TP.HCM, Hà Nội xếp thứ 152, 155 về chất lượng sống
Hãng Tư vấn và nghiên cứu thị trường Mercer (Anh) vừa công bố bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống của 230 thành phố trên thế giới. Hà Nội và TP.HCM đứng ở tốp dưới bảng xếp hạng.
Một quán café trên sân thượng tại thủ đô Vienna của Áo -Ảnh: Guardian
|
Dù đối mặt với nhiều rủi ro an ninh, bất ổn xã hội và triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa thời gian gần đây, châu Âu vẫn có vài thành phố lọt vào nhóm có chất lượng sống tốt nhất thế giới theo cuộc khảo sát thường niên lần thứ 18 của Mercer.
Theo công bố, thủ đô Vienna của Áo tiếp tục dẫn đầu thế giới về chất lượng sống, tiếp theo là Zurich (Thụy Sĩ), Auckland (New Zealand), Munich (Đức)…
Vancouver (Canada) ở vị trí thứ 5 là thành phố có thứ hạng cao nhất Bắc Mỹ, trong khi đại diện hàng đầu của châu Á là Singapore (hạng 26).
Điều ngạc nhiên là các thành phố lớn như London, Paris và New York không lọt nổi vào top 35 danh sách.
Paris rớt đến 10 hạng xuống vị trí 37 do yếu tố nhạy cảm với khủng bố, London cũng tương tự với thứ hạng 39.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoài Singapore ở vị trí dẫn đầu, thủ đô Dhaka của Bangladesh xếp chót với vị trí 214.
Tokyo có thứ hạng cao nhất khu vực Đông Á (44), sau đó là một số thành phố lớn khác như Hong Kong (70), Đài Bắc (84), Thượng Hải (101), Seoul (115), Bắc Kinh (118)…
Ở Đông Nam Á, xếp sau Singapore là Kuala Lumpur (86), Bangkok (129), Manila (136), Jakarta (142). TP.HCM và Hà Nội có thứ hạng lần lượt 152 và 155. TP.HCM đồng hạng với Mumbai (Ấn Độ) và Guatemala City.
Xét theo mức độ an toàn lẫn chất lượng sống thì thủ đô Baghdad của Iraq đội sổ ở vị trí cuối cùng (hạng 230). Đây cũng là thành phố có mức độ an toàn kém nhất thế giới bên cạnh Damascus (Syria).
Những tiêu chí đánh giá một thành phố của Mercer bao gồm điều kiện kinh tế, y tế, giáo dục, nhà ở và môi trường. Các dữ liệu này thường được các tập đoàn lớn quan tâm trước khi đưa ra quyết định nên đầu tư vào đâu và trả lương cho nhân viên bao nhiêu.
Tiêu chí “an toàn” cũng là một yếu tố quan trọng. Các tập đoàn đa quốc gia dựa trên đánh giá tình hình an ninh khi quyết định gửi các chuyên gia của mình ra nước ngoài vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi phi của họ.
|
tuổi trẻ
|