Đấu thầu giá rẻ, nhà thầu Trung Quốc thắng hết
Doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu cung cấp đường ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2 đang khiến dư luận lo ngại về chất lượng. Tại sao?
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc do tổng thầu Trung Quốc thi công, luôn chậm tiến độ thi công, nợ tiền nhà thầu phụ triền miên, xảy ra nhiều vụ tai nạn cho người đi đường - Ảnh: Nam Trần
Việc doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu cung cấp đường ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2 đang khiến dư luận lo ngại về chất lượng. Các chuyên gia đều khẳng định coi chừng giá rẻ chất cũng... bèo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc Công ty TNHH sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) trúng thầu cung cấp hệ thống ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2 do Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) làm chủ đầu tư, ông Lê Văn Thịnh - nguyên trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - nói:
- Một khi chúng ta đã là thành viên của WTO rồi thì không thể phân biệt đối xử để ngăn chặn nhà thầu Trung Quốc khi đấu thầu quốc tế, chỉ có thể dùng hàng rào kỹ thuật.
Đó là đưa các thông số kỹ thuật của dự án trong hồ sơ mời thầu, nếu nhà thầu Trung Quốc không đáp ứng được thì gạt bỏ họ. Nhưng cái khó bây giờ là bất kể một loại thiết bị nào, nhà thầu Trung Quốc cũng có đầy đủ các thông số kỹ thuật. Về mặt giấy tờ thì rất đẹp, không thể gạt bỏ trong hồ sơ dự thầu của họ.
Ví dụ, các chung cư rất thích thang máy của Nhật Bản, yêu cầu tốc độ 30 m/giây. Nhà thầu Trung Quốc có ngay thang máy của Nhật Bản sản xuất tại Trung Quốc đầy đủ tiêu chuẩn đó. Chúng tôi từng trao đổi với chuyên gia các nước, trong đó có đồng nghiệp Nhật Bản nói họ cũng sợ.
Từ thực tế đó, có thể nói không có cơ hội loại bỏ nhà thầu Trung Quốc ngay từ đầu. Bây giờ chỉ có cách là sau khi nhà thầu Trung Quốc trúng thầu thì phải quản sao cho họ thực thi theo đúng các nội dung nêu trong hồ sơ dự thầu.
Ông Lê Văn Thịnh - Ảnh: T.Phùng
* Nhưng rất nhiều người hoài nghi về chất lượng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất...
- Vấn đề là tiền nào của ấy. Làm gì có chuyện rẻ mà hàng tốt được. Đơn giản cái xe máy Honda SCR do Honda Nhật Bản làm tại Trung Quốc rất tốt.
Còn xe máy bán cho chúng ta 5 triệu đồng là mấy hãng bán xe máy ở Việt Nam sang Trung Quốc đặt hàng kiểu “làm cho tôi cái xe máy chỉ hết 5 triệu để mang về Việt Nam bán”, tất nhiên chất lượng kém hẳn. Nói hàng Trung Quốc tồi tệ là không chuẩn.
* Ông đánh giá thế nào về ống gang dẻo của Xinxing sản xuất cung cấp cho đường ống nước sạch sông Đà?
- Tôi chưa có nhiều thông tin về ống gang dẻo của Xinxing nên chưa thể nhận định cụ thể, nhưng những dự án cấp nước của Việt Nam thời gian qua thường dùng ống thép chứ không dùng ống gang. Khuyết điểm cơ bản nhất của ống gang dẻo là trọng lượng lớn nên thi công mất thời gian, yêu cầu thiết kế nền móng phải chắc chắn, phải có gối đỡ, gối cứng...
Còn ống thép lắp đặt đơn giản hơn, cả thế giới phần lớn dùng ống thép. Nên viết hồ sơ mời thầu thế nào để ống cấp nước khi trúng thầu trở thành ống thép chứ không phải ống gang, đó mới là cao thủ. Bây giờ trót là ống gang rồi thì phải tìm cách kiểm soát được chất lượng của ống đó.
Nếu chủ đầu tư muốn khỏi bị mang tiếng, nên mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án.
* Ngoài việc thi công, phải kiểm soát thế nào để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân an toàn, không có thành phần hóa chất độc hại từ vật liệu làm đường ống gây ra?
- Như dự án đường ống nước sạch sông Đà, với vật liệu gang dẻo phải kiểm soát đầu tiên từ thành phần hóa học để phân biệt đâu là gang cầu, gang dẻo, gang xám. Phải kiểm tra lại xem thành phần hóa học của nó ảnh hưởng tới chất lượng nước sinh hoạt như thế nào.
Với ống gang, để tăng tốc độ dòng chảy và bảo vệ ống không bị ăn mòn, không gây tổn hại thì thường trong mặt ống có quét keo epoxy. Ngay epoxy dùng trong ống cũng phải là loại không làm ảnh hưởng tới chất lượng nước sinh hoạt.
Về công tác kiểm soát, Chính phủ có nghị định chặt chẽ. Trong đó có quy định nhà sản xuất phải có quy trình, kinh nghiệm, phải thống nhất với người đặt hàng, hai bên sẽ phải đi kiểm tra định kỳ ra sao.
* Có một vấn đề mà dư luận lo ngại là nhà thầu Trung Quốc thường có hồ sơ dự thầu đẹp, giá trúng thầu thấp nhưng thi công lại chậm chạp, lề mề, mất an toàn, chất lượng không ổn. Theo ông, làm thế nào để ngăn ngừa những vấn đề trên?
- Đây là kỹ thuật khi đàm phán hợp đồng mà chủ đầu tư Việt Nam thường bị hạn chế. Nếu các chủ đầu tư mà thành thạo với đấu thầu quốc tế thì nên dùng hợp đồng FIDIC của Liên đoàn quốc tế các kỹ sư tư vấn.
Hợp đồng này rất chặt chẽ, nội dung rõ ràng về công tác quản lý thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp dự án ống nước sông Đà, chủ đầu tư Việt Nam nên thuê tư vấn nước ngoài giám sát.
Tôi xin nhấn mạnh, vũ khí rất quan trọng là điều kiện hợp đồng. Bây giờ tuyên bố nhà thầu Trung Quốc trúng thầu rồi thì soạn hợp đồng của gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị là cả một vấn đề.
Đường ống nước sông Đà bị vỡ liên tục thời gian gần đây khiến hơn 70.000 hộ dân trong nhiều quận của TP Hà Nội bị ảnh hưởng, là bài học đắt giá cho các nhà đầu tư khi ký đấu thầu xây dựng đường ống nước giai đoạn 2. Trong ảnh: một đoạn ống nước sông Đà bị vỡ tại vị trí km 28+650, huyện Thạch Thất, Hà Nội - Ảnh: Tuấn Anh
Doanh nhân Mỹ phá sản vì bán ống gang Trung Quốc
Trên trang Propertycasualty360, doanh nhân John Morally chia sẻ bài học kinh nghiệm cay đắng của bản thân từ sự sập tiệm do bán sỉ đường ống dẫn nước nhập về từ Trung Quốc.
Năm 2002, John Morally là chủ sở hữu kiêm giám đốc điều hành Công ty MWI chuyên cung cấp ống dẫn nước và phụ kiện tại Nam California.
Nhận thấy lợi thế chênh lệch về giá đáng kể của các sản phẩm ống gang Trung Quốc, ông quyết định nhập sản phẩm từ các nhà sản xuất ống gang Trung Quốc với các chứng chỉ giám định chất lượng quốc tế như IAMPO và UPC.
Năm 2011, ông John Morally quyết định bán công ty của mình, đồng thời vướng vào hàng loạt tranh tụng pháp lý liên quan tới các sản phẩm ống gang Trung Quốc mà MWI cung cấp trong suốt 9 năm.
Trong quá trình tranh tụng, MWI và công ty bảo hiểm của họ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía các nhà cung cấp Trung Quốc.
Năm 2014, công ty bảo hiểm cho MWI phải đối mặt với 7 đơn kiện với tổng thiệt hại ước tính hơn 45 triệu USD. Khi yêu cầu các nhà cung cấp đường ống Trung Quốc hỗ trợ để giải quyết khiếu nại khách hàng, MWI và công ty bảo hiểm của họ mới té ngửa ra là hệ thống pháp luật ở Trung Quốc hoàn toàn không tương thích với những quy định luật pháp của Mỹ. Các đơn kiện được đệ trình ở Mỹ bị các công ty Trung Quốc phớt lờ.
