Thứ Năm, 17/03/2016 10:48

Toàn cảnh thương vụ thâu tóm "đất vàng" 93 Láng Hạ

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Vinaconex (VCG), không phải HDG hay VC2, Vinaconex mới là đơn vị đầu tiên đề cập đến vấn đề mua lại cổ phần với các cổ đông của BĐS An Thịnh nhằm triển khai dự án 93 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Câu chuyện "đất vàng" 93 Láng Hạ bắt đầu lộ diện vào cuối tháng 7/2015 khi Tập đoàn Hà Đô (HDG) thông báo, đơn vị này đã ký hợp đồng mua toàn bộ cổ phần sở hữu từ 3 cổ đông của BĐS An Thịnh - tương đương 81.4% vốn cổ phần. Nối tiếp đó, đến đầu tháng 9/2015, đến lượt CTCP Xây dựng số 2 (VC2) khẳng định đã cùng các công ty khác là CTCP Vimeco (VMC) và CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Vinaconex (Vinaconex IUC) ký hợp đồng chuyển nhượng đúng bằng số cp này từ 3 cổ đông của CTCP BĐS An Thinh đề cập ở trên, trong đó VC2 sẽ nhận gần 30% vốn, tương đương với giá trị chuyển nhượng gần 20 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý, BĐS An Thịnh là đơn vị đang nắm trong tay dự án 93 Láng Hạ.

Tình tiết mới đã xuất hiện khi đầu tháng 2/2016, trong một công bố thông tin gửi đến Sở GDCK Hà Nội (HNX), Vinaconex (VCG) cho biết đã cùng các cổ đông của An Thịnh tiến hành các giao dịch mua bán cổ phần và hoàn tất các thủ tục pháp lý. Đồng thời, đại diện của VC2 và HDG cũng cho biết cả 2 công ty này đều đã "rút" khỏi thương vụ với An Thịnh.

Sau vụ việc thực hiện đồng thời 2 hợp đồng chuyển nhượng với tổng 160% vốn của các cổ đông An Thịnh trước đó, mặc dù VC2 hay HDG đều đã lên tiếng "rút" nhưng thông tin từ Vinaconex vẫn khiến giới đầu tư nghi ngờ về sự kết thúc của thương vụ thâu tóm.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của VC2 mới diễn ra, ông Nguyễn Trọng Quỳnh - Chủ tịch HĐQT VC2, đồng thời cũng là Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, chính bản thân ông là người "đạo diễn" của thương vụ thâu tóm "đất vàng" 93 Láng Hạ và đã có những chia sẻ cụ thể về quá trình thâu tóm đơn vị này.

* HDG và VC2 đã buông, dự án 93 Láng Hạ về tay Vinaconex?

* Hơn 160% vốn BĐS An Thịnh được chuyển nhượng, những ai mua "hớ"?

HDG định "hớt tay trên" nhưng không thành?

CTCP BĐS An Thịnh được thành lập tháng 08/2007, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như xây dựng công trình, dân dụng, dự án khu công nghiệp, khách sạn, văn phòng, nhà ở, hạ tầng khu đô thị, tư vấn lập dự án đầu tư, kinh doanh BĐS. Điểm làm nên sức hấp dẫn của một công ty BĐS có quy mô vốn khá khiêm tốn ở mức gần 70 tỷ đồng là dự án duy nhất công ty này đang thực hiện - Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở tại số 93 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Ông Quỳnh cho biết, mặc dù An Thịnh đã được UBND Tp Hà Nội phê duyệt phương án chuyển đổi mục đích sử dụng và quy hoạch chi tiết của dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ từ cách đây hơn 5 năm nhưng do tiềm lực không cho phép, đơn vị này vẫn không thể triển khai được dự án.

Đến giữa năm 2015, An Thịnh đã tìm đến Vinaconex với ý định hợp tác triển khai dự án này. Khi đó Vinaconex đã có ý định đàm phán mua lại cổ phần của các cổ đông An Thịnh để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do việc đề xuất phải được trình và thông qua tại HĐQT Vinaconex, cùng các bước thẩm định khác nên quá trình đó diễn ra tốn rất nhiều thời gian.

