"Ba chàng ngự lâm” CJ, Proconco và Anco, ai sẽ thành công trong cuộc đua vào VISSAN?
Buổi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) vào ngày 07/03 vừa qua diễn ra đầy kịch tính và bất ngờ, kịch bản liệu có lặp lại trong lần chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sắp tới vào 24/03 khi các đối thủ tham gia đều là những ”chàng ngự lâm pháo thủ” đáng gờm?
Vissan định giá bao nhiêu cho vừa?
Có thể nói, đợt IPO của Vissan ngày 07/03/2016 vừa qua được xem là đợt đấu giá “hot” nhất từ đầu năm, khi tổng khối lượng đăng ký tham giá đấu giá gấp 5.6 lần khối lượng chào bán ra công chúng, và giá đấu thành công bình quân đạt 80,053 đồng/cổ phần, gấp gần 5 lần giá khởi điểm (17,000 đồng/cổ phần).
Theo thông tin từ báo chí, nhà đầu tư trúng giá cao nhất là một công ty con của Tập đoàn CJ Hàn Quốc đã bỏ ra 336.6 tỷ đồng để mua 4.18% cổ phần Vissan tại mức giá cao nhất (102,000 đồng/cổ phần, cao hơn 36% so với nhà đầu tư trả giá cao thứ 2).
Theo kết quả tại buổi đấu giá IPO, CJ đã bỏ ra khoảng 15 triệu USD cho 4.18% vốn của Vissan. Vissan sắp chào bán thêm 14% cổ phần trong đợt chào bán cho nhà đầu tư chiến lược. Giả định CJ cũng mua hết lượng cổ phần với mức giá 102,000 đồng/cổ phần, thì số tiền đầu tư thêm có thể lên đến 52 triệu USD. Và cũng theo định giá tại mức 102,000 đồng này, 100% vốn chủ sở hữu Vissan tính ra khoảng 370 triệu USD, xấp xỉ tổng mức đầu tư của CJ tại Việt Nam trong gần 20 năm qua (khoảng 400 triệu USD).
Với lợi nhuận năm 2016 của Vissan là 99 tỷ đồng, tương đương EPS khoảng 1,235 đồng/cp thì P/E của Vissan đang ở mức rất cao 83 lần nếu tính theo mức giá CJ đã bỏ ra. Giới đầu tư không ngừng bàn luận về giá đấu thành công IPO của Vissan, cũng như không ngừng thắc mắc về “CJ CheilJedang, anh là ai?”
Tiềm lực của “pháo thủ” CJ như thế nào?
Được biết, CJ CheilJedang Corporation là một trong số 3 nhà đầu tư đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược Vissan hồi đầu năm nay với khối lượng đăng ký tối đa 14%. Đợt đấu giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư chiến lược dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/03/2016.
Ngoài CJ CheilJedang còn có Anco và Proconco cũng ngỏ ý muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược, đây có thể được xem là 3 “chàng ngự lâm pháo thủ” trong cuộc chạy đua vào Vissan (trong đó, Anco và Proconco đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Masan).
Còn CJ CheilJedang Corporation là công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, thức ăn gia súc và chăn nuôi… thuộc CJ Group của Hàn Quốc. Vừa qua trên báo chí, Tập đoàn CJ công bố sẽ chi 500 triệu USD vào hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2016, đặc biệt là lĩnh vực thực phẩm.
Theo số liệu do công ty công bố trên website, doanh số hợp nhất của CJ CheilJedang Corporation đạt 12,925 tỷ KRW trong năm 2015; lợi nhuận sau thuế 254 tỷ KRW, tăng lần lượt 10% và 84% so với năm 2014, tương ứng mức tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 2% (năm 2013 là 0.7% năm 2013, năm 2014 đạt và 1.2%).
Về cơ cấu nợ, tính đến cuối năm 2015, CJ CheilJedang Corporation có khoản nợ phải trả 8,366 tỷ KRW (trong đó phải trả ngắn hạn 4,335 tỷ KRW và khoản phải trả dài hạn 4,030 tỷ KRW). Tổng tài sản của Tập đoàn ở mức 13,751 tỷ KRW, tăng gần 3% so với đầu năm. Hệ số tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu khá cao ở mức 1.7 lần năm 2014, 1.61 lần vào tháng 9/2015 và 1.55 lần cuối năm 2015.
Kết quả kinh doanh qua các năm của CJ CheilJedang Corporation
(Nguồn: Website CJ Cheiljedang Corporation - http://www.cj.co.kr/cj-en/company/investor/materials, Bloomberg)
|
Về việc đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, CJ thành lập Công ty TNHH CJ Vina Agri với ba nhà máy chế biến ở Long An, Vĩnh Long, Hưng Yên và trang trại nuôi heo ở Bình Dương.
Trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất của ngành này, CJ Vina Agri đứng sau vị trí của CP Vietnam, Proconco, Anco hoặc Hùng Vương.... cho dù họ ra đời từ sớm. CJ CheilJedang cũng chưa thuộc Top 5 trong lĩnh vực thức ăn gia súc tại Việt Nam.
Chọn đối tác chiến lược nào là chuyện của Vissan và cơ quan có thẩm quyền, và tùy thuộc vào kết quả đấu giá ngày 24/03 sắp tới đây. Nhà đầu tư vẫn đang tò mò liệu kết quả có “nóng” hơn so với buổi đấu giá IPO vào ngày 07/03 vừa rồi tại HOSE hay không? Ngoài ra, giả định với khát khao trở thành đối tác chiến lược của Vissan, nhưng với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu 2% (2015) và cơ cấu nợ vay trên vốn cao, liệu CJ sẽ mang lại giá trị gì cho Vissan?
|