Thứ Hai, 14/03/2016 09:11

Sóng ngầm ngành khoáng sản niêm yết

Những tháng cuối năm 2015 đầu năm 2016, nhiều cổ đông lớn tại các doanh nghiệp ngành khoáng sản lần lượt nói lời từ giã đơn vị mình đã nắm giữ khá lâu. Cổ phần vẫn thế, người đã đi ắt hẳn phải có người đến! Vậy nhưng vẫn chưa thấy xuất hiện bóng dáng của “đại gia” nào lộ diện sau những thương vụ này!

Chuyện tại KSA

Cũng biến động cổ đông lớn cùng đợt với các doanh nghiệp trong ngành khác, nhưng tại Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA) có liên quan đến bà Phạm Thị Hinh lại là một câu chuyện dài trải từ cuối năm 2014 đến nay.

Mở đầu là câu chuyện ban lãnh đạo KSA tiết lộ cổ đông chiến lược trong đợt phát hành 30 triệu cp cuối năm 2014 sẽ là các Việt kiều Đông Âu. Với nguồn lực này, KSA táo bạo lên kế hoạch năm 2015 với doanh thu ngàn tỷ và lợi nhuận trăm tỷ trong khi lãi từ trước đến nay chưa vượt qua con số 30 tỷ đồng. Tuy nhiên kế hoạch này nhanh chóng bị dàn điều hành mới dập tắt sau đó khi ĐHĐCĐ thường niên 2015 diễn ra vào tháng 4. Tân Chủ tịch KSA là bà Phạm Thị Hinh (cũng đồng thời đang nắm giữ các vị trí chủ chốt cũng như cổ đông lớn tại KHL, KSG, KHB, KSKVSM), cho rằng kế hoạch của ban điều hành cũ là tham vọng quá cao và khó thực hiện nên điều chỉnh giảm mạnh xuống còn 150 tỷ đồng doanh thu và 30 tỷ đồng lãi ròng.

Mặc dù hủy kế hoạch phát hành cho cổ đông là Việt kiều Đông Âu nhưng KSA lại thay thế bằng việc phát hành số lượng hơn gấp đôi tới 67 triệu cp, trong đó dành 56 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và 11 triệu cp cho cổ đông chiến lược với mức giá gần gấp đôi thị giá (10,000 đồng/cp).

Tuy nhiên phương án này lại gặp thất bại khi chỉ mỗi cổ đông hiện hữu là Chủ tịch Phạm Thị Hinh mua 1.2 triệu cp và còn dư tới 54.8 triệu cp, đồng thời KSA cũng hủy luôn phát hành 11 triệu cp cho cổ đông chiến lược. KSA đành bán 54.8 triệu cp ế kia cho 10 nhà đầu tư, trong đó 6 cá nhân và 4 tổ chức gồm CTCP Đầu tư Phát triển VDI Việt Nam, CTCP Phương Trung, CTCP VFI Việt Nam, CTCP Tư vấn và Đầu tư Sài Gòn Năng động vào tháng 11/2015 cũng với mức giá hời 10,000 đồng/cp.

Sau đó gần 5 tháng, 4/10 cổ đông này đã tiến hành thoái hơn 44% vốn tại KSA gồm Sài Gòn Năng Động, CTCP VFI Việt Nam, CTCP Đầu tư Phát triển VDI Việt Nam và bà Nguyễn Thị Tuyết. Thay vào đó có sự xuất hiện của CTCP Chứng khoán VSM, nơi bà Hinh đồng thời là Chủ tịch, gom vào hơn 5.5 triệu cp KSA, tương ứng 5.94% bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

* KSA: Mua cổ phần "ế", 4 nhà đầu tư chịu lỗ 200 tỷ đồng khi thoái vốn

* KSK-KHB-KHL: Câu chuyện “phát - rút” và sự xuất hiện đại gia bí ẩn

* Chuyện phát và rút KSK-KHB-KHL: Hé lộ nơi dòng tiền “cập bến”

Đây cũng là thời điểm KSA công bố năm 2015 chỉ lãi vỏn vẹn gần 4 tỷ đồng, giảm 86% so với năm 2014 và chỉ bằng 13% kế hoạch. Và cổ phiếu KSA vẫn nằm dưới mệnh giá cả năm qua. Dường như sau khi về cùng đội chung chủ, KSA đã “hòa nhập” vào hàng ngũ lãi lẹt đẹt vài tỷ mỗi năm với KHL, KSG, KHB và KSK.