Sau đó, HDG xuất hiện và "chen ngang" vào thỏa thuận giữa Vinaconex và An Thịnh. Theo ông Quỳnh, HDG đã trả một mức giá cao hơn khoảng 10 tỷ đồng để đạt được mục đích này và đến cuối tháng 7/2015, HDG đã nhanh chóng CBTT liên quan đến thỏa thuận với các cổ đông của An Thịnh.

Sự xuất hiện của HDG cạnh tranh với Vinaconex khiến ban lãnh đạo của tổng công ty này phải chuyển hướng chiến lược, Vinaconex đã để cho 3 công ty con là VC2, VMC và Vinaconex IUC đứng ra đàm phán lại với An Thịnh. Cũng cần nói đến một yếu tố khác tác động đến thương vụ này là cư dân tại chung cư cũ 93 Láng Hạ. Theo ông Quỳnh, cư dân đã họp và yêu cầu An Thịnh phải thực hiện dự án này cùng Vinaconex nếu không sẽ áp dụng theo quy định mới về cải tạo chung cư cũ (Nghị quyết 101 có hiệu lực từ cuối năm 2015) để chọn nhà đầu tư khác.

Cuối cùng, mặc dù HDG đưa ra mức giá cao hơn nhưng do thỏa thuận trước đó với Vinaconex và sự ảnh hưởng từ quyết định của cư dân thuộc chung cư 93 Láng Hạ, các cổ đông của An Thịnh đã phải thực hiện chuyển nhượng với Vinaconex.

Dự án sẽ được khởi động trong thời gian tới

Về tiến độ của dự án, ông Quỳnh cho biết, tới tháng 1/2016, sau khi đã được HĐQT chấp thuận, Vinaconex đã thực hiện mua lại An Thịnh và công bố thông tin theo quy định. Sau đó thành lập công ty Bất động sản Vinaconex để thực hiện dự án. Ủy ban GPMB sẽ được thành lập trong thời gian tới và phương án giải phóng mặt bằng sẽ được gửi cho người dân. Theo kế hoạch, Vinaconex sẽ giải phóng mặt bằng và khởi công 93 Láng Hạ trong năm 2016.

Trước đó, vào tháng 4/2014, Vinaconex đã hợp tác với chủ đầu tư cũ của Dự án cải tạo chung cư cũ 97 Láng Hạ với tỷ lệ vốn góp là 45%. Vị Chủ tịch Vinaconex nhìn nhận sự tham gia của Vinaconex đã tạo bước ngoặt cho dự án sau nhiều năm bất động, hiện dự án đã xong phần móng và tiếp tục hoàn thiện./.

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ CEO: Sẽ mở rộng quỹ đất tại Phú Quốc và Nha Trang thông qua M&A (16/03/2016)

>   Gần 10.000 tỉ đồng di dời ga Đà Nẵng  (16/03/2016)

>   VC9: Kế hoạch lãi ròng 2016 hơn 13 tỷ đồng (16/03/2016)

>   ĐHĐCĐ VC2: Kế hoạch lãi trước thuế tăng 22% nhưng cổ tức giảm còn 10% (16/03/2016)

>   Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch khu biệt thự, du lịch sinh thái hồ Lụa (16/03/2016)

>   BĐS Đà Nẵng: Phân khúc khách sạn trầm lắng, biệt thự tăng mạnh (16/03/2016)

>   Hoàn thiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ Đô Hà Nội (16/03/2016)

>   LCG ký hợp đồng thi công cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn trị giá 240 tỷ đồng (16/03/2016)

>   Chấn chỉnh ngay phân lô bán nền tràn lan (16/03/2016)

>   Nguy cơ bong bóng bất động sản khi tiền ồ ạt chảy vào (16/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật