PMI tháng 10 tăng nhẹ lên 50.1 điểm nhờ sản lượng tăng
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index-PMI) ngành sản xuất Việt Nam của Nikkei đạt mức 50.1 điểm, tức là chỉ hơn ngưỡng không thay đổi 50 điểm một chút, cho thấy các điều kiện kinh doanh chỉ thay đổi một chút trong tháng.
Kết quả chỉ số đã tăng từ mức 49.5 điểm của tháng 9. Nhân tố giúp chỉ số chính tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm là do sản lượng đã tăng nhẹ. Đây là mức tăng có được sau khi giảm trong tháng trước.
Cụ thể, dữ liệu PMI mới nhất cho thấy sự ổn định của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 10. Số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm nhẹ trong hai tháng liên tiếp, trong khi sản lượng tăng nhẹ. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm làm lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm và mức độ tạo việc làm yếu hơn. Trong khi đó, cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tiếp tục giảm khi chi phí nguyên vật liệu giảm.
Số lượng đơn đặt hàng mới tổng thể đã giảm nhẹ trong tháng 10, là tháng giảm thứ hai liên tiếp. Các thành viên nhóm khảo sát cho rằng nguyên nhân giảm là do nhu cầu khách hàng giảm, mà đây cũng là nhân tố dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tháng thứ năm liên tiếp.
Số lượng đơn đặt hàng mới giảm dẫn đến tăng năng lực dự phòng của các nhà sản xuất Việt Nam, và từ đó giảm lượng công việc tồn đọng. Điều này cũng đã làm cho tốc độ tạo việc làm chậm lại lần thứ ba liên tiếp. Mức tăng việc làm gần đây nhất chỉ là nhỏ. Các nhà sản xuất ở Việt Nam tiếp tục báo cáo giá nguyên vật liệu trong tháng 10 giảm dẫn đến giảm cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra. Trong cả hai trường hợp, tốc độ giảm là mạnh, nhưng là yếu nhất trong thời gian ba tháng. Giá cả đầu vào đã giảm liên tục kể từ tháng 7.
Hoạt động mua hàng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết lượng lưu trữ hàng hóa đầu vào đã đủ để đáp ứng yêu cầu đầu ra. Điều này là phù hợp với việc tồn kho hàng mua đã tăng nhẹ, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài ba tháng.
Tồn kho hàng thành phẩm cũng đã tăng giống như trong tháng 9. Sản lượng tăng, số lượng đơn đặt hàng mới giảm và sự chậm trễ trong khâu phân phối sản phẩm đến khách hàng, tất cả đã góp phần làm tăng tồn kho hàng hóa sau sản xuất.
Trong khi đó, thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp khi các báo cáo cho biết khối lượng công việc giảm đã giúp họ giảm thời gian giao hàng.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, công ty thu thập kết quả khảo sát Markit nói: "Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã ổn định trong tháng 10, từ đó cho thấy sự suy giảm trong tháng 9 không phải là khởi đầu cho một xu hướng đi xuống kéo dài. Tuy nhiên, mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm bây giờ có vẻ từ lâu đã không còn khi các thị trường nước ngoài đã trở thành nhân tố kìm hãm. Các công ty hy vọng các điều kiện kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện để hỗ trợ cho sự tăng trưởng trở lại. Chi phí nguyên vật liệu lại tiếp tục giảm trong tháng 10, từ đó dẫn đến cả giá đầu vào và giá đầu ra đều tiếp tục giảm. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại".
Anh Đức
|