Thứ Năm, 03/03/2016 20:34

Việt Nam đứng trước cơ hội tránh bẫy thu nhập thấp và dân chưa giàu đã già

Theo TS Trần Du Lịch – Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, tránh hai nguy cơ: “bẫy thu nhập trung bình thấp” và "dân số chưa giàu đã già”.

Thời cơ mới

Ông Lịch cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định, thể chế kinh tế và khuôn khổ pháp luật được đối mới theo hướng thị trường hội nhập sâu rộng thế hệ mới là 3 nhân tố tạo thời cơ mới cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng kinh tế Việt Nam bước vào năm 2016 với yếu tố vĩ mô ổn định như GDP năm 2015 đạt 6.7% - cao nhất trong 5 năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10%, tổng mức bán lẻ hàng hóa nếu trừ yếu tố giá tăng 8.7% trong khi CPI cả nước chỉ tăng 0.6% - mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Về mặt thể chế, một trong ba chiến lược đột phá trong 5 năm qua là hoàn thiện thể chế kinh tế với sự ra đời của Hiến pháp 2013, ban hàng nhiều bộ luật quan trọng như luật doanh nghiệp, luật hàng hải, luật kinh doanh bất động sản, luật phá sản, kế toán… “Sự đổi mới hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh tế đều hướng tới hai mục tiêu là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và hội nhập với khu vực thế giới”, TS Lịch nói thêm.

Ngoài ra, việc cải cách mạnh mẽ thể chế hành chính công, nhấn mạnh vai trò khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần cũng tác động tích cực lên môi trường đầu tư.

Về hội nhập, trong 15 năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã đi vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, trở thành thành viên của WTO, đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hiệp định thương mại tự do với EU hay hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Những thách thức phải đối diện

Bên cạnh những cơ hội và thời cơ mà Việt Nam có được, TS Trần Du Lịch cũng chỉ ra nhiều thách thức phải đối mặt: “Nông nghiệp khó khăn, doanh nghiệp trong nước hồi phục chậm, nợ công tăng nhanh và năng lực cạnh tranh thấp do tái cơ cấu kinh tế chậm”.

Cụ thể, trong 5 năm qua, TS Lịch cho rằng các chính sách và giải pháp của Chính phủ đưa ra đều kiên trì 3 mục tiêu ưu tiên: kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đảo bảo an sinh xa hội. Điều đó có nghĩa là chủ yếu ứng phó với các vấn đề ngắn hạn chứ chưa giải quyết được các vấn đề căn cơ trong trung và dài hạn đặt ra từ nội tại của cơ cấu kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam đến nay vẫn còn nhiều tồn tại và yếu kém như kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa chắc, bội chi cao, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, chất lượng tín dụng chưa cao, xứ lý nợ xấu còn khó khăn, khả năng huy động nguồn lực đầu tư nước ngoài còn hạn chế…

Từ lâu, Việt Nam đã xác định nội lực của nền kinh tế là yếu tố thành công trong hội nhập. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước từ khi có cuộc khủng hoảng và suy thoái toàn cầu 2008-2009 đã lâm vào tình trạng bất ổn kéo dài, nội lực suy yếu, phục hồi chậm chạp mà nguyên nhân sâu xa là do duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng thiếu tính cạnh tranh, đổi mới thể chế chậm.

Tuy từ giữa năm 2013 thì Việt Nam bắt đầu hồi phục nhưng tổng cầu của nền kinh tế còn tăng chậm. Sự giảm giá các loại lương thực thực phẩm trên toàn cầu những năm gần đây cùng việc chậm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đưa ngành này đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi mở cửa thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính phát triển không đồng bộ, thị trường chứng khoán và bảo hiểm chưa đóng vai trò là kênh tạo vốn trung dài hạn cần thiết cho nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên sẽ vẫn rất khó khăn. Trong 5 năm qua kênh đầu tư công tác động đáng kể đến tăng trưởng tổng cầu nhưng trong những năm tới phải cắt giảm nợ công, giảm lượng trái phiếu Chính phủ phát hành nên dư địa từ chính sách tài khóa kích tổng cầu sẽ không còn.

TS Trần Du Lịch cho biết, trước những thách thức đó thì năm 2016, nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có thể hoàn thành nhưng chưa thể kỳ vọng vào một sự tăng trưởng đột phá nào đó. Mặc dù vậy, đây cũng sẽ là khởi đầu tốt cho kế hoạch 5 năm 2016-2020 và nhất là chuẩn bị điều kiện cần thiết cho giai đoạn phát triển mới khi TPP có hiệu lực.

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, tránh hai nguy cơ: “bẫy thu nhập trung bình thấp” và “dân số chưa giàu đã già”. Để tránh hai nguy cơ này, kinh tế Việt Nam phải đạt được mức tăng trưởng cao và ổn định ít nhất trong vài thập niên tới đây. Đây là sứ mệnh cả dân tộc. Chúng ta đang ở trong thời đại mà thắng thua trên thương trường không tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn nhỏ mà tùy thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo. Doanh nghiệp Việt Nam cần một môi trường khả dĩ nuôi dưỡng sự sáng tạo, một thể chế kinh tế ở đó có sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường. Nhà nước ngày càng phát huy vài trò “bà đỡ” cho thị trường, bổ khuyết những khuyết tật của thị trường”, TS Trần Du Lịch kết luận.

Các tin tức khác

>   Năm 2016 sẽ điều chỉnh tỷ giá dưới 4%? (26/11/2015)

>   CPI tháng 11 tăng 0.07% nhờ nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và lương thực (24/11/2015)

>   TPHCM: CPI tháng 11 tăng 0.1% (24/11/2015)

>   CPI tháng 3 có thể tăng nhẹ? (02/03/2016)

>   Chỉ số công nghiệp tháng 11 tại Hà Nội tăng 9% so cùng kỳ năm 2014 (23/11/2015)

>   Hà Nội: CPI tháng 11 tăng nhẹ 0.04% do giá nước (23/11/2015)

>   Thủ tướng: Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI cả năm ước tăng dưới 2% (18/11/2015)

>   Đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017 là 63% (17/11/2015)

>   ‘Tồn kho” chất vấn qua góc nhìn Chính phủ (16/11/2015)

>   Xử lý hơn 46.000 vụ phạm tội kinh tế trong 3 năm (14/11/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật