Thứ Hai, 07/12/2015 10:13

TS Nguyễn Sơn: 5 định hướng chính sách phát triển TTCK Việt Nam

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã và đang thực hiện 5 định hướng chính sách để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Để triển khai các cơ chế giao dịch mới, ông Nguyễn Sơn cho biết UBCKNN đã chuẩn bị hết nền tảng cơ sở pháp lý, quy định sẽ ban hành trong tháng 12/2015.

Việc phát triển này theo định hướng trở thành thị trường vốn theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc, vận hành theo thông lệ quốc tế và có khả năng kết nối với khu vực cũng như quốc tế.

Cụ thể, trình bày tại hội thảo song phương giữa các nhà tín dụng – doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc ngày 04/12, ông Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường – UBCKNN cho biết tình trạng TTCK Việt Nam hiện nay gồm 80 công ty chứng khoán (sau tái cấu trúc) với quy mô 1.75 tỷ USD vốn điều lệ; 43 công ty quản lý quỹ với quy mô 146 triệu USD vốn điều lệ. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trên TTCK gồm 1.5 triệu tài khoản, trong đó có 16,500 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, Chính phủ đã huy động 800 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp huy động trên 200 ngàn tỷ đồng cổ phần. Quy mô huy động vốn qua TTCK chiếm 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tổng mức vốn hóa thị trường vốn gồm cổ phiếu và trái phiếu vào khoảng 90 tỷ USD, chiếm khoảng 53% GDP 2014.

Với hiện trạng như vậy, UBCKNN đã và đang theo đuổi 5 định hướng chính sách để phát triển TTCK hơn nữa.

Nhóm thứ nhất, nhóm chính sách tăng cung hàng hóa chứng khoán trên thị trường gồm đẩy nhanh quá trình IPO doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch (chậm nhất trong vòng 90 ngày sau IPO phải đưa vào giao dịch trên thị trường tập trung); nỗ lực thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp lớn được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như VNM, FPT, NTP...; tập trung thiết kế các sản phẩm cơ cấu để giao dịch (ETF, covered warrant, NVDRs, GDR, GDN và các sản phẩm Hedge); xây dựng pháp lý, thể chế và hạ tầng công nghệ thông tin để sớm đưa các sản phẩm phái sinh (index futures và bond futures) vào hoạt động.

Nhóm thứ hai, nhóm chính sách kích cầu, khơi thông dòng vốn, gồm việc nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng MSCI. UBCKNN đang nỗ lực làm những công việc cần thiết để đáp ứng tiêu chí. Và thị trường Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được khá nhiều tiêu chuẩn nên hoàn toàn có thể kỳ vọng việc được nâng hạng không còn xa. Ngoài ra, nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong công ty đại chúng với việc ban hành Nghị định 60; hoàn thiện khung pháp lý về công bố thông tin và quản trị công ty theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế; phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp (quỹ ETF, bất động sản, quỹ hưu trí tự nguyện, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư...) và xây dựng quỹ bảo vệ nhà đầu tư.

Nhóm thứ ba, nhóm chính sách đẩy nhanh tái cấu trúc tổ chức thị trường như hợp nhất, giải thể, phá sản các CTCK yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính; cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua nắm giữ từ 51% đến 100% vốn một công ty chứng khoán tại Việt Nam, thông qua các công ty chứng khoán nước ngoài này nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận TTCK Việt Nam hơn; tăng quy mô vốn, tiềm lực tài chính để triển khai thực hiện sản phẩm mới (chứng khoán phái sinh); tái cấu trúc các Sở Giao dịch Chứng khoán và phân định thị trường.

Nhóm thứ tư, phát triển các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ thị trường gồm hệ thống vay và cho vay chứng khoán; hệ thống bù trừ đối tác trung tâm; rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán, từ ngày 01/01/2016 chu kỳ thanh toán cho giao dịch chứng chỉ quỹ và cổ phiếu chính thức rút xuống T+2 giúp vòng quay vốn tốt hơn; xây dựng hệ thống biểu quyết trực tuyến thông qua các kỳ họp ĐHĐCĐ doanh nghiệp; cải thiện việc cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua trực tuyến; chuyển thanh toán trái phiếu Chính phủ từ ngân hàng thương mại sang ngân hàng trung ương.

Nhóm cuối cùng, xây dựng cơ chế giao dịch mới đó là cho phép nhà đầu tư được vừa mua và bán chứng khoán tại cùng thời điểm giao dịch; nhà đầu tư được bán chứng khoán chờ về tạo vòng quay nhanh hơn; cho phép các ngân hàng lưu ký được bảo lãnh cho đặt lệnh mua chứng khoán của nhà đầu tư, tại thời điểm đặt lệnh nhà đầu tư không nhất thiết phải có đủ tiền mặt trên tài khoản mà chỉ cần sự bảo lãnh của ngân hàng lưu ký, đây là một trong những cải thiện rất tốt cho nhà đầu tư nước ngoài; thực hiện giao dịch cùng một loại chứng khoán trong ngày và cấp mã số giao dịch trực tuyến. Để triển khai các cơ chế này, ông Sơn cho biết UBCKNN đã chuẩn bị hết nền tảng cơ sở pháp lý, quy định sẽ ban hành trong tháng 12/2015 và triển khai khi nào thì phụ thuộc vào việc các Sở Giao dịch Chứng khoán cũng như công ty chứng khoán chuẩn bị xong nền tảng công nghệ./.

Các tin tức khác

>   UBCKNN giới thiệu về Thông tư 180 (05/12/2015)

>   Thừa khả năng trở thành thành viên HĐQT nhưng không thể vào HĐQT, vì sao? (03/12/2015)

>   Nghị định 118 sẽ tạo thuận lợi cho thủ tục đầu tư góp vốn, mua cổ phần (24/11/2015)

>   HOSE đã ký kết hợp đồng với MSCI cung cấp chuẩn phân ngành GICS (24/11/2015)

>   UBCK lấy ý kiến Dự thảo TT Hướng dẫn về chứng quyền có bảo đảm (21/11/2015)

>   Luật kế toán sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2017 (21/11/2015)

>   Biên độ dao động hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu dự kiến 7-10% (16/11/2015)

>   Chứng khoán phái sinh nhìn từ Thái Lan (13/11/2015)

>   Quy định mới về cổ phần hoá nghiệp nhà nước (12/11/2015)

>   Ban hành Thông tư 162 hướng dẫn chào bán chứng khoán ra công chúng (11/11/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật