“Bất thường” nhóm lợi ích đặc quyền ở Việt Nam
Nhóm lợi ích đặc quyền không chỉ có ở Việt Nam, song quan hệ của nhóm này với nhà nước gắn với kết quả kinh doanh lại cao bất thường.
Lễ công bố báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, sáng 23/2 tại Hà Nội - Ảnh: VGP.
|
Nhận xét này được đưa ra tại báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, vừa được công bố sáng 23/2 tại Hà Nội.
Các tác giả báo cáo cho rằng, có ba yếu tố tác động qua lại lẫn nhau đóng vai trò quyết định trong việc giải thích cho những thách thức về hiệu lực của nhà nước ở Việt Nam hiện nay:
- Tình trạng tham gia quá nhiều của nhà nước vào hoạt động kinh tế, quyền lực nhà nước bị cát cứ, manh mún;
- Sự thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu trong bộ máy chính quyền;
- Sự hạn chế về trọng lượng tiếng nói của dân chúng, cũng như sự tham gia còn hạn chế của người dân trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách.
Đề cập yếu tố thứ nhất, báo cáo giải thích, nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế là thuật ngữ được dùng để mô tả hiện tượng hình thành và ngày càng gia tăng ảnh hưởng của một tầng lớp kinh doanh ở bên trong nhà nước (thay vì đáng lẽ ra là phải nằm ngoài nhà nước). Nhà nước tham gia quá nhiều vào các hoạt động kinh tế trực tiếp qua các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là các tập đoàn kinh tế nhà nước, và gián tiếp qua mối quan hệ rất chặt chẽ giữa nhà nước và nhóm đặc lợi của khu vực tư nhân.
“Nhóm lợi ích đặc quyền không chỉ có ở Việt Nam, song quan hệ của nhóm này với nhà nước gắn với kết quả kinh doanh lại cao bất thường”, báo cáo nêu rõ.
Theo báo cáo, tình trạng nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế làm giảm hiệu quả của nền kinh tế, góp phần trầm trọng thêm tình trạng đình trệ trong cải thiện năng suất. Một loại phí tổn cần được đề cập phát sinh từ sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, từ lâu đã không đảm bảo tính hiệu quả trong sử dụng vốn và đất đai mặc dù vẫn đang giữ vai trò chủ đạo trong một số ngành then chốt của nền kinh tế, báo cáo phân tích.
Các tác giả cho rằng sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước không có gì là lạ trong nhiều nền kinh tế, nhất là ở các ngành độc quyền tự nhiên (dịch vụ công ích) hoặc thâm dụng vốn (hạ tầng lớn), nhưng các ngành có thể duy trì cạnh tranh thị trường thì nên được dành cho khu vực tư nhân phát triển.
Báo cáo nhận xét: ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước hiện diện ở hầu hết các ngành và lĩnh vực, kể cả các ngành như may mặc, dịch vụ điện thoại di động và ngân hàng - là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp, công ty tư nhân có thể làm tốt hơn doanh nghiệp nhà nước.
Mặt khác, sự thiếu vắng tầng lớp thương nhân thực sự độc lập với nhà nước hoặc độc lập với các cơ quan nhà nước là loại phí tổn thứ hai mà sự tham gia quá nhiều của nhà nước vào hoạt động kinh tế đưa lại. Nếu nhà nước quyết định duy trì nhiều vai trò trong các hoạt động sản xuất, thì tối thiểu cũng nên giữ vị thế trung lập khi cạnh tranh với tư nhân.
“Điều này hàm ý rằng không nên ủng hộ các đặc quyền tiếp cận nguồn lực tài chính, đất đai, các hợp đồng mua sắm của chính quyền, trợ cấp của nhà nước, và những ưu đãi về thuế hiện đang được dành riêng cho các doanh nghiệp nhà nước bởi những sự phân biệt đối xử này làm suy giảm khả năng tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước”, báo cáo viết.
Phân tích từ báo cáo cũng cho thấy, ngoài những phí tổn gây ra cho nền kinh tế, sự tham gia quá nhiều của nhà nước vào hoạt động kinh tế còn làm suy yếu hiệu lực của chính nhà nước.
Và tình trạng ấy tạo động lực mạnh mẽ cho các quan chức lợi dụng thẩm quyền quản lý kinh tế, phân bổ tài sản của mình để trục lợi cho riêng mình và thân hữu của mình. Những lạm dụng kiểu đó sẽ làm xói mòn tính chính danh của các thiết chế nhà nước./.
vneconomy
|