Thứ Năm, 26/11/2015 10:41

Chặng đường 16 năm của AMC Trung Quốc

Trung Quốc có 4 Công ty quản lý tài sản (AMC) tập trung phát triển ngành nghề mũi nhọn theo thế mạnh riêng và đều là những tập đoàn tài chính toàn diện.

Công ty Mua bán nợ (DATC) có bài viết về chặng đường 16 năm của các AMC Trung Quốc và định hướng phát triển trong tương lai của DATC tại Việt Nam từ kinh nghiệm chuyển đổi của các AMC Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Nợ xấu gia tăng rất cao đẩy các ngân hàng Trung Quốc vào tình thế vô cùng khó khăn. Để đối phó với tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc quyết định thành lập bốn Công ty quản lý tài sản là Hoa Dung, Phương Đông, Trường Thành và Cinda để tiếp nhận và xử lý nợ và tài sản từ hệ thống ngân hàng, đặc biệt là từ 4 ngân hàng lớn (Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Xây dựng). Mỗi AMC được Chính phủ cấp 10 tỷ nhân dân tệ, do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý.

Sau 16 năm hoạt động (từ năm 1999 đến nay), 4 AMC có lộ trình phát triển tương tự nhau, chia thành 3 giai đoạn.

Trong giai đoạn một, từ năm 1999 - 2006, đây là thời kỳ các AMC thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao là xử lý nợ, hỗ trợ cải cách hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động không hiệu quả. Nguyên tắc hoạt động trong thời kỳ này là các AMC nhận nợ bằng giá trị sổ sách từ các ngân hàng. Trong quá trình xử lý, các khoản lỗ phát sinh sẽ do Chính phủ Trung Quốc bù đắp.

Giai đoạn hai, từ năm 2006 - 2009, đây là thời kỳ quá độ, các AMC chuẩn bị chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Về cơ bản, các AMC đã hoàn tất việc xử lý nợ của hệ thống ngân hàng và các DNNN do Chính phủ giao nên để duy trì tồn tại các AMC đã báo cáo và được Bộ Tài chính Trung Quốc chấp thuận thực hiện giai đoạn chuyển đổi để bổ sung và mở rộng hoạt động sang lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ở thời điểm này, chất lượng nợ xấu của hệ thống ngân hàng tốt hơn, nợ không chỉ từ DNNN mà còn từ các thành phần kinh tế khác. Do đó, nguyên tắc hoạt động trong giai đoạn này là tiếp tục thực hiện các hoạt động xử lý nợ truyền thống, song song với chủ trương phát triển, xây dựng Công ty thành tập đoàn tài chính, đa dạng hóa hoạt động của Công ty trong lĩnh vực tài chính. Việc chuyển đổi mô hình từ hoạt động xử lý nợ truyền thống sang tập đoàn tài chính toàn diện phải trình và được Bộ Tài chính và Quốc vụ viện thông qua. Khi bổ sung một ngành nghề mới mang tính đặc thù, các AMC đều phải trình Bộ Tài chính duyệt, các hoạt động kinh doanh thông thường chỉ báo cáo Bộ Tài chính và thực hiện theo quy định pháp luật của ngành kinh doanh đó.

giai đoạn ba, từ năm 2009 đến nay, đây là giai đoạn các AMC không ngừng hoàn thiện bộ máy và chuyên môn hóa các dịch vụ tài chính.

Chính phủ Trung Quốc khi thành lập 4 AMC xác định thời hạn hoạt động của các AMC là 10 năm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao, các AMC đứng trước hai lựa chọn, một là giải thể, hai là tiếp tục hoạt động và thích ứng với yêu cầu thị trường và cả 4 AMC đã chuyển đổi để tồn tại và phát triển.

Bốn tiêu chí trong định hướng chuyển dịch từ hoạt động xử lý nợ truyền thống sang mô hình tập đoàn tài chính cung cấp dịch vụ toàn diện được xác định gồm: (i) chuyển đổi từ hoạt động theo cơ chế chính sách sang cơ chế thị trường; (ii) chuyển hoạt động kinh doanh từ xử lý nợ truyền thống sang cung cấp dịch vụ tài chính mang tính tổng thể; (iii) trở thành một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán; (iv) mở rộng ra thị trường quốc tế.

Hoạt động của 4 AMC Trung Quốc hiện bao gồm 3 mảng chính là Quản lý, khai thác nợ và tài sản (hoạt động truyền thống); quản lý tài sản và đầu tư; dịch vụ tài chính (như cho thuê tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tín thác, dịch vụ phái sinh…)

Mặc dù đều là những tập đoàn tài chính toàn diện, mỗi AMC tập trung phát triển ngành nghề mũi nhọn theo thế mạnh riêng. Nguyên tắc hoạt động trong giai đoạn này của 4 AMC lớn theo định hướng thị trường, kết hợp duy trì và phát triển hoạt động xử lý nợ truyền thống và đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động với mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện.

Về cơ cấu tổ chức theo hình thức công ty mẹ và nhiều công ty con, trong đó Công ty mẹ tập trung chủ yếu vào hoạt động truyền thống và quản lý đầu tư, mỗi công ty con chuyên về một mảng kinh doanh. Việc hình thành công ty con thông qua hai kênh là trực tiếp thành lập hoặc thông qua việc mua bán, sáp nhập và tái cơ cấu.

Đặc điểm hoạt động mua bán, xử lý nợ tại Trung Quốc tương đối đặc thù. Việc mua bán nợ thực hiện theo hình thức đấu giá. Các chủ thể được tham dự tham gia thị trường nợ xấu là 4 AMC lớn, 15 AMC địa phương.

Nguyên tắc tham gia thị trường được Bộ Tài chính quy định như sau: khi một ngân hàng chào bán một khoản nợ, chỉ 4 AMC lớn và một AMC địa phương có ngân hàng chào bán khoản nợ được tham gia đấu giá mua và xử lý khoản nợ. Nếu một trong 4 AMC lớn trúng đấu giá, họ có quyền xử lý hoặc bán lại khoản nợ đó cho nhà đầu tư khác trên thị trường thứ cấp. Tuy nhiên nếu đơn vị trúng đấu giá là AMC địa phương thì phải trực tiếp xử lý khoản nợ đó, không được bán lại cho các nhà đầu tư khác.

Kể từ năm 1999 đến nay, tại Trung Quốc đã diễn ra hai chương trình chuyển giao nợ chính. Thứ nhất là từ năm 1999, sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đã chuyển ngang giá trị sổ sách các khoản nợ tương đương 1.4 ngàn tỷ NDT cho 4 AMC lớn do Chính phủ thành lập trong chiến dịch mang định hướng chính sách.

Thứ hai là từ năm 2004 – 2005, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Công thương đã trải qua giai đoạn cải cách. Tổng giá trị sổ sách các khoản nợ khoảng 1.2 ngàn tỷ NDT được bán ra theo cơ chế thị trường để xử lý. Bộ Tài chính phải gánh vác một phần tổn thất từ chương trình xử lý này.

Từ đó tới nay, hệ thống tài chính của Trung Quốc đang trải qua giai đoạn xử lý nợ thứ 3. Các khoản nợ trong thời kỳ này là các khoản nợ mới, được xử lý chuyên nghiệp hơn và hầu hết để phục vụ công cuộc cải cách ngân hàng thương mại cổ phần. Trong thời kỳ hoạt động theo cơ chế thị trường này, các AMC tập trung hơn cho mục đích lợi ích kinh tế.

Hiện nay các AMC hoạt động trên nhiều lĩnh vực, mỗi AMC có một mũi nhọn riêng. Cụ thể AMC Cinda mạnh về lĩnh vực xử lý nợ và tài sản, AMC Hoa Dung chuyên về cung cấp các dịch vụ tài chính cho các đối tác lớn (ngân hàng, tín thác, chứng khoán), AMC Phương Đông có thế mạnh về bảo hiểm và chứng khoán, AMC Trường Thành chuyên về tái cơ cấu, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp vừa và nhỏ).

2/4 AMC Trung Quốc đã niêm yết thành công trên sàn chứng khoán đó là AMC Cinda và AMC Phương Đông. Đầu tháng 11/2015 này, AMC Hoa Dung cũng sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông. AMC Trường Thành cũng đang trong những bước cuối cùng trong giai đoạn cải cách bộ máy tổ chức để niêm yết trên sàn chứng khoán vào thời gian tới.

Tại Việt Nam, Công ty mua bán nợ (DATC) đã trải qua 12 năm hoạt động với nhiệm vụ được Chính phủ giao là xử lý nợ xấu trong nền kinh tế, hỗ trợ chương trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. Cho đến nay trọng trách này có xu hướng giảm dần do số lượng DNNN cổ phần hóa ngày càng ít đi. Hoạt động xử lý nợ truyền thống cũng chỉ có giới hạn, không thể mở rộng phát triển mãi mãi nên muốn phát triển thì ngoài hoạt động xử lý nợ cần bổ sung thêm các hoạt động khác liên quan.

Do đó, theo DATC, việc xây dựng chiến lược hoạt động trong giai đoạn tiếp theo là cấp thiết và phải thực hiện. Hướng chuyển đổi DATC từ một AMC xử lý nợ truyền thống theo hướng đa dạng hóa hoạt động là hợp lý để vừa phát huy được thế mạnh và kinh nghiệm sẵn có trong lĩnh vực xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp với việc mở rộng phạm vi xử lý ra các thành phần kinh tế khác, vừa có cơ hội phát triển mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của thị trường. Trong đó, kinh nghiệm chuyển đổi của các AMC Trung Quốc cũng sẻ giúp ích cho quá trình chuyển đổi của DATC./.

Các tin tức khác

>   Số lượng triệu phú tại Singapore có thể tăng gần 40,000 người/năm (26/11/2015)

>   Dầu tăng khi số lượng giàn khoan tiếp tục giảm (26/11/2015)

>   Vàng giảm khi số liệu Mỹ ủng hộ Fed nâng lãi suất (26/11/2015)

>   Ý khởi động biện pháp loại bỏ 330 tỷ euro nợ xấu (26/11/2015)

>   ECB sẽ tạm dừng QE vào dịp Giáng sinh (25/11/2015)

>   Kinh tế Mỹ ủng hộ Fed nâng lãi suất vào tháng 12 (25/11/2015)

>   Dầu vọt mạnh nhất 3 tuần trước căng thẳng vùng Trung Đông (25/11/2015)

>   Vàng tăng giá khi máy bay Nga bị bắn hạ (25/11/2015)

>   Kinh tế Nga tiếp tục chìm sâu trong suy thoái (24/11/2015)

>   Dầu rớt giá bất chấp lời cam kết của Ả-Rập Xê-Út (24/11/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật