừa khánh thành ngày 21/04. TMS dự kiến sẽ khai thác trên 50% công suất trong 2016. Một dự án lớn khác là Trung tâm Logistics Transimex Đà Nẵng cũng đã hoạt động và có thể nâng công suất từ 70% hiện tại lên 100% trong năm nay.
ĐHĐCĐ của TMS cũng thông qua tờ trình về việc góp vốn thành lập 2 đơn vị dịch vụ cảng và logistics có vị trí địa lý ở khu vực phía Nam của Tp.HCM. Ông Hiệp cho biết, việc mở rộng công suất cho Cảng Cát Lái là rất khó nên Thành phố sẽ có quy hoạch mở rộng hệ thống cảng và logistics xuống phía Nam. TMS sẽ liên kết đầu tư và kỳ vọng đón đầu cơ hội này. Cụ thể, TMS góp vốn để thành lập CTCP Trung tâm phân phối Tân Thuận có vốn điều lệ 120 tỷ đồng và vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Trong đó, Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) và TMS góp 35%, tương đương 42 tỷ đồng, còn lại là CTCP Vinafreight (HNX: VNF) góp 30%. Ngoài ra, TMS sẽ thành lập một CTCP để thuê, khai thác cầu cảng và bãi container trên khu đất 36ha của Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước cùng với các đơn vị khác.
Trong năm 2016, TMS dự kiến tiếp tục phát hành thêm 1,330,529 cp ESOP, sau khi đã phân phối 692,215 cp ESOP trong năm 2015. Mặc dù nhận nhiều ý kiến trái chiều, bởi giá phát hành bằng 80% giá trị sổ sách theo BCTC kiểm toán gần nhất và cổ đông lớn lên tiếng về quyền lợi của các cổ đông hiện hữu sẽ ảnh hưởng nhưng ĐHĐCĐ đa số vẫn thông qua tờ trình. Dự kiến tháng 5/2016 TMS sẽ thực hiện phát hành 665,264 cp ESOP, số còn lại được phân phối trong năm 2017 và bị giới hạn chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ cũng nhất trí về việc bầu ông Vũ Cường làm thành viên HĐQT mới của TMS. Hiện ông Cường đang là Giám đốc của Công ty TNHH Tư vấn NDH. Trước đó, ông Cường từng công tác tại CTCK Sài Gòn (HOSE: SSI) và Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI – 2 đơn vị đang nắm giữ lần lượt 17.4% và 2.64% vốn điều lệ của TMS.
Về kết quả kinh doanh năm 2015, TMS đạt tổng doanh thu 489 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế của Công ty tăng trưởng 13%, đạt 176 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2015 thông qua là 20% (5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu)./.
|