Thứ Năm, 25/02/2016 09:03

“Chần chừ, do dự là chết”

Ngày 23-2, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã phối hợp tổ chức công bố báo cáo Việt Nam 2035 với sự tham gia của 50 chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Nhân dịp này, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, người thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối báo cáo, chia sẻ với TBKTSG.

TBKTSG: Thưa ông, tiêu đề của Báo cáo 2035 là “Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, vậy nội dung chính của báo cáo là gì?

- Ông Võ Trí Thành: Báo cáo này nhìn lại những cái được và chưa được của 30 năm đổi mới, rồi mới thể hiện khát vọng của đất nước trong 20-30 năm tới với hàng loạt yếu tố như biến đổi khí hậu, dân số, hội nhập, đô thị hóa, công nghệ.

Để thực hiện khát vọng, chúng tôi đề nghị sáu chuyển đổi cơ bản.

Thứ nhất là hiện đại hóa nền kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân. Cần coi tư nhân là động lực kinh tế quan trọng nhất trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng tôi xem xét, đâu là những nút thắt cho kinh tế tư nhân trưởng thành. Có ba nguyên nhân cơ bản gồm quyền tài sản, cạnh tranh và tiếp cận đến các yếu tố sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề cập làm sao để khu vực tư nhân Việt Nam lớn lên được, để họ tham gia vào các chuỗi, mạng sản xuất gắn với các tập đoàn lớn.

Thứ hai là đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ để tăng năng suất, tạo giá trị gia tăng cao. Khu vực tư nhân phải giữ vai trò trung tâm trong đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Thứ ba là vấn đề đô thị hóa liên quan đến dòng người di cư. Có các gợi ý tháo gỡ nút thắt về kinh tế - xã hội, và kết nối được tính lan tỏa của những đô thị như TPHCM.

Thứ tư là phát triển bền vững, tức tăng khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh hơn về ngành, vùng miền, chống ô nhiễm.

Thứ năm là đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội. Cần mở rộng các chương trình hỗ trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương, người nghèo, dân tộc thiểu số để họ có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục, y tế, bảo hiểm; và xây dựng hệ thống an sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của xã hội trung lưu và người già nhiều hơn.

Chương cuối cùng, mà thực ra chúng tôi định để lên đầu vì nó là nền cho tất cả, liên quan đến xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại cùng một nền kinh tế thị trường đầy đủ và một xã hội dân chủ.

Năng suất trì trệ hiện nay và môi trường kinh doanh chưa thuận lợi cho phát triển khu vực tư nhân là do nhà nước còn thiếu năng lực và trách nhiệm giải trình. Do điều kiện lịch sử của Việt Nam, những thể chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân.

Có ba vấn đề cần tập trung nỗ lực xử lý. Trước hết, các nguyên tắc thị trường phải được áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định rõ các lĩnh vực công và tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản (đặc biệt là về đất đai), thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hóa sự tham gia của Nhà nước trong nền kinh tế.

Tiếp đó, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu về kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khuôn khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân. Cải cách hoạt động của bộ máy hành chính cần được thực hiện theo hướng bảo đảm chế độ chức nghiệp thực tài. Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp, có đủ năng lực chuyên môn và quyền đại diện cho nhân dân. Bộ máy tư pháp được tăng cường theo hướng bảo đảm độc lập trong xét xử, bảo vệ công lý và đủ năng lực giải quyết các tranh chấp ngày càng đa dạng và phức tạp. Và không kém phần quan trọng là bảo đảm quyền tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời của công dân, và tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

Chính việc tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình là một đảm bảo cho việc hạn chế, giảm thiểu nguy cơ thực thi chính sách kém. Tuy nhiên, rủi ro tạo ra chính sách, quy chế điều tiết không tốt, thậm chí tồi, ngay trong nội tại thể chế là không hề nhỏ. Nếu không được quan tâm thích đáng, nó có thể làm trì trệ, thậm chí kéo lùi sự phát triển đất nước.

