ANZ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 4/2015 đạt 7.6%
Theo dự báo mới được Ngân hàng ANZ công bố, tốc độ tăng trưởng GDP quý 4/2015 được dự báo ở mức 7.6%, nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 lên 6.8%, tăng 0.3% so với dự báo được đưa ra hồi đầu năm. Đồng thời, ANZ cũng nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2016 từ 6.5% lên 6.9%.
Chiều ngày 04/11 tại Hà Nội, Ngân hàng ANZ đã tổ chức buổi họp báo: “Cập nhập thông tin kinh tế toàn cầu 2015” nhằm đưa ra những dự báo mới nhất về chuyển động của kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại buổi họp báo, ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của ANZ đã có những phân tích và chia sẻ về kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua, cùng những dự báo cho thời gian tới.
Ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ.
|
Theo ông Glenn, bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện có một số xu hướng diễn ra cho thấy cán cân rủi ro không cân bằng như: Giá dầu và giá hàng hóa tiếp tục giảm; Trung Quốc giảm tốc (giảm nhiều nhất trong khu vực đầu tư – khu vực đóng góp tới 50% GDP) và kinh tế Mỹ phục hồi (phục hồi nhiều nhất trong khu vực tiêu dùng –đóng góp tới 70% GDP).
Bức tranh kinh tế toàn cầu đang thể hiện những gam màu khác nhau, biểu hiện sự dịch chuyển và sự phát triển không đồng đều giữa các nền kinh tế. Các nền kinh tế khác nhau trên thế giới có rủi ro và tương tác khác nhau với nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, ANZ đưa ra triển vọng tăng trưởng năm 2016 và so sánh với tốc độ tăng trưởng thực trong năm 2015 để đánh giá nền kinh tế nào tiếp tục tăng trưởng, không tăng trưởng, hay sụt giảm tăng trưởng.
Bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016, 2017 so với 2015
Nguồn: ADB, Ngân hàng Thế giới, Nghiên cứu của ANZ
|
Đánh giá về tính trạng hiện tại của các nền kinh tế thuộc Châu Á và bức tranh toàn cảnh nói chung, ông Glenn cho biết, Châu Á hiện nay đang rơi vào tình trạng suy thoái thương mại bởi hầu hết các nền kinh tế tại đây đều rơi vào tình cảnh mức tăng trưởng về hoạt động thương mại xuất, nhập khẩu đã sụt giảm khá mạnh.
“Khi chúng tôi tổng hợp tất cả các phân tích này lại với nhau, bao gồm cả đánh giá tác động tích cực và tiêu cực và đi đến một kết luận là trong năm 2016 và 2017, nhìn chung toàn bộ khu vực Châu Á bị bị ảnh hưởng tiêu cực, tuy nhiên có 3 quốc gia trong khu vực Châu Á sẽ ít chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi xu hướng dịch chuyển trái chiều nhau và một bức tranh không đồng đều từ nền kinh tế toàn cầu. Đó là 3 nền kinh tế Việt Nam, Ấn Độ và Philippine gọi tắt là 3 nền kinh tế VIP (Vietnam – India - Philippine)” – ông Glenn cho biết về dự báo tăng trưởng của toàn khu vực.
Nhìn vào Việt Nam, kể cả xuất khẩu hay nhập khẩu đều có tốc độ tăng trưởng đáng kể so với các nước cùng khu vực. Trong khi đó, xét về thị trường tiền tệ, VNĐ vẫn ổn định trong thời gian qua trong khi đồng Baht của Thái Lan, Ringit của Malaysia hay đồng tiền của Indonesia đã bị yếu đi đáng kể bởi tác động của suy thoái thương mại. Đặc biệt tác động này còn gia tăng đáng kể tại các quốc gia không đa dạng về mặt hàng xuất khẩu, như Malaysia, riêng việc xuất khẩu khí hóa lỏng đã chiếm tới 10% GDP hay như Indonesia, việc xuất khẩu dầu cọ, xăng dầu hay dầu thô của nước này chiếm 15% GDP.
Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất không chịu ảnh hưởng từ tác động tiêu cực về suy thoái thương mại, bởi là nước đa dạng hóa về các ngành hàng xuất khẩu, từ các mặt hàng truyền thống như dệt may, dầu thô, thủy hải sản, hiện kim ngạch xuất khẩu đã đa dạng hơn với các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính… các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn và hàm lượng công nghệ cao hơn, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng này đã chiếm từ 25% - 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng đáng kể so với tỷ trọng từ 5% - 8% của 5 năm trước đây.
“Việt Nam là ánh sáng hiếm hoi trong toàn cảnh bức tranh tăng trưởng chậm của các nền kinh tế mới nổi” – chia sẻ của ông Glenn khi phân tích về tình hình kinh tế của Việt Nam.
Dự báo về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, ông Glenn cho rằng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi một cách vững chắc hơn. Tăng trưởng kinh tế vẫn cách khá xa mức tiềm năng từ 7% - 8%, điều này sẽ giúp giữ áp lực lạm phát ở mức thấp hơn. Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6.8% cho năm 2015 và 6.9% cho năm 2016, cao hơn so với dự báo được ANZ đưa ra hồi đầu năm 2015 (6.5% cho năm 2015 và 2016).
Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế VN qua từng quý
Nguồn: ANZ
|
Nhã Tâm
|