Để giảm giá sữa - có thể nhập khẩu song song?
Trước việc giá nguyên liệu sữa thế giới giảm liên tục nhưng giá sữa trong nước lại đứng yên, nhiều ý kiến cho rằng nên tiến hành nhập khẩu song song sản phẩm sữa bột như đã từng áp dụng với tân dược để chống độc quyền giá. Liệu giải pháp này có khả thi?
Các giải pháp quản lý giá sữa áp dụng trong thời gian vừa qua hầu hết mang tính đối phó tình thế và không có tác dụng như mong muốn. Ảnh: MINH TÂM
|
Luật cho phép
Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, trong bài viết “Pháp luật về hết quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu song song ở một số nước thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á”, đã phân tích: nhập khẩu song song là việc nhập khẩu những hàng hóa chính hiệu đã được chính chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hoặc chủ thể khác đưa ra thị trường nước ngoài với sự đồng ý của chủ sở hữu. Việc kinh doanh này diễn ra song song với các kênh phân phối được ủy quyền. Phương thức nhập khẩu song song được áp dụng nhằm chuyển hàng hóa từ nước có giá bán thấp đến nước có giá bán cao.
Cũng theo bà Quỳnh, nhập khẩu song song có được thừa nhận hay không phụ thuộc vào cơ chế “hết quyền” mà nước nhập khẩu áp dụng. Tại Việt Nam, Luật SHTT năm 2005 (điều 125.2.b) quy định: chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn đại lý không có quyền cấm người khác... lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường khác một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sỡ hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài”.
Khoản 2, điều 21, Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật SHTT 2005 định nghĩa sản phẩm được đưa ra thị trường một cách hợp pháp là “sản phẩm do chính chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài”.
Kinh nghiệm của nhiều nước khi áp dụng biện pháp quản lý giá sữa là “lấy” người làm trong lĩnh vực kinh doanh sữa, am hiểu thị trường sang làm nhiệm vụ điều tra giá, có cơ chế để đảm bảo người thực thi minh bạch...
|
Như vậy, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không thể ngăn chặn chủ thể khác lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm đã được đưa ra thị trường bất kỳ nơi nào trên thế giới nhưng lại có quyền ngăn chặn với những sản phẩm mà họ không đồng ý đưa ra thị trường. Những quy định này là cơ sở pháp lý để Việt Nam thực hiện nhập khẩu song song thuốc phòng và chữa bệnh cho người vào năm 2004 nhằm ổn định thị trường, giảm tình trạng “sốt” thuốc trên thị trường nội địa và ngăn chặn tình trạng lạm dụng vị trí được quyền của một số hãng dược nước ngoài.
Nhưng không khả thi
Về lý thuyết, có thể áp dụng phương thức nhập khẩu song song ở mặt hàng sữa. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có thể nhập khẩu sữa Abbott từ một thị trường có giá bán thấp hơn sữa từ Singapore vốn đang được Công ty Abbott Việt Nam nhập khẩu để bán tại thị trường với giá thấp hơn giá Abbott Việt Nam định giá.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, điều này sẽ không khả thi. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long giải thích, lý do đơn giản nhất là vì ngành sữa Việt Nam không có những doanh nghiệp nhà nước để làm nhiệm vụ nhập khẩu song song.
Quan điểm này cũng được chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến chia sẻ. Ông Chiến cho rằng, có hàng loạt vấn đề được đặt ra khi áp dụng phương thức nhập khẩu song song mà nhìn từ thị trường, ông chưa thấy có lời giải. Đó là, ai sẽ là người nhập khẩu song song, cơ chế quản lý sẽ như thế nào để có thể hài hòa lợi ích giữa nhiệm vụ bình ổn và lợi nhuận, nguồn vốn để nhập khẩu, thời gian thực hiện...
Cũng theo các chuyên gia, điều quan trọng còn phải tính đến là các nhà sản xuất, vốn là các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực tài chính sẽ có rất nhiều cách để làm khó dễ với nhà nhập khẩu song song, từ khối lượng hàng bán ra từ đầu nguồn đến chuyện có thể hạ giá trong một khoảng thời gian tại thị trường Việt Nam để hạ gục đối thủ...
Trao đổi với TBKTSG, đại diện một số doanh nghiệp sữa khẳng định, nhập khẩu song song không thể áp dụng với mặt hàng sữa. Đơn giản là với mỗi thị trường, nhà sản xuất áp dụng những công thức pha chế riêng biệt với liều lượng các thành phần khác nhau (trên cơ sở nghiên cứu lâm sàng) để phù hợp với thể trạng của người dùng. Sản phẩm bán ở một nước Bắc Mỹ thì hoàn toàn khác với sản phẩm dành cho khách hàng châu Á. Chưa hết, việc so sánh giá là rất... vô chừng bởi vì có trường hợp, sản phẩm đang được bày bán ở một nước gần với Việt Nam có giá rẻ hơn ở Việt Nam nhưng đó lại là sản phẩm thế hệ cũ, chưa cải tiến, đóng gói bằng hộp giấy nên hoàn toàn khác biệt về chất lượng với sản phẩm đã cải tiến về thành phần và bao bì.
Đại diện các doanh nghiệp sữa cũng cho rằng, sẽ là rất thiệt thòi cho họ khi cho nhập khẩu song song. Bởi lẽ, họ đã bỏ rất nhiều chi phí để thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá cho sản phẩm, hỗ trợ nhà phân phối chính thức nhưng lại có “người khác hưởng lợi”. Thêm vào đó, khi xảy ra sự cố từ sản phẩm, người tiêu dùng thường đẩy trách nhiệm cho nhà phân phối chính thức mà không quan tâm mình đã mua hàng từ nguồn nào.
Làm lại từ đầu
Chuyên gia Ngô Trí Long bình luận, nghịch lý giá sữa ở Việt Nam là do cơ quan quản lý không đủ năng lực để tính toán giá thực của các sản phẩm sữa. Vì không biết nên khi doanh nghiệp đưa ra giá (thường là cao), cơ quan quản lý làm động tác áp giá trần với mức thấp hơn và thỏa mãn với điều đó.
“Tất nhiên, các chứng từ (doanh nghiệp đưa ra) này đều có vẻ hợp lý, thống nhất. Nhưng ai cũng biết doanh nghiệp có hai bộ chứng từ, một để lưu hành nội bộ và một để báo cáo cơ quan chức năng. Vì không có kiến thức thực tế từ hoạt động sản xuất kinh doanh nên rất dễ bị thuyết phục bởi những chứng từ này”, ông Long nói.
Theo ông Long, kinh nghiệm của nhiều nước khi áp dụng biện pháp quản lý giá sữa là “lấy” người làm trong lĩnh vực kinh doanh sữa, am hiểu thị trường sang làm nhiệm vụ điều tra giá, có cơ chế để đảm bảo người thực thi minh bạch...
Chuyên gia Lý Trường Chiến nhận định các giải pháp quản lý giá sữa áp dụng trong thời gian vừa qua hầu hết mang tính đối phó tình thế và không có tác dụng như mong muốn. Nguyên nhân là do cơ quan quản lý thiếu sự hiểu biết sâu sắc về ngành nghề, quy mô, thị trường nên chính sách chưa đồng bộ và sắc sảo. Mặt khác cũng thiếu sự nghiêm túc, công bằng và kiên trì trong thi hành.
Ông Chiến nói để giải quyết vấn đề của thị trường sữa một cách có hệ thống và lâu dài hơn thì phải để nền kinh tế trở thành nền kinh tế thị trường thực sự. Lúc đó, các tín hiệu của thị trường sẽ tự cân đối, tự điều chỉnh những điểm bất hợp lý.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, với thị trường sữa Việt Nam, các chính sách quản lý đã được áp dụng đến mức cao nhất, đó là áp giá trần (dù chính sách này rất khiên cưỡng). Tuy nhiên, người thực thi không làm tròn vai nên hiệu quả không đạt được như mục tiêu. Vì vậy, theo ông Long, dù quản lý bằng cách nào thì đều phải quay về điểm cốt lõi là năng lực và đạo đức của người thực thi. Nếu không thay đổi được điểm cốt lõi này thì người tiêu dùng Việt Nam còn phải chịu cảnh giá sữa chỉ tăng mà ít giảm dài dài. Bên cạnh đó, cần phát triển ngành công nghiệp sữa trong nước cũng như cung cấp thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn...
tbktsg
|