Kết quả kinh doanh 2015 của các doanh nghiệp có biến động cổ đông lớn
Đvt: Triệu đồng

Có cùng bến đỗ?

Những ngày cuối tháng 2/2016, SCIC tuyên bố đã thoái hết 50% vốn, tương ứng gần 12 triệu cp Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), thu về khoảng 440 tỷ đồng bằng phương thức giao dịch thỏa thuận. Trước đó, cuối năm 2015, PXP Vietnam Emerging Equity Fund cũng đã bán bớt cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn của KSB. Hiện vẫn chưa có thông tin gì về đơn vị đã gom phân nửa vốn của KSB vừa qua. Điểm nhấn của KSB là hoạt động kinh doanh trong năm 2015 khá tốt với lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2014 và vượt 23% kế hoạch; cổ tức 25% bằng tiền mặt (đã chia 15%).

Tương tự, trong khoảng thời gian cuối năm 2015 đầu 2016, cổ đông Nhà nước là Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương muốn thoái 16% vốn (gần 1.8 triệu cp) tại Đầu tư Xây dựng 3-2 (C32) nhưng chỉ bán được gần 1.5 triệu cp, giảm sở hữu từ 51% xuống còn 37.9%. Và gần đây, con gái Chủ tịch Võ Văn Lãnh cũng có động thái muốn bán hết 50,000 cp C32.

Đối với Đầu tư & Phát triển KSH (KSH) thì cổ đông lớn là CTCP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Xanh Việt Nam đã bán 2.2 triệu cp, giảm nắm giữ từ 27.9% xuống còn 19.25% cũng vào những ngày đầu năm 2016. Rồi cổ đông lớn Nguyễn Công Cương cũng đã bán hơn 1 triệu cp KSH, giảm nắm giữ từ 7.49% xuống còn 3.39% cùng thời điểm.

Vào những tháng cuối năm 2015, tại Khoáng sản Quang Anh (KSQ), 5 cổ đông cá nhân đã đồng loạt thoái tương ứng hơn 66% vốn. Ngay sau đó, KSQ lại phát hành riêng lẻ 15 triệu cp cho 12 cá nhân khác với mức giá khá cao 10,000 đồng/cp trong khi cả một năm qua cổ phiếu KSQ đều giao dịch dưới mức này.

Ở một diễn biến khác, đầu tháng 2/2016, phiên họp HĐQT của Đá Núi Nhỏ (NNC) có một chi tiết đáng chú ý là HĐQT giao cho Chủ tịch chỉ đạo việc mua cổ phần của các công ty cùng ngành nghề. Tại thời điểm cuối năm 2015, NNC có lượng tiền mặt cũng khá dồi dào với 108 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 92 tỷ đồng. So với mức vốn điều lệ 131.5 tỷ đồng thì năm 2015 NNC gần như đạt mức một đồng vốn tạo ra một đồng lời khi lãi ròng 123 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.

Với nhiều biến động về cổ đông lớn, giao dịch tại các cổ phiếu khoáng sản kỳ này sôi động hơn hẳn và đa phần đều có xu hướng đi lên. Tuy nhiên, những “đại gia” nào đã dẫn dắt con sóng khoáng sản này hiện vẫn chưa lộ diện…/.

Các tin tức khác

>   VHG: Gia hạn công bố thông tin báo cáo tiến độ sử dụng vốn (14/03/2016)

>   Petrolimex phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ (11/03/2016)

>   MWG: Thông báo thu hồi cổ phần nhận ESOP 2013. 2014 của nhân viên nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ (10/03/2016)

>   Sotrans và bước tiếp theo trong vụ thâu tóm Sowatco  (10/03/2016)

>   TLG: Sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 383 tỷ đồng (10/03/2016)

>   IJC có đủ điều kiện để giảm vốn điều lệ hàng ngàn tỷ? (09/03/2016)

>   DHC: Điều chỉnh số lượng cp chào bán cho cổ đông chiến lược (10/03/2016)

>   DCL: Tăng vốn gấp đôi từ vốn chủ sở hữu (08/03/2016)

>   Vì sao người Nhật muốn nắm Petrolimex? (08/03/2016)

>   IJC: Kế hoạch giảm 50% vốn điều lệ xuống 1,350 tỷ (07/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật