Vốn vào thị trường mới nổi mạnh nhất 21 tháng
Nhà đầu tư đã rót thêm 36.8 tỷ USD vào các thị trường mới nổi toàn cầu trong tháng 03/2016, đánh dấu tháng hút vốn mạnh nhất kể từ tháng 06/2014, dẫn đầu là các thị trường châu Á, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết.
Theo báo cáo được IIF công bố trong ngày thứ Ba (29/03), sở dĩ các quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu thị trường mới nổi đồng loạt hút vốn mạnh trong tháng qua là nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương và hoạt động săn lùng các kênh đầu tư có giá hời.
Dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi trong tháng 03/2016 vượt mức 5.2 tỷ USD trong tháng 2 và cao hơn cả mức bình quân 22 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2014.
Đợt rót vốn kéo dài từ đầu tháng cho tới ngày 24/03 vào các thị trường mới nổi đánh dấu đợt hút vốn dài thứ hai kể từ khi IIF bắt đầu công bố dữ liệu về dòng vốn.
Theo số liệu của IIF, 20.6 tỷ USD đã chảy vào các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á, chiếm hơn một nửa lượng vốn đổ vào các thị trường mới nổi.
Tại Hàn Quốc, tính tới tháng 02/2016, nhà đầu tư đã rút vốn ra khỏi cả thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu 3 tháng liên tiếp, nới rộng đà bán tháo được châm ngòi bởi đợt nâng lãi suất trong tháng 12/2015 tại Mỹ.
Trong khi đó, thị trường Mỹ Latinh hút 13.4 tỷ USD nhờ sự quan tâm ngày càng cao của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Brazil.
Theo IIF, các nhà đầu tư nước ngoài đã bơm hơn 2 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Brazil nhờ các mức định giá hấp dẫn và kỳ vọng về sự thay đổi chính trị. Chính việc luận tội Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff đã giúp chỉ số Bovespa tăng vọt 23% trong 30 ngày vừa qua.
Tuy nhiên, IIF cảnh báo đà hút vốn mạnh của các thị trường mới nổi trong tháng 03/2016 có thể chỉ xảy ra 1 lần duy nhất.
Trong một nghiên cứu vào tháng 03/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định triển vọng thời gian tới của các thị trường mới nổi là khá ảm đạm, đồng thời cảnh báo một số nền kinh tế mới nổi có thể đối mặt với lỗ hổng lớn về mặt tài chính trong các giai đoạn khủng hoảng.
Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi khó tiếp cận với các hợp đồng giao dịch hoán đổi song phương từng hỗ trợ các nền kinh tế phát triển trong suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, qua đó khiến các thị trường này dễ bị tác động bởi các cú sốc bên ngoài./.
|