Vì sao Ấn Độ điều chỉnh mô hình tăng trưởng?
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ Amitab Kant, “bí mật” đằng sau việc gia tăng FDI vào Ấn Độ là thành quả của chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” và việc mở cửa nhiều lĩnh vực cho FDI, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng…
Ấn Độ tập trung vào thế mạnh về nguồn nhân lực dồi dào. (Nguồn: Hindustan Times)
|
Theo dữ liệu mới đây của tờ Financial Times, trong nửa đầu năm 2015, Ấn Độ đã thu hút được 31 tỷ USD vốn FDI, vượt Trung Quốc (28 tỷ USD) và Mỹ (27 tỷ USD). Báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xếp hạng Ấn Độ đứng thứ 55 về môi trường kinh doanh (cải thiện 16 vị trí so với báo cáo trước đây). Những thông tin trên đây cho thấy, Ấn Độ đang điều chỉnh mô hình tăng trưởng và bước đầu đã có kết quả.
Một mô hình độc đáo
Mô hình phát triển mà Ấn Độ đã áp dụng kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế từ năm 1991 được coi là khá độc đáo. Thay vì đi theo mô hình cổ điển ở châu Á là tập trung lao động phục vụ xuất khẩu, sản xuất hàng hóa gia công rẻ mạt cho phương Tây, nước này đã hướng đến thị trường nội địa hơn là thị trường xuất khẩu, đến tiêu thụ nội địa hơn là thu hút đầu tư nước ngoài, đến dịch vụ hơn là công nghiệp, đến kỹ thuật cao hơn là gia công với tay nghề thấp.
Sự tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ không thiết lập trên cơ sở tiêu tốn quá độ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước và đầu tư lượng lớn vật chất, mà là dựa vào sự thông minh của các nhân viên kỹ thuật, các nhân tài quản lý chuyên ngành và đội ngũ trí thức ưu tú của Ấn Độ.
Cơ cấu kinh tế của Ấn Độ tương tự một số nước phát triển, chứ không giống với cơ cấu phổ biến của các nước đang phát triển. Nếu như năm 1980, tỷ trọng của các ngành dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp trong GDP lần lượt là: 36,6%, 24,5% và 38,9% thì tới năm 2014, các tỷ trọng tương ứng là: 51%, 32% và 17%.
Đóng góp lớn nhất cho sự chuyển đổi cơ cấu này là cuộc “Cách mạng xám”, đưa Ấn Độ trở thành siêu cường phần mềm máy tính. Ngành IT tăng 25 lần trong 2 thập kỷ qua, từ 4,8 tỷ USD năm 1997 lên 118 tỷ USD năm 2014, trong đó xuất khẩu đạt 99 tỷ USD, đem lại việc làm cho 10 triệu người.
Mô hình tăng trưởng trên đây đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ trong thời gian qua, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7% trong suốt hai thập kỷ qua. GDP của Ấn Độ năm 2014 đã đạt trên 2.000 tỷ (nếu tính theo cân bằng sức mua là 8.000 tỷ USD).
Điều quan trọng là, nền kinh tế Ấn Độ cơ bản ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi sự chao đảo của kinh tế, tài chính thế giới. Kinh tế nước này không quá phụ thuộc xuất khẩu, vì thế không bị tác động lớn từ những biến động giá dầu lửa và hàng hóa trên toàn cầu.
Cần “lực đẩy” mới
Tuy nhiên, đất nước đông dân thứ hai thế giới đang đứng trước một số thách thức. Nền kinh tế không thể tăng tốc bứt phá, thậm chí có biểu hiện chậm lại do không khai thác được các thế mạnh của mình. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ chỉ đạt 6,6% và năm 2013 chỉ còn 5,1%.
Về cơ cấu kinh tế, các nhà lãnh đạo Ấn Độ bắt đầu nhận ra rằng, nếu chỉ dựa vào việc phát triển ngành dịch vụ khoa học kỹ thuật cao, nước này chỉ có thể tiếp nhận rất ít nhân công. Trong khi đó, nguồn lao động trong nước rất phong phú, giá nhân công rất rẻ mới là ưu thế tương đối lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á này.
Theo một báo cáo của Nhóm tư vấn Boston phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành chế tạo chỉ mới tạo ra 4 triệu việc làm mới và tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ mới chiếm 1,5% kim ngạch thương mại toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo mới của Ấn Độ bắt đầu nhận thấy cần phải chú trọng phát triển ngành gia công chế tạo. Chính vì vậy mà kể từ khi lên cầm quyền tháng 4/2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát động nhiều chiến dịch như “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ), “Skill India” (Kỹ năng Ấn Độ), “Digital India” (Số hóa Ấn Độ)… nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế tạo, phát triển kỹ năng và khai thác nguồn nhân lực dồi dào trong nước. Chính phủ đề ra mục tiêu tăng hơn nữa tỷ trọng của ngành chế tạo và tạo ra 100 triệu việc làm mới vào năm 2022.
Cho đến nay, có thể thấy việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng của Ấn Độ vừa chú trọng thị trường nội địa, vừa coi trọng thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu đã có những kết quả nhất định. Thứ trưởng Bộ Công Thương Amitab Kant cho biết, trong bối cảnh FDI toàn cầu giảm 16% trong thời gian qua, FDI vào vào Ấn Độ vẫn tăng mạnh và riêng trong tháng Tám vừa qua, con số này đã tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng cho những dự báo lạc quan về tăng trưởng của Ấn Độ trong năm nay.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm tài khóa 2015/16 sẽ ở mức 7,4%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) vừa mới hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống còn 3% trong năm 2015, nhưng vẫn dự báo kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ở mức 7,2% với nhận định quốc gia này “sẽ là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong vòng hai năm tới”.
Sinh Thành (từ New Delhi)
tg&VN
|