Tôi cho rằng, sáu chuyển đổi trên đây là tương đối đủ cho những đường hướng cơ bản cho sự đi lên của xã hội.

 

Để hội nhập, môi trường kinh doanh cần tương thích với các cam kết và thông lệ quốc tế. Ảnh: MINH KHUÊ

TBKTSG: Vấn đề là xã hội hiện tại có đáp ứng các giải pháp do báo cáo đưa ra hay không, chẳng hạn yếu tố hướng tới dân chủ?

- Xu thế dân chủ là bắt buộc, dù có khó khăn. Chúng tôi đặt ra sáu định hướng, nhưng để hiện thực hóa còn đòi hỏi nguồn lực, quyền lực. Hơn nữa, bước đi trong ngắn hạn, trung hạn là gì để lồng ghép vào các chiến lược phát triển. Tinh thần quan trọng nhất của báo cáo này là xây dựng một thể chế hiện đại. Đó là nền tảng cho tất cả. Trong chương thể chế có hai vấn đề mà nói thẳng ra là cải cách chính trị và cải cách kinh tế thị trường; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước.

TBKTSG: Điểm nào trong báo cáo theo ông có thể thực hiện được ngay?

- Có rất nhiều. Ví dụ như cải cách môi trường kinh doanh như Nghị quyết 19 đang làm. Nhìn rộng ra, môi trường kinh doanh phải tương thích với các cam kết và thông lệ quốc tế. Chúng ta phải tiến kịp và đi cùng thời đại.

Vấn đề thứ hai làm được ngay là xây dựng thể chế minh bạch hơn. Cần giải quyết mấy yếu tố như rà soát lại các tương tác của Nhà nước với người dân, thị trường, và doanh nghiệp. Cần xây dựng các thể chế độc lập, chuyên nghiệp để rà soát các chính sách tương tác đó. Hiện nay đã bắt đầu nhen nhóm yếu tố này như có các hội đồng tư vấn, lập tổ công tác thi hành luật doanh nghiệp. Yếu tố nữa là phải có nhà nước minh bạch, công chức thực tài. Chúng ta phải xem xét lại toàn bộ hệ thống động lực cho công chức, cũng như tương tác giữa Đảng và Nhà nước quốc hội. Quốc hội cần tăng tính chuyên nghiệp thực sự, và có cơ chế tham vấn khác đi.

TBKTSG: Ông hình dung như thế nào về năm năm tới, nhất là sau đại hội?

- Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt và đang đối diện nhiều thách thức kinh tế - xã hội. Chúng ta phải thích ứng với nhu cầu hội nhập và thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng.

Năm năm sắp tới phải tiếp tục cải cách. Có ba yếu tố cần có là nguồn lực, động lực và lãnh đạo tốt. Trong Bộ Chính trị có nhiều người trẻ có nền tảng tốt hơn, kỹ trị hơn, hành động hơn.

Cơ hội để chúng ta bứt phá chỉ là 5-7 năm tới thôi. Chần chừ, do dự là chết. Và trên thực tế cần làm vài cải cách lớn thì mới thu được lòng tin thị trường.

Tư Giang

tbktsg

Các tin tức khác

>   TP.HCM, Hà Nội xếp thứ 152, 155 về chất lượng sống (24/02/2016)

>   CPI tháng 2 tăng 0.42% nhờ lĩnh vực thực phẩm (24/02/2016)

>   CPI của 2 thành phố lớn chỉ tăng nhẹ trong tháng Tết (23/02/2016)

>   “Bất thường” nhóm lợi ích đặc quyền ở Việt Nam (23/02/2016)

>   Lựa chọn duy nhất của Việt Nam trong báo cáo “Việt Nam 2035” (23/02/2016)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp Hà Nội 2 tháng đầu năm 2016 tăng 8.6% so với cùng kỳ (22/02/2016)

>   CPI Hà Nội tháng 2 tăng 0.47% (22/02/2016)

>   Cần 40 tỉ đô la Mỹ vốn ODA trong 5 năm tới (18/02/2016)

>   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Barack Obama (16/02/2016)

>   Xem xét báo cáo nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Thủ tướng (15/02/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật