Hội nghị WB và IMF: Ngăn trốn thuế, chống biến đổi khí hậu…
Trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang diễn ra tại Lima (Peru), bộ trưởng tài chính các nước G20 đã thông qua kế hoạch "Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận" (BEPS), ngăn chặn các công ty đa quốc gia trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận đến các nước có yêu cầu đóng thuế thấp hơn.
Hội nghị thường niên của WB và IMF tại Lima, Peru, Ảnh: Reuters
|
Việc lợi dụng những lỗ hổng trong hệ thống thuế quốc tế và quốc gia đã cho phép các công ty đa quốc gia như Google và Starbucks… không phải trả từ 100-240 tỉ đô la Mỹ tiền thuế hàng năm.
Kế hoạch trên buộc các công ty đa quốc gia phải báo cáo đầy đủ về hoạt động kinh doanh với cơ quan thuế tại các nước đặt trụ sở hoặc chi nhánh và phải đóng thuế tại từng nước.
Tuy nhiên, BEPS sẽ không ảnh hưởng đến những ưu đãi giảm thuế của chính phủ mỗi nước nhằm thu hút đầu tư nước ngoài mà chỉ nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế. Các nước tham gia ký kết cũng phải thực hiện các bước nhằm tránh các vấn đề như đánh thuế hai lần và phải thay đổi chính sách thuế để phù hợp với BEPS.
BEPS được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đề xuất. Mặc dù BEPS không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng OECD hy vọng các nước sẽ thực hiện nghiêm túc kế hoạch này.
WB: Chống biến đổi khí hậu là chìa khóa để xóa đói giảm nghèo
Cũng tại hội nghị thường niên mùa thu của IMF và WB ở Lima, các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới đã tập trung thảo luận về vấn đề xóa đói giảm nghèo cũng như tăng trưởng kinh tế và giảm bớt sự bất ổn toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể hội nghị, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết tỷ lệ dân số cực nghèo trên thế giới lần đầu tiên sẽ dưới mức 10% trong năm 2015. Ông bày tỏ hy vọng đến năm 2030, thế giới không còn những người thuộc diện cực nghèo.
Ông Jim lưu ý để xóa đói giảm nghèo, điều kiện quan trọng là phải tìm được giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, qua đó giảm thiểu thiên tai mà trong đó những người nghèo là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo ông Jim, nếu các nhà lãnh đạo thế giới không tìm ra giải pháp giảm thiểu lượng khí thải CO2 để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới sẽ khó đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo và bảo vệ Trái Đất cho các thế hệ mai sau.
Cũng trong phiên họp toàn thể, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã có bài phát biểu về tình hình kinh tế toàn cầu, các giải pháp và cải cách của IMF. Bà Lagarde nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ dừng ở mức 3,1% - thấp hơn dự báo trước đó là 3,3%. Nguyên nhân do sự bất ổn toàn cầu, trong đó có các điều chỉnh chính sách phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Bà Lagarde nhận định sự chuyển đổi chính sách, trong đó có việc tiến lên mô hình phát triển kiểu mới của Trung Quốc và những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ là cần thiết. Tuy nhiên, chúng cũng tác động đến các nước khác thông qua hoạt động thương mại, tỷ giá hối đoái, thị trường tài sản và dòng vốn.
LHQ và WB tăng hỗ trợ tài chính giúp giải quyết khủng hoảng di cư
Ngày 10-10, bên lề hội nghị thường niên WB và IMF tại Lima, Liên hiệp quốc (LHQ) và WB cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho Trung Đông và Bắc Phi nhằm giúp các nước trong những khu vực này ứng phó với cuộc khủng hoảng người di cư và tái thiết sau các cuộc xung đột.
LHQ và WB không đề cập số tiền cụ thể nhưng nói sáng kiến trên sẽ giúp tăng cường nguồn lực giải quyết những thiệt hại lớn cả về kinh tế lẫn nhân đạo mà xung đột tại Syria, Iraq, Yemen và các nước khác đang gây ra cho khu vực Trung Đông- Bắc Phi.
tbktsg
|