Fed đã thay đổi triển vọng của NĐT về chứng khoán toàn cầu như thế nào?
Nhà đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu cần phải xem xét lại chiến lược đầu tư của mình một cách triệt để sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần trước, một tổ chức đầu tư nhận định.
Hôm thứ Hai, một nhóm các nhà phân tích, đứng đầu là Mislav Matejka, tại JPMorgan Cazenove cho biết: “Sau 7 năm giữ vững lập trường ‘ưu tiên đầu tư cao’ vào cổ phiếu toàn cầu, giờ đây chúng tôi bắt đầu tin rằng cơ chế của thị trường này đã thay đổi về mặt cơ bản”.
Theo CNBC, châu Âu và Nhật Bản là hai khu vực tập trung các dòng vốn trong năm 2015 khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cùng với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải chống chọi với nguy cơ giảm phát và giảm giá đồng nội tệ của mình với các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, quyết định cắt giảm đáng kể số lần nâng lãi suất trong năm 2016 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trong cuộc họp tuần trước đã làm xoay chuyển tình thế, đồng thời khiến đồng USD suy yếu so với đồng EUR cùng với đồng JPY. Do đó, làm giảm tính cạnh tranh của các hàng hóa tại 2 khu vực châu Âu và Nhật Bản.
Vào đầu tháng 03/2015, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã công bố một số biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế khu vực này. Tuy nhiên, việc nới lỏng tín dụng của ECB đã khiến nhiều nhà phân tích nghĩ rằng Italia không còn để tâm đến việc cố gắng làm giảm giá trị của đồng tiền chung nữa.
JPMorgan Cazenove một lần nữa nhắc lại việc hạ khuyến nghị đầu tư gần đây đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản và duy trì quan điểm “trung lập” đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, thay vì chuyển sang thị trường chứng khoán Mỹ, ngân hàng này tin rằng đầu tư vào các thị trường mới nổi sẽ là lựa chọn sáng suốt hơn trong lúc đồng USD lao dốc. Đồng thời, JPMorgan Cazenove giữ nguyên triển vọng chứng khoán Mỹ ở mức “ưu tiên đầu tư thấp”.
Ngân hàng này còn cho biết: “Sau 5 năm diễn biến ảm đạm, chúng tôi tin rằng các thị trường mới nổi (EM) sẽ đạt được kết quả tốt hơn khi đồng USD suy yếu”.
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, chỉ số thị trường mới nổi của MSCI đã vọt hơn 4% trong khi hầu hết các chỉ số trên các thị trường phát triển lại khá chật vật để tăng điểm trong năm nay. Đây là bước chuyển mình ngoạn mục từ đà trượt dốc 16% trong năm 2015 khi nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường chứng khoán do dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ tăng cao.
Dòng vốn chảy vào thị trường mới nổi hầu như không thay đổi trong tháng 02/2015 sau khi “cao bay xa chạy” khỏi các thị trường này 7 tháng liên tiếp, dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy.
JPMorgan Cazenove có thể thận trọng đối với thị trường chứng khoán Mỹ, trong khi một vài nhà phân tích vẫn dự đoán các chỉ số trên thị trường này sẽ tăng cao.
Trong tuần trước, Stephen Suttmeiter cho biết: “Tôi nghĩ chỉ số S&P 500 sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”./.
|