Thứ Ba, 27/10/2015 22:09

​Hà Nội xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng 3.700 tỉ đồng

Thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà máy nước mặt sông Hồng với tổng vốn đầu tư gần 3.700 tỉ đồng.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục khẳng định đường ống truyền dẫn nước mặt sông Hồng từ huyện Đan Phượng về Hà Nội dự kiến sẽ chọn chất liệu đường ống bằng gang dẻo - Ảnh: X.L.

Chiều 27-10, tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết nội dung này.

Theo ông Dục, nhà máy nước mặt sông Hồng sẽ xây dựng tại xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) với quy mô 20,5ha do Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư. Nguồn vốn đầu tư sử dụng vốn của doanh nghiệp, vốn vay và vốn huy động hợp pháp theo quy định.

“Hiện nay nguồn cấp nước cho toàn địa bàn thành phố đạt 900.000 m3/ngày đêm, trong đó có 600.000 m3 từ khai thác nước ngầm và 300.000 m3 từ nước mặt sông Đà. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm hiện đã tới hạn cả ba mức, đó là nếu khai thác hơn sẽ ô nhiễm, nguồn nước cũng đã cạn kiệt và nếu tiếp tục khai thác sẽ sụt lún. Vì vậy, sau khi nhà máy nước mặt sông Hồng hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 300.000 m3/ngày đêm sẽ giảm bớt nguồn khai thác nước ngầm xuống còn 450.000 m3/ngày đêm” - ông Dục nói.

Ông Dục cho biết nhà máy nước mặt sông Hồng dự kiến khởi công xây dựng trong quý 1-2016 và hoàn thành trong quý 4-2020.

“Ngay trong giai đoạn 1 cũng có phân kỳ đầu tư đến năm 2018 sẽ hoàn thành công suất 150.000 m3/ngày đêm, đến năm 2020 hoàn thành tiếp công suất 150.000 m3 còn lại” - ông Dục cho hay.

Theo ông Dục, hiện tại Hà Nội mới có một nhà máy nước mặt sông Đà, cung cấp nước sạch cho các quận, huyện khu vực phía tây của Hà Nội. “Nhà máy nước mặt sông Hồng là hướng thứ hai cung cấp nước sạch cho các khu vực trung tâm của thành phố” - ông Dục cho biết.

Tuy nhiên, để cung cấp nguồn nước mặt sông Hồng từ nhà máy về các quận trung tâm của Hà Nội, theo bà Trần Thị Thu Hiền - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng, công ty sẽ phải đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn với chiều dài hơn 28km từ nhà máy về trung tâm thành phố.

Trả lời câu hỏi báo chí quan tâm về đầu tư chất liệu đường ống truyền dẫn ra sao để tình trạng vỡ ống nước liên tục như đường ống nước sạch sông Đà, ông Lê Văn Dục trấn an: “Rút kinh nghiệm từ đường ống nước sông Đà, dự kiến sẽ lựa chọn chất liệu đường ống bằng gang dẻo. Đây là loại đường ống rất bền”.

Ông Dục cũng cho biết với dự án nước mặt sông Hồng, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc xem xét phê duyệt từ thiết kế kỹ thuật đến giám sát chặt chẽ trong thi công.

“Nguồn nước sau xử lý cũng phải đảm bảo theo đúng chuẩn của Bộ Y tế. Sau khi nhà máy hoàn thành, tình trạng thiếu nước sạch đầu mùa hè, mất nước cục bộ khi có sự cố đường ống nước cũng sẽ được khắc phục. Về tiếp nhận nguồn nước, thành phố sẽ mua nước của nhà đầu tư sau đồng hồ tổng và cung cấp cho các khu vực trên địa bàn thành phố” - ông Dục nói.

Xuân Long

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Tranh cãi đề xuất tăng thuế nhập ôtô tải (27/10/2015)

>   Dự án FDI bỏ hoang: Chiêu trò 'tay không bắt giặc' (27/10/2015)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tăng 8.8% (27/10/2015)

>   Hơn 13,800 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong tháng 10 (27/10/2015)

>   VietJet, Vietnam Airlines hết mơ mua toàn bộ sân bay (27/10/2015)

>   Mặt trái của việc TQ tăng đầu tư vào Việt Nam (27/10/2015)

>   2.000 tỷ đồng thu ngân sách đang “treo” tại VietsovPetro (27/10/2015)

>   Cho thi công lại thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (26/10/2015)

>   Vingroup mua lại hệ thống Maximark (26/10/2015)

>   Để giảm giá sữa - có thể nhập khẩu song song? (26/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật