Năm 2016 sẽ điều chỉnh tỷ giá dưới 4%?
Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng kinh tế với tốc độ chậm lại vào quý 4/2015, dự báo tăng trưởng kinh tế 2016 cũng sẽ như năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2016, dưới áp lực về chính sách có khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải điều chỉnh tỷ giá với tỷ lệ dưới 4%.
* Bức tranh tỷ giá Việt Nam 5 năm qua
Tại Diễn đàn CFO Việt Nam 2015 về “Quản trị tài chính trong bối cảnh tiền tệ hiện nay” do Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (VCFO) phối hợp cùng Hiệp hội Giám đốc Tài chính Nhật Bản (JACFO) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức vào chiều ngày 24/11, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Cán bộ nghiên cứu cao cấp tại Trường Harvard Kennedy đã đưa ra những nhận định về nền kinh tế của các nước châu Á cũng như dự báo về Việt Nam trong năm 2016 sắp tới.
Diễn đàn CFO Việt Nam 2015 về “Quản trị tài chính trong bối cảnh tiền tệ hiện nay”
|
Việt Nam trở thành một trong hai nền kinh tế hấp dẫn ở Châu Á
Theo đánh giá của ông Thành, tăng trưởng kinh tế của các nước Châu Á khá vững chắc. Tuy nhiên điểm khác biệt trong năm vừa rồi là tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN chậm hơn hẳn với khoảng 4-5%. Trong khu vực này chỉ còn 3 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao là Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ. Riêng Trung Quốc tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu suy giảm, còn Việt Nam và Ấn Độ thì cải thiện và trở thành hai nền kinh tế hấp dẫn ở Châu Á. Trong đó, ở Việt Nam là sự hồi phục trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến.
Một trong những yếu tố tác động đến nền kinh tế khu vực này trong thời gian tới là việc Fed sẽ tăng lãi suất (khả năng này gần như là chắc chắn, vấn đề còn lại là thời điểm nào và lộ trình ra sao) khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có dấu hiệu giảm và đà phục hồi tăng trưởng vẫn tiếp diễn.
Việc tăng lãi suất này sẽ là sự bắt đầu cho chuỗi tăng lãi suất dần dần trong năm 2016 của Mỹ và tạo sức ép lên tỷ giá của những nền kinh tế như Việt Nam cũng như những nền kinh tế khác của ASEAN.
Với Việt Nam, tăng trưởng vĩ mô quý 3/2015 đạt 6.5% theo ông Thành là con số tích cực, dự kiến cả năm sẽ tăng nhẹ so với mức này. Lạm phát của Việt Nam đang chỉ ở mức 0% chủ yếu do giá thương phẩm như nông nghiệp và dầu thô giảm, nếu loại bỏ các yếu tố này thì lạm phát cơ bản khoảng 2%. Bên cạnh đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng và chỉ số mua sắm của các doanh nghiệp sản xuất chế biến cũng có cải thiện đáng kể dù hai tháng 9 và 10/2015 có dấu hiệu suy giảm. Sự khởi sắc về tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua được hưởng rất nhiều nhờ việc giảm giá dầu thô, đây có thể xem như là cú kích thích cho doanh nghiệp giúp giảm chi phí kinh doanh và nguyên vật liệu.
Tuy nhiên, ông Thành đánh giá quý 4 năm nay tốc độ tăng trưởng sẽ giảm do những yếu kém, khó khăn của doanh nghiệp vẫn tồn tại.
Với Trung Quốc, nhiều tổ chức nhận định nền kinh tế tại đây sẽ tiếp tục suy giảm vào năm 2016 dự báo tăng trưởng khoảng 5.5-6.5% (năm 2015 sẽ đạt 6.8-6.9%). Việc có gây tác động đổ vỡ trong nền kinh tế ở Trung Quốc hay không phụ thuộc vào xử lý nợ bất động sản và xử lý nợ chính quyền địa phương tại đây trong thời gian sắp tới. Mặc dù kinh tế Trung Quốc suy giảm nhưng tăng trưởng của các nước ASEAN sẽ cải thiện đôi chút trong năm 2016 so với năm 2015. Những tín hiệu đầu tiên là niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng vùng này sẽ cải thiện, ít nhất là nhờ tuyên bố mới đây khi chính thức thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Tuy nhiên, những nước thuộc ASEAN, đặc biệt là những nước lệ thuộc rất lớn vào xuất khẩu sang Trung Quốc về nguyên vật liệu, tài nguyên (như Indonesia) sẽ bị tác động mạnh. Khi Fed tăng lãi suất đòi hỏi các nước này nếu như không điều chỉnh tỷ giá thì cũng sẽ phải tăng lãi suất.
