Biến động tỷ giá: “Ảnh hưởng tâm lý khá mạnh”
“Thị trường đang bị ảnh hưởng tâm lý khá mạnh bởi những thông tin từ Trung Quốc và Mỹ”...
Áp lực ngoại hối ở Việt Nam được dự báo sẽ luôn thường trực trừ phi tới đây có được dòng tiền vào ở mức đủ lớn và đủ ổn định để giúp làm đảo ngược trạng thái cung - cầu ngoại tệ hiện hành.
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế - Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) vừa có bản phân tích động thái mới từ Trung Quốc với đồng Nhân dân tệ, tình huống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đối với triển vọng tỷ giá USD/VND.
Bước ngoặt đồng Nhân dân tệ
Bản phân tích trên dẫn lại, ngày 11/12, sau phiên giao dịch tại thị trường châu Á, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố trên website China Foreign Exchange Trade System (CFETS) về bộ 3 chỉ số RMB Indices: CFETS RMB Index; RMB Index based on BIS Currency Basket và RMB Index based on SDR Currency Basket.
Trong đó, thị trường chú ý theo dõi hơn cả về chỉ số CFETS RMB Index, còn có tên gọi là “trade-weighted index” (TWI), do đây là chỉ số được tính dựa trên các giao dịch thương mại của Trung Quốc.
Từ trước tới nay, giá trị đối ngoại của RMB được PBoC tính chủ yếu dựa theo giá trị USD. Tuy nhiên, kể từ 11/12, tỷ giá có tính tham chiếu về thương mại và giao dịch tiền tệ sẽ được tính theo phương thức TWI - tức dựa trên việc tính toán tương quan đồng Nhân dân tệ với một rổ 13 đồng tiền của các nước đối tác thương mại quan trọng.
Đây được cho là một quyết định mang tính bước ngoặt bởi trên thực tế từ đầu năm 2015 đồng Nhân dân tệ đã giảm giá khá mạnh so với USD nhưng lại tăng giá tương đối so với các đồng ngoại tệ khác.
“Như vậy có thể thấy, cách tính đồng Nhân dân tệ dựa trên một rổ ngoại tệ sẽ giúp đồng tiền này dần giảm giá so với USD trong khi Trung Quốc không bị cáo buộc là chủ đích can thiệp để phá giá”, bản phân tích từ Trung tâm nghiên cứu của Maritime Bank nhìn nhận, cũng như dẫn dự báo từ các chuyên gia quốc tế rằng, tới cuối năm 2016 tỷ giá USD/CNY (Nhân dân tệ) có thể đứng ở mức 6.59 - 6.6, so với mức hiện tại là 6.44.
Bước đi này của Trung Quốc được đánh giá là tạo ra thách thức lớn đối với Mỹ, trong bối cảnh đồng USD lên giá và FED tiến tới việc tăng lãi suất. Và trong cuộc họp diễn ra ngày 16-17/12 này, FED chắc chắn sẽ phải cân nhắc nhiều hơn về việc đồng tiền của một đối tác thương mại rất lớn là Trung Quốc đang có xu hướng yếu đi so với USD.
USD-Index khó tăng mạnh
Theo khảo sát của Citibank, 74% ý kiến cho rằng FED sẽ vẫn tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này bởi số liệu tích cực từ thị trường lao động, cũng như đa số thành viên FED đồng thuận về việc tăng lãi suất trong tháng 12.
Bên cạnh đó, thông điệp quan trọng được trông đợi từ cuộc họp lần này là chi tiết về lộ trình tăng lãi suất trong trung và dài hạn.
Thị trường đang dự báo FED sẽ đưa ra một lộ trình thận trọng hơn và sẽ giảm mức lãi suất mục tiêu tới cuối năm 2016 và 2017 so với lần dự báo trước. Theo đó, tới cuối năm 2016 lãi suất có thể sẽ ở mức 1,125% thay vì 1,375% của dự báo trước đó với 3 lần tăng lãi suất trong năm. Tới cuối năm 2017, lãi suất có thể ở mức 2,375% thay vì 2,625%.
Trong lịch sử 3 lần tăng lãi suất của FED trước đó, hai lần vào năm 1994 và 1999, USD đã quay đầu giảm giá sau 1 tháng tính từ khi có quyết định của FED. Trong lần tăng lãi suất năm 2004, chỉ số USD-Index cũng giảm ngay sau 2 tuần tính từ thời điểm FED ra quyết định.
Vì vậy, trong lần tăng lãi suất này, theo dự báo đưa ra trong bản phân tích từ Maritime Bank, USD-Index khó có được mức tăng mạnh vì thị trường đã phản ánh kỳ vọng tăng giá trong suốt thời gian qua, đồng thời hoạt động đầu cơ đang khá cao. Trong ngắn hạn (khoảng 1 tháng tới), USD-Index có thể sẽ chỉ dao động trong khoảng 96,6 - 100,5 điểm.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khi chính sách tiền tệ của FED tiếp tục trái chiều với một số ngân hàng trung ương lớn khác như ECB, BOJ,… sẽ khiến USD càng tăng giá và các ngoại tệ khác giảm giá.
Theo dự báo của Citibank trong bản tin ngày 14/12, USD-Index có thể sẽ tăng từ 4,5 - 5% so với các ngoại tệ mạnh khác trong vòng 6-12 tháng tới.
Áp dụng chế độ tỷ giá mới?
Với diễn biến tỷ giá USD/VND gần đây, sau khi chính thức chạm trần 22.547 VND trong phiên giao dịch ngày 14/12, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank cho rằng, ngoài những yếu tố về cung - cầu ngoại tệ thời điểm cuối năm, thị trường đang bị ảnh hưởng tâm lý khá mạnh bởi những thông tin từ Trung Quốc và Mỹ.
Bản phân tích trên cũng đưa ra dự báo đồng Nhân dân tệ có thể sẽ tiếp tục giảm giá so với USD và tiến đến mức 6,59-6,6 vào cuối năm 2016, chủ yếu do các vấn đề nội tại quốc gia, bất chấp việc đồng tiền này chính thức vào giỏ SDR từ tháng 10/2016, điều mà có thể giúp cầu đồng Nhân dân tệ gia tăng.
Chỉ số USD-Index có thể sẽ tăng nhất thời sau khi FED quyết định tăng lãi suất, sau đó điều chỉnh giảm nhẹ trở lại; ngưỡng dao động trong ngắn hạn dự báo trong khoảng 96,6-100,5 điểm.
USD-Index khả năng tăng trở lại trong lần tăng lãi suất tiếp theo của FED. Dự báo đến cuối năm 2016, chỉ số này sẽ tăng từ 4,5% đến 5%.
Vì vậy, nhìn chung áp lực ngoại hối ở Việt Nam sẽ luôn thường trực trừ phi tới đây có được dòng tiền vào ở mức đủ lớn và đủ ổn định để giúp làm đảo ngược trạng thái cung - cầu ngoại tệ hiện hành.
“Bất luận trong tình huống nào, Ngân hàng Nhà nước hẳn đang và sẽ khẩn trương hơn trong việc nghiên cứu, triển khai áp dụng một chế độ tỷ giá mới linh hoạt hơn, có tính thị trường hơn, có khả năng hấp thụ tốt hơn các cú sốc từ bên ngoài, đặt trong bối cảnh hoạt động tài chính - tiền tệ đang và sẽ thay đổi nhanh chóng”, khối nghiên cứu của Maritime Bank chốt lại.
Minh Đức
vneconomy
|