Dự án FDI bỏ hoang: Chiêu trò 'tay không bắt giặc'
Không ít nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với ý định “tay không bắt giặc”, vào để tìm cách huy động được vốn của nhà đầu tư Việt Nam.
Đây là một trong những lý do khiến hàng loạt dự án FDI tỉ đô phải bỏ hoang như vừa qua.
Tiền trong túi người ta đâu dễ lấy
Nói rõ nguyên nhân trước hiện tượng hàng loạt các dự án FDI tỉ đô bỏ hoang khiến dư luận bức xúc, PGS.TS Phương Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM cho rằng nguyên nhân không chủ yếu nằm ở môi trường đầu tư của Việt Nam.
Nhiều dự án dù đã được cấp phép nhưng nhiều năm vẫn chỉ để thả bò, chăn trâu - Ảnh minh họa
|
Mà theo ông, đa số do chủ đầu tư không có năng lực tài chính; công tác thẩm định dự án quá dễ dàng. Không thể phủ nhận lỗi là do tư duy thích thành tích, cứ tưởng có tiền sẽ có tăng trưởng nhưng lại không lường hết được lấy tiền của người nước ngoài không dễ dàng như thế.
Trong khi đó, các chủ đầu tư nước ngoài lại nắm khá rõ văn hóa, pháp luật và tâm lý các nhà quản lý VN. Chính vì thế mới có câu chuyện dự án dễ thông qua, vốn càng lớn càng cấp phép sớm. Cơ quan cấp phép không quan tâm đến năng lực thực sự của nhà đầu tư, dẫn đến những dự án đăng ký hàng tỷ USD, “ôm” hàng chục hec-ta đất rồi để đấy.
Không ít nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với ý định “tay không bắt giặc”, vào để tìm cách huy động được vốn của nhà đầu tư Việt Nam. Cũng có tình trạng không tránh khỏi là nhà đầu tư muốn triển khai dự án nhưng do khủng hoảng kinh tế rút dự án song lý do này không phải là phổ biến.
PGS.TS Phương Ngọc Thạch cho biết, trong thời gian qua thu hút đầu tư nước ngoài ở VN không ít dự án ảo. Nhiều dự án FDI dù đã triển khai từ lâu vẫn tiếp tục giữ đất để chờ thời cơ, trong khi người dân không có đất để sản xuất, canh tác thì rất nhiều khu đã được bán, phân lô để cỏ mọc hoang, trâu bò thả rông.
Đáng buồn, trong khi cùng triển khai chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thì các nước trong khu vực như Trung quốc, Singapore, Malaysia … lại rất thành công, còn VN gần như đã thất bại.
Tại Malaysia, chính phủ nước này khuyến khích thu hút FDI vào những ngành sử dụng công nghệ cao, ít phát thải bằng việc phân loại rất rõ những ngành ưu đãi đầu tư.
Còn TQ, là quốc gia được đánh giá có phương thức "lợi dụng vốn ngoại" một cách hiệu quả, thành công nhất. Những năm gần đây TQ đã trở thành nước thu hút FDI nhiều nhất Châu Á, mô hình phát thu hút đầu tư FDI của TQ là cùng góp vốn với công ty nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp FDI nghiên cứu và thực nghiệm tại TQ.
Trở lại vấn đề của VN, rất nhiều đánh giá, tổng kết đã cho thấy việc thất bại trong các mục tiêu khi ưu đãi thu hút vốn FDI tại VN là thực tế. Cứ nhìn vào ngành công nghiệp phụ trợ trong nước là biết. Tới giờ có thể khẳng định, công nghiệp phụ trợ không phát triển, như vậy chuyển giao công nghệ rất kém.
Chưa nói tới những vẫn đề phức tạp trong quản lý như chuyển giá, trốn thuế, nhận nhiều ưu đãi nhưng lại đóng thuế tiền lẻ... có quá nhiều bất cập trong công tác quản lý dòng vốn này.
Trong khi đó, khi thu hút đầu tư FDI các địa phương phải xây dựng đường xá, cầu, cảng... để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Như vậy, vốn ngân sách cũng phải chi không ít.
VN phải dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế "Các nhà đầu tư FDI đến một quốc gia nào đó cuối cùng cũng chỉ dựa vào cái lợi". Trong bối cảnh, nợ công VN tăng nhanh, thu không đủ bù chi, nếu tiếp tục ưu đãi đầu tư nước ngoái quá mức, trong khi không chú ý đến phát triển kinh tế tư nhân trong nước. .
Kinh tế của một quốc gia phát triển bền vững phải dựa vào nội lực chứ không thể dựa vào ngoại lực để tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nền kinh tế Việt Nam phải được dẫn dắt bởi những doanh nghiệp Việt Nam mới đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài.
đất việt
|