Thứ Bảy, 10/10/2015 11:18

Hàng loạt cửa hàng tại Italy đóng cửa vì khủng hoảng kinh tế

Bất chấp những dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Italy đang phục hồi và sức mua đang tăng trở lại, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế dài nhất và nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến 2 vẫn rất nghiêm trọng với khu vực thương mại.

Một siêu thị ở Italy. (Nguồn: depositphotos.com)

Thống kê của Hiệp hội quốc gia các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại và du lịch, dịch vụ Italy (Confesercenti) cho biết, hiện có 627.000 cửa hàng, tương đương gần 25% tổng số cửa hàng thương mại và dịch vụ trên toàn quốc Italy, đã bị đóng cửa, do các chủ thuê ngừng hoạt động.

Tại một số khu đô thị lớn, có nơi có tới 40% số cửa hàng không tìm được chủ thuê mới, sau khi người kinh doanh cũ ngừng thuê.

Cũng theo Confesercenti, trong tám tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày có 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ về thương mại, du lịch và dịch vụ ngừng hoạt động. Kể từ năm 2012 đến nay, đã có gần 300.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này "đầu hàng" cuộc khủng hoảng kinh tế.

Italy mới chỉ thoát khỏi suy thoái kinh tế vào đầu năm 2015, sau khi rơi vào khủng hoảng sâu vào năm 2011. Confesercenti khẳng định rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng này.

Theo tổ chức này, "việc hàng loạt những khối bất động sản được sử dụng vào mục đích kinh doanh và buôn bán được trả lại cho chủ sở hữu là dấu hiệu rõ nhất của tình trạng này. Cuộc khủng hoảng càng kéo dài, số cửa hàng đóng cửa ngày càng nhiều."

Tình trạng này ảnh hưởng mạnh đến các khu đô thị nhỏ và các vùng ngoại ô của những thành phố lớn, khi việc buôn bán ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Nhưng còn một thực tế khác: các trung tâm thương mại lớn, dù cũng bị ảnh hưởng vì khủng hoảng, đang lấn lướt các cửa hàng nhỏ.

Không ngạc nhiên khi những vùng có tỷ lệ tập trung các trung tâm thương mại và siêu thị lớn là nơi có nhiều cửa hàng đóng cửa như vậy, đứng đầu là Lombardy, với trên 82.000 cửa hàng ngừng hoạt động, Campania gần 70.000 cửa hàng và Lazio, vùng có thủ đô Rome, 62.000 cửa hàng.

Theo Chủ tịch Confesercenti Massimo Vivoli, cuộc khủng hoảng kinh tế và giá thuê địa điểm cũng như mức thuế cao là nguyên nhân khiến các cửa hàng vừa và nhỏ dần dần biến mất khỏi các thành phố.

"Dấu hiệu của sự đình đốn có thể nhìn thấy rất rõ ở hàng nghìn cửa hàng phải kéo cửa sắt để ngừng hoạt động ngay ở những nơi trước kia rất tiện lợi cho việc mua sắm," ông nói với hãng tin độc lập ADN Kronos.

Ông Vivoli đề xuất với Chính phủ Italy đưa ra một quy định đặc biệt nhằm tạo cơ hội cho các cửa hàng vừa và nhỏ hồi sinh. Người kinh doanh, chủ bất động sản và chính quyền địa phương sẽ cùng đạt một thỏa thuận thuế với giá trị thấp nhằm kích thích các hoạt động kinh doanh.

Theo tính toán của Confesercenti, nếu đề xuất này được thực hiện, trong vòng hai năm tới, sẽ có chừng 190.000 cửa hàng được mở trở lại./.

Trương Anh Ngọc

vietnam+

Các tin tức khác

>   Vì sao Ấn Độ điều chỉnh mô hình tăng trưởng? (10/10/2015)

>   Trung Quốc – châu Âu có thể liên thủ chống TPP (09/10/2015)

>   Bộ trưởng tài chính G-20 bàn về nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu (09/10/2015)

>   ​LHQ kiểm toán các nguồn quỹ dính dáng hối lộ Trung Quốc (09/10/2015)

>   Vì sao Hillary Clinton tuyên bố chống TPP? (08/10/2015)

>   Đại gia TQ thi nhau vung tiền tậu lâu đài cổ ở châu Âu (08/10/2015)

>   Iran sẽ xúc tiến 50 dự án dầu mỏ mới trong tương lai gần (08/10/2015)

>   Doanh nghiệp Nga, Trung đều thèm khát TPP  (08/10/2015)

>   Thành phố tỷ đô không người ở (08/10/2015)

>   Doanh nghiệp Mỹ “găm” 2.100 tỷ USD ở nước ngoài để trốn thuế (07/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật