Nỗi lo chia đôi nền kinh tế
Dự cảm của GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài về sự xuất hiện của làn sóng thứ 3 ở Việt Nam về FDI có lẽ sẽ thành hiện thực khi năm 2016, hàng loạt các FTA có hiệu lực đưa nền kinh tế vào thời kỳ “bùng nổ” hội nhập.
Ngay trong tháng đầu năm 2016, số vốn FDI cam kết đạt 1,334 tỷ USD với 127 dự án cấp mới và 56 dự án tăng vốn, tăng hơn gấp đôi số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam thực sự trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia. . Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lotte, E-Mart, Doosan, CJ, Kumho… đều đã có mặt ở Việt Nam.
Cũng ngay từ đầu năm 2016, nhiều tên tuổi lớn khác như Công ty dịch vụ truyền hình của Mỹ Netflix and Chill, hãng bia của Thái Lan Singha Asia đã công bố dự án đầu tư vào Việt Nam. Hãng bán lẻ Nhật Bản 7 - Eleven cũng đang triển khai tích cực để mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 4/2017.
GS Mại thấy rằng nhìn từ Bắc tới Nam, những công trường quy mô nhất đều có vốn FDI. Có thể kể đến như nhà máy LG trị giá 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng; nhà máy Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.Hồ Chí Minh; nhà máy Microsoft ở Bắc Ninh, Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn trị giá 9,5 tỷ USD; Khu liên hợp gang thép của Formosa (Hà Tĩnh) trị giá 9,9 tỷ USD... Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chuyển nhà máy khỏi nước đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. để đến đầu tư tại Việt Nam. “Năm 2016 là thời điểm Việt Nam cùng lúc thực hiện nhiều cam kết quốc tế về hội nhập, đây sẽ là một cú hích lớn trong việc thu hút FDI và kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng đầu tư mới với chất lượng cũng như vốn đầu tư sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Mại nói.
Phân tích về khả năng hình thành làn sóng mới về FDI, theo GS Mại, tổng vốn FDI toàn cầu năm 2014 giảm 16% so với năm trước đó, đạt 1.230 tỷ USD; năm 2015 đạt khoảng 1.400 tỷ USD (tăng 11%) và hai năm kế tiếp có thể đạt lần lượt 1.500 tỷ USD và 1.700 tỷ USD. Với 14,5 tỷ USD vốn FDI thực hiện năm 2015, vốn FDI đổ vào Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% FDI toàn cầu. Như vậy, dư địa để thu hút thêm FDI còn khá lớn.
Đồng thời, xu hướng mới của FDI vào châu Á đang có sự chuyển dịch từ Trung Quốc (hiện đứng đầu thế giới về thu hút FDI) sang các nước khác, mà Việt Nam được nhiều tập đoàn xuyên quốc gia lựa chọn là phương án số 1. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm, xuất hiện nhiều dấu hiệu của giai đoạn suy thoái, môi trường đầu tư không được cải thiện, nên trào lưu rút vốn khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới rất tệ hại, khoảng 1.000 tỷ USD, gấp 7 lần năm 2014.
Các hiệp định thương mại tự do mới, rào cản về thuế quan về cơ bản được gỡ bỏ, tạo thuận lợi cho thương mại hai chiều giữa nước ta với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, tác động tích cực đến FDI từ những nước đó vào Việt Nam. Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), 49% trong tổng số gần 540 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Song, bên cạnh những hào hứng, nỗi lo nền kinh tế bị chia rẽ vì FDI cũng ngày càng lớn hơn. GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo phân tích, kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào FDI, không phải chỉ xét trên các chỉ tiêu như tỉ lệ sản xuất công nghiệp hay xuất khẩu mà còn trên cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp có vốn nước ngoài (phần lớn là 100% vốn ngoại) và sự gắn kết rất yếu giữa FDI với doanh nghiệp trong nước.
Lý do chính gây ra hiện tượng này là doanh nghiệp trong nước quá yếu, khó có thể trở thành đối tác để doanh nghiệp nước ngoài lập liên doanh và không có khả năng cung cấp những linh kiện, những mặt hàng trung gian cho doanh nghiệp FDI. Một lý do khác là do nhà nước Việt Nam không có chính sách chọn lựa FDI phù hợp với hướng phát triển lâu dài cần có của đất nước. GS Ngô Thắng Lợi, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng thấy rằng, “việc thực hiện liên kết giữa khu vực FDI với khu vực trong nước thiếu hiệu quả nếu không nói là khu vực này đang có xu hướng chèn ép khu vực sản xuất trong nước”
”Nếu tình trạng này không thay đổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị phân hóa thành hai khu vực riêng biệt. Khu vực FDI và khu vực của doanh nghiệp bản xứ không kết hợp thành một thể thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Công nghệ và tri thức kinh doanh của FDI không lan tỏa đến cả nền kinh tế”, GS Thọ cảnh báo, ”đây là một trong những thách thức lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay”.
Việt Nam từng trải qua hai thời kỳ “dậy sóng” FDI. Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ tăng trưởng với tốc độ cao trên một diện rộng từ 1991 – 1997, 7 năm “hoàng kim” của FDI. Nếu như trong 3 năm 1988-1990, vốn đăng ký mới và tăng vốn chỉ có 1,582 tỷ USD, thì 5 năm 1991 - 1995 là 18,377 tỷ USD và 2 năm 1996 -1997 là 15,246 tỷ USD.
Sau làn sóng thứ nhất này, Việt Nam bước vào thời kỳ suy giảm mạnh FDI từ 1998 – 2003, gắn với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực bắt đầu từ tháng 7/1997. Từ cuối năm 2003 tình hình bắt đầu được cải thiện và ngày càng rõ hơn trong năm 2004, nhiều nhà đầu tư cũ đã trở lại Việt Nam; nhà đầu tư mới đã tìm thấy một số thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. Đến năm 2005 khởi sắc, mở ra làn sóng thứ hai về FDI, từ năm 2005 cho đến 2008, đỉnh cao nhất năm 2008. Thời kỳ 2016- 2020, đang được kỳ vọng có sự xuất hiện của làn sóng thứ 3.
|
Trần Minh
Báo tổ quốc
|