Tín dụng tăng nhờ chính sách trong khi sức khỏe doanh nghiệp chưa cải thiện
Tăng trưởng tín dụng Việt Nam rất cao trong một năm qua với tỷ lệ 19%, là nước có tăng trưởng tín dụng cao nhất so với nhiều nước (ngoại trừ các nền kinh tế lớn ở Châu Á). Tính trong 12 tháng qua thì tín dụng cho nông nghiệp tăng 11%, cho công nghiệp chỉ 6% (mặc dù tăng trưởng cho sản xuất hồi phục), xây dựng 19%, riêng lĩnh vực khác (bao gồm tiêu dùng cá nhân, chứng khoán, bất động sản..) là 38%, tức là tăng 1/3 lần so với năm trước.
Theo số liệu công bố từ NHNN, trong mục lĩnh vực khác này thì tín dụng cho bất động sản chiếm khoảng 1/3, 2/3 còn lại là tín dụng cho tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, nếu nhìn vào phân loại chính thức từ các ngân hàng thì 1/3 cho vay lĩnh vực khác này là từ bất động sản, một loạt tín dụng khác cho cá nhân nhưng thực ra cũng là cho bất động sản. Ông Thành ước tính tín dụng cho bất động sản chiếm khoảng 60% trong cho vay lĩnh vực khác.
Như vậy, với tăng trưởng 38% cho vay lĩnh vực khác của Việt Nam là tương đối cao. Việc này xuất phát từ động cơ chính sách của NHNN khi tăng tín dụng cho bất động sản gắn liền với việc giải quyết nợ xấu. Trong thời gian trước mắt, Việt Nam đã đưa tỷ lệ nợ xấu về 2.93%. Tổng nợ xấu của khu vực ngân hàng khoảng 130,000 tỷ đồng (đã bán 225,000 tỷ cho VAMC nhưng mới chỉ xử lý được khoảng 15,000 tỷ đồng), nếu như cộng cả khoản nợ xấu đã chuyển cho VAMC thì tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao khoảng 7.4%.
Một lần nữa nhìn lại bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam với tín dụng tăng trưởng 19% trong 12 tháng (tăng 10% tính từ đầu năm) nhưng tổng tài sản của khu vực ngân hàng chỉ tăng 4% (đã xóa bỏ hàng loạt cho vay liên ngân hàng). Trong đó, tăng tín dụng là nhờ tăng tiền gửi của dân cư chứ không phải nhờ tiền gửi của tổ chức kinh tế. Ông Thành nhận định, bức tranh tín dụng và ngân hàng trong thời gian qua là kết quả của chính sách tiền tệ nới lỏng từ NHNN và tiền huy động từ dân cư, còn sức khỏe khu vực doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Tỷ giá năm 2016 sẽ điều chỉnh dưới 4%?
Theo ông Thành, dự báo đến nửa đầu năm 2016, chính sách kinh tế sẽ không có thay đổi lớn. Từ giữa năm 2016 với dự báo Fed tăng lãi suất sẽ tạo áp lực lên tỷ giá, Việt Nam có thể thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, đẩy lạm phát và lãi suất tăng lên và có khả năng sẽ phải điều chỉnh về tỷ giá.
Nhìn lại trong vòng 12 tháng qua, Việt Nam, Trung Quốc và Philipines vẫn là những nước phá giá rất ít so với USD so với các nước khác như Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, khu vực EU hay kể cả Thái Lan cũng đã điều chỉnh tỷ giá rất mạnh so với USD.
Trong bối cảnh tất cả các đồng tiền đều mất giá, thì tỷ lệ mất giá của Việt Nam chưa đến 5%, ở Trung Quốc là 4% trong vòng 12 tháng qua là khá thấp. Theo ông Thành, để tương quan với những nền kinh tế khác ở ASEAN, dưới sức ép này thì đáng lẽ ra Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá mạnh hơn nhiều. Một trong những lý do điều chỉnh tỷ giá với mức thấp là NHNN Việt Nam đã sử dụng dự trữ ngoại tệ để can thiệp vào tỷ giá khi có biến động.
Theo đó, cứ mỗi lần tỷ giá căng thẳng trong thời gian qua hay điển hình là biến động như ngày 23/11, NHNN đều dùng dự trữ ngoại tệ can thiệp vào tỷ giá. Ông Thành cho rằng động thái này của NHNN sẽ tiếp diễn trong vài tháng nữa, có thể qua thời điểm Tết âm lịch. Đặc biệt, nếu Fed tăng lãi suất thì sức ép tăng tỷ giá với Việt Nam sẽ tăng trở lại và buộc NHNN phải điều chỉnh tỷ giá mạnh nữa kể từ tháng 6/2016. Ông Thành cho biết, dự định trong năm 2016, NHNN có khả năng điều chỉnh tỷ giá vào khoảng dưới 4%./.
|