D.KIM THOA
* Ông Trần Viết Ngãi (chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, nguyên phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực):
Đấu thầu giá rẻ, Trung Quốc thắng hết
Tôi từng tham gia trong các dự án có yêu cầu việc khảo sát, đầu tư các đường ống dẫn nước chịu áp lực cao. Trên thực tế, với loại đường ống gang, Trung Quốc không phải là địa chỉ uy tín. Chất lượng hàng đầu thuộc về Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Tôi đồng tình với quan điểm không phải cứ hàng Trung Quốc là dở. Nhưng xin nói thẳng là nếu đấu thầu chỉ chú trọng vào tiêu chí giá thì Trung Quốc thắng hết, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới. Giá của họ rất rẻ.
Tôi cho rằng các đường ống bằng gang dẻo có độ bền cao, nếu áp lực tác động chưa tới mức giới hạn thì nó không bao giờ vỡ. Tuy nhiên, phải chú tâm đến điểm yếu của các đường ống này là các mối nối, nó phức tạp hơn dùng gang cứng nhiều.
Theo tôi, nếu quyết chọn nhà thầu Trung Quốc, bên cạnh việc nhà thầu cung cấp chứng nhận kiểm định, phía Việt Nam cũng phải tự kiểm định lại chất lượng, xem đặc tính cơ, lý, hóa học của vật liệu thế nào. Để đảm bảo chất lượng thì phải qua thí nghiệm thực tế. Nếu bỏ 20 đồng mà sử dụng được 20 năm còn hơn bỏ 10 đồng mà chỉ dùng 2-3 năm đã bị sự cố, chi phí sẽ rất lớn.
C.V.KÌNH ghi
* PGS.TS Trần Chủng (trưởng ban chất lượng Tổng hội Xây dựng VN):
Hợp đồng là điều sống còn
Bản thân tôi hoàn toàn không tán thành với hình thức đấu thầu lấy giá thầu làm tiêu chí, điều đó chỉ phù hợp với việc đấu giá tài sản có sẵn, đấu giá hàng hóa, đất đai có sẵn hoặc tài sản phát mãi, thanh lý...
Các dạng gói thầu như đường ống nước sông Đà là thầu xây dựng công trình, tức cơ sở vật chất hình thành trong tương lai, việc định giá chỉ mang tính chất tương đối, chứ không nên lệ thuộc quá nhiều vào điều này. Quan trọng là trị giá cơ sở vật chất sau khi thi công có tương ứng với trị giá gói thầu hay không, chứ không phải là phát ra một mức giá rồi ai trả rẻ hơn thì trúng thầu.
Qua theo dõi tình trạng chất lượng của các công trình là sản phẩm của hình thức “đấu giá”, tôi khẳng định: Ở đâu có ép giá, ở đó dứt khoát không có chất lượng đồng hành. Đặt trong ví dụ cụ thể về nhà thầu Xinxing, trước khi xem xét lựa chọn nhà thầu này cần phải xác minh thông tin về “số má” của họ.
Điều thứ hai quan trọng hơn rất nhiều là các điều khoản hợp đồng. Trong bản hợp đồng mà chủ đầu tư ký với nhà thầu phải có những điều khoản ngặt nghèo liên quan tới các tiêu chí cần thiết, đi kèm đó là các chế tài chặt chẽ, phân minh và phải được thực thi nghiêm.
Giả sử thầu cung cấp vật liệu sai chủng loại hoặc kém chất lượng, chậm tiến độ, đội giá... chủ đầu tư phải phạt thật nặng. Dĩ nhiên, tất cả cũng chỉ là lý thuyết, nếu khả năng về soạn thảo, đàm phán hợp đồng của chủ đầu tư yếu kém, hoặc bản thân nhà thầu quá “chầy bừa”, quá “rắn” một cách thiếu chuyên nghiệp thì mọi chuyện sẽ rất rối.
LÂM HOÀI ghi
|
TUẤN PHÙNG - C.V.KÌNH thực hiện
Tuổi trẻ
|