Coi chừng nợ xấu tái phát sinh!
Đó là lời cảnh báo của Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước trong hội thảo công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015 khi đưa dẫn số liệu về tổng số nợ xấu phát sinh mới năm 2015 là 45.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi hội thảo Công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015 sáng nay (ngày 14/03), TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch UBGSTCQG Việt Nam nhận định: “Mặc dù thị trường kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo và bị ảnh hưởng bởi sự kiện FED tăng lãi suất & Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được thành tựu kép: kiểm soát được lạm phát (0,6%), trong khi vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá (6,68%), qua đó đã tạo được “tâm thế mới”, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh và bền vững sau này”.
TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Báo cáo do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố cũng dự báo trong năm 2016, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, bất định; chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn còn có thể có những diễn biến khó lường, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ là những nhân tố ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó dư địa chính sách hạn hẹp, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế sẽ là những thách thức cho kinh tế Việt Nam. Trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể cải thiện do các hiệp định thương mại tự do được ký kết và triển khai thực hiện; Ổn định kinh tế vĩ mô có điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì; Hệ thống tổ chức tín dụng có nhiều triển vọng khả quan ở cả góc độ tăng trưởng tín dụng lẫn huy động vốn; kiểm soát nợ xấu ở mức thấp (<3%)… Tuy nhiên, nền kinh tế có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro: giá nhiên liệu và hàng hóa chủ chốt vẫn còn biến động thất thường; khu vực nông nghiệp tăng trưởng chậm, tốc độ cổ phần hóa DNNN và tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực vẫn còn chậm…
Năm 2015 là năm cuối thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống Tổ chức tín dụng ( TCTD) theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hoạt động mua bán, sáp nhập giữa các TCTD diễn ra sôi động, các TCTD yếu kém được thanh lọc, xử lý; các TCTD có sở hữu chéo lẫn nhau được sáp nhập, hợp nhất...
Trình bày báo cáo tổng quan tại buổi hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia – ông Trương Văn Phước nhận định: “Tín dụng toàn hệ thống tiếp đà tăng trưởng khá và tăng đều hơn giữa các tháng trong năm 2015. Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay của hệ thống TCTD đạt 4 triệu 487 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm (năm 2014 tăng 14,3%) và cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tín dụng tăng đều hơn giữa các tháng trong năm, phản ánh năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện hơn, tín dụng hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phục vụ tăng trưởng kinh tế”.
Ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Bên cạnh đó , quá trình xử lý nợ xấu diễn ra tích cực. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 2,92% cuối năm 2015. Nhờ việc các TCTD tích cực triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu như tích cực thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng RRTD, …
Việc hoàn thành sớm lộ trình đưa nợ xấu về dưới 3% tạo điều kiện khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Nợ xấu vẫn tiếp tục được xử lý nhưng phần lớn nợ xấu được bán cho VAMC (năm 2015 VAMC mua 110 nghìn tỷ nợ xấu). Tổng số nợ xấu xử lý được trong năm qua là 180 nghìn tỷ nhưng số phát sinh mới tăng thêm 45 nghìn tỷ như vậy tổng số nợ xấu xử lý ròng là 130-140 nghìn tỷ.
Ngoài ra, các TCTD vẫn cần tăng cường trích lập dự phòng RRTD cho các khoản nợ tái cơ cấu và trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt của VAMC trong 10 năm.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng liên tục tăng trong các năm gần đây. Năm 2015, chi phí DPRRTD của các TCTD là 69 nghìn 266 tỷ đồng, tăng 6,8% so với 2014. Tỷ lệ Chi phí DPRRTD/lợi nhuận trước trích lập dự phòng là 62,5% giảm nhẹ so với 2014 (67,1%). Việc tăng trích lập DPRRTD giúp các TCTD giúp nâng cao khả năng chống đỡ rủi ro, tăng khả năng xử lý nợ xấu bằng DPRR nhưng làm giảm lợi nhuận các TCTD.
Đến cuối năm 2015, tổng tài sản hệ thống TCTD đạt 7 triệu 109 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng tài sản liên ngân hàng giảm còn 15% (năm 2014 là 16,1%); Tỷ trọng tín dụng tăng lên 62% (năm 2014 là 58,3%); Tỷ trọng chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh là 11%, năm 2014 là 13%; Tỷ trọng các tài sản có khác giữ nguyên mức 12% (năm 2013 là 15%, năm 2014 là 12%).
Tổng nguồn vốn của hệ thống TCTD đạt 7 triệu 109 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm 2015. Cơ cấu nguồn vốn tiếp tục thay đổi theo hướng bền vững, hệ thống giảm phụ thuộc vào nguồn vốn liên ngân hàng: Tỷ trọng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 73,7% (năm 2014: 71,4%); Tỷ trọng huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng là 11,1% (năm 2014: 13,8%; năm 2011: 22%); Tỷ trọng vốn chủ sở hữu duy trì ổn định quanh mức 7 đến 8% trong giai đoạn 2013 - 2015.
Năm 2015 cũng là năm đầu tiên UBGSTCQG Việt Nam chính thức công bố việc áp dụng các chỉ số dẫn báo kinh tế và là cơ quan đầu tiên ở Việt Nam áp dụng chỉ số này để dự báo kinh tế vĩ mô. Ủy ban dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt khoảng 6,7%, CPI khoảng từ 3%-3,5%.
Trong điều kiện khảo sát, số liệu thống kê ở Việt Nam có nhiều hạn chế, đây được đánh giá sẽ trở thành công cụ quan trọng trong công tác dự báo kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
TS.Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN
Đóng góp ý kiến tại buổi hội thảo, TS.Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN cũng bày tỏ quan điểm mong muốn Ủy ban có thể tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh báo cáo, đặc biệt kết hợp các phương pháp định lượng để đưa ra chỉ số dẫn báo cụ thể về tình hình kinh tế những năm tới
Đây cũng là nhược điểm nổi bật của chỉ số này để báo cáo có thể trở thành tài liệu thiết thực, có tính đinhj hướng cao giúp các nhà hoạch định chính sách và chủ thể tham gia thị trường đưa ra những quyết định của mình.
Hoa Liên - Bảo Minh
antt
|