Nợ công dự kiến lên 2.7 triệu tỷ đồng năm 2015
Theo báo Tuổi trẻ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Trần Văn đã đưa ra những nhận định và số liệu nóng trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 3-11.
Ông Trần Văn cho biết: Chúng ta mất cân đối ngân sách nhà nước kéo dài, bội chi từ 112,000 tỷ đồng năm 2011 lên đến 226,000 tỷ đồng năm 2015. Đó là chưa kể nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư để ngoài cân đối ngân sách và giải ngân nguồn vốn ODA.
Cũng theo ông Trần Văn, nợ công của nước ta tăng rất nhanh, bình quân khoảng 20% mỗi năm trong 5 năm qua, từ 1.3 triệu tỷ đồng năm 2011 lên đến dự kiến 2.7 triệu tỷ đồng năm 2015.
Trong khi đó từ năm 2013 đến nay, ngân sách không cân đối được đủ nguồn để trả lãi nợ gốc các khoản vay của Chính phủ đến hạn phải trả, mà phải vay nợ mới để trả một phần nợ cũ.
Năm 2013, lần đầu tiên vay đảo nợ với 40,000 tỷ đồng, năm 2015 là khoảng 125,000 tỷ đồng. Sự bị động của ngân sách nhà nước đã thể hiện qua việc phải tìm mọi cách để cân đối, kể cả bán đi tài sản đang sinh lời, phải vay nợ mới trả nợ cũ, vay nước ngoài trả trong nước, huy động cả cổ tức của doanh nghiệp nhà nước để đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.
“Qua tiếp xúc cử tri, tôi thấy người dân đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề cân đối ngân sách nhà nước, khó có thể nói mọi việc đều suôn sẻ khi đến hạn chúng ta không trả nợ được và phải cơ cấu lại nợ theo hướng kéo dài thời gian trả nợ” - ông Trần Văn nói.
Nhấn mạnh an ninh tài chính quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào cách giải quyết vấn đề cân đối ngân sách nhà nước, ông Trần Văn đề nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện giải pháp mạnh là “đóng băng” mức bội chi ngân sách nhà nước 254.000 tỉ đồng năm 2016 cho ba năm kế tiếp, thay vì tăng hằng năm theo tỉ lệ phần trăm so với GDP, qua đó giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách.
Đồng thời, “đóng băng” biên chế bộ máy quản lý nhà nước trong 3 năm, để đánh giá và xác định vị trí việc làm của cán bộ, công chức, giảm mạnh biên chế trong những năm tiếp theo.
Một biện pháp mạnh nữa được ông Trần Văn nêu ra là dừng tuyệt đối việc xây dựng mới các công trình không cần thiết, không phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bằng mọi cách phải tăng lương
Trong tình hình ngân sách căng thẳng, các ý kiến tại phiên thảo luận cho thấy nhu cầu chi đang rất lớn.
Đối với khoản vốn hơn 14,000 tỷ đồng còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị chi cho một số công trình giao thông đi qua địa phương.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng thể hiện sự quyết liệt trong ý kiến của mình: “Năm 2016, bằng mọi cách phải tăng lương cho cán bộ, công nhân viên theo lộ trình. Không tăng chi thường xuyên, nhưng phải giảm hội họp để lấy tiền tăng lương”. Nếu không tăng lương, ông Tùng nêu câu hỏi là cán bộ, công chức sống như thế nào hay là một bộ phận lại đi đến gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bằng cách đòi “bôi trơn”?
Về đề xuất của Chính phủ, trong hai năm 2015 và 2016 bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thu về khoảng 40,000 tỷ đồng, trong đó xử lý giảm thu cân đối ngân sách trung ương năm 2015 khoảng 10,000 tỷ đồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng không tán thành.
“Sử dụng số tiền này theo kiểu như vậy thì không khác nào ăn vào vốn cố định, bán vốn doanh nghiệp nhà nước là để chuyển vào đầu tư lĩnh vực khác hiệu quả hơn chứ không phải để tiêu. Để xử lý hụt thu, tôi đề xuất ba giải pháp, trong đó đầu tiên là xử lý tốt nợ đọng thuế” - ông Hùng nói.
Là đại biểu đăng đàn cuối cùng trong phiên thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu vấn đề liên quan đến phát hành 3 tỷ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế. Cũng như nhiều đại biểu khác, ông Kiên cho rằng nếu đất nước cần thì chúng ta phát hành, nhưng phải phát hành theo luật định và xem xét kỹ là có thực rẻ hơn vay trong nước hay không. Theo ông Kiên, nếu so sánh các yếu tố liên quan trong đó có yếu tố tỉ giá thì “chưa chắc đã rẻ”.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đến việc kiên quyết cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi thường xuyên, để làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.
Hoàng Nguyên
|