Thứ Bảy, 24/10/2015 22:51

Lập báo cáo khả thi giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành: Không có lựa chọn hoàn hảo

TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa trình Bộ GTVT hai phương án lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành. DĐDN đã nhận được bài viết của TS Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP HCM (Hascon) xung quanh vấn đề này.

Phương án 1:

Sẽ hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 1 với chi phí khoảng 35,1 triệu đô la Mỹ được huy động từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ACV với thời gian thực hiện khoảng 18 tháng.

Thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam (VN) có mục tiêu là hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 1 Dự án nhằm thực hiện nghiên cứu khả thi đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài trợ quốc tế và theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/HQ13, Nghị định 59/2015/NĐ-CP. Phạm vi nghiên cứu gồm 2 phần, trong đó phần 1 là thu thập dữ liệu, khảo sát hiện trường bổ sung; Lập dự báo giao thông hàng không đến năm 2020… Phần 2 là phân chia nhóm hạng mục công việc và lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Phương án 2:

Chỉ dừng ở bước thiết kế khái niệm. Phương án này chỉ áp dụng trong trường hợp vay vốn ODA theo yêu cầu của nhà tài trợ. Dự kiến chi phí cho phương án 2 khoảng 6,9 triệu đô la Mỹ sẽ do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với thời gian thực hiện 15 tháng.

Nghiên cứu trên cơ sở như phương án 1, nhưng chỉ dừng ở bước thiết kế khái niệm và sử dụng trong trường hợp vay vốn ODA vì chỉ đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ quốc tế, nhưng chưa đầy đủ theo quy định của luật pháp VN. Ước tính chi phí khoảng 6,9 triệu USD, dự kiến do JICA tài trợ với thời gian thực hiện 15 tháng. Do quy mô dự án rất lớn và phức tạp, nếu thực hiện theo quy trình thông thường có thể mất tới 10 năm để hoàn thành dự án.

Về mặt chi phí và thời gian thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi mà ACV đưa ra là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, tôi có một số lưu ý sau: Một là, không thể cho rằng đó là “hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi” bởi “tiền khả thi” là điều đã hoàn thành trước khi Chính phủ trình Quốc hội và Quốc hội thông qua. Hai là, báo cáo là việc của nhà tư vấn, chứ không phải việc của chủ đầu tư. Hơn nữa, đơn vị làm báo cáo nghiên cứu bao giờ cũng phải có phần thu thập dữ liệu, nếu không có dữ liệu thì không thể chính xác. Ba là, khảo sát hiện trường là công tác quan trọng và tốn kinh phí nhất nên không thể phân tích như ACV là “khảo sát hiện trường bổ sung”.

Những việc như “xem xét lại nhu cầu giao thông hàng không; Lập dự báo nhu cầu giao thông đến năm 2020… nghiên cứu quy mô dự án và phân kỳ đầu tư; Nghiên cứu về tài chính và đánh giá khả năng hoàn vốn” là của phương án tiền khả thi. Điều này không thể liệt kê ra trong phương án 1.

Hơn nữa, tổng số tiền làm báo cáo khả thi khoảng 35 triệu USD và trong khoảng thời gian 18 tháng là hoàn toàn phù hợp, nhưng ACV là chủ đầu tư thì ACV chi phí toàn bộ tiền tư vấn. Vấn đề là ACV chỉ có 97 triệu USD, trong khi đó, riêng chi phí làm báo cáo nghiên cứu khả thi đã hết 35 triệu USD, còn những công việc tiếp theo như thiết kế kỹ thuật có chi phí gấp 3- 4 lần báo cáo nghiên cứu khả thi.

Việc Lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành cần phải được tiến hành nghiêm túc hơn.

Về phương án 2, tôi không hiểu cụm từ “thiết kế khái niệm”. Bản thân tôi từng làm tư vấn đầu tư cho hàng trăm dự án lớn, nhỏ cũng chưa từng gặp khái niệm này.

Do vậy, nếu muốn vay vốn ODA mà ACV lại trình phương án có cụm từ “thiết kế khái niệm”, chắc chắn sẽ không có nước nào dám cho vay. Hơn nữa, chính vì không hiểu được “thiết kế khái niệm” nên không thể đánh giá được phương án 2 sẽ tốn chi phí và thời gian là bao nhiêu. ACV “ước tính chi phí khoảng 6,9 triệu USD, do JICA tài trợ với thời gian thực hiện 15 tháng” – cũng chỉ là phỏng đoán.

Bên cạnh đó, cũng không nên đưa ra cụm từ “có thể mất tới 10 năm để hoàn thành dự án”. Bởi vì, sau khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi xong, chủ đầu tư còn rất nhiều việc… Điều quyết định tới tiến độ dự án chính là vấn đề vốn. Đơn cử như Quy hoạch chống ngập của JICA tại TP HCM với tổng số tiền đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong vòng 10 năm. Trong khi từ năm 2.000 tới nay, TP HCM mới thu xếp được hơn 1 tỷ USD nên không thể hoàn thành Quy hoạch của JICA.

Ngoài ra có vấn đề sai luật trong phương án 2, “phía ACV kiến nghị Bộ GTVT cho phép tổ chức thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu song song với việc lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi”. Theo đúng trình tự, sau khi báo cáo khả thi được Quốc hội thông qua, mới có thể triển khai thiết kế kỹ thuật, thiết kế kiến trúc. Trong khi chưa có báo cáo khả thi, Quốc hội chưa thông qua, chưa có thiết kế kỹ thuật mà ACV đã kiến nghị thi thiết kế kiến trúc là không thể hiểu nổi. Hơn nữa, muốn thiết kế kiến trúc trước hết phải có thiết kế kỹ thuật. Thế mà ACV lại định “tổ chức thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu song song với việc lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi”!

Vì vậy, dưới góc độ là một chuyên gia tư vấn đầu tư, theo tôi, việc Lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần phải được tiến hành một cách nghiêm túc hơn.

Thủ tục và trình tự các bước xây dựng công trình lớn

  1. Thiết lập “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng công trình”
  2. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư
  3. Thiết lập quy hoạch xây dựng chi tiết
  4. Thiết lập “Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình”
  5. Thiết lập “Báo cáo đánh giá tác động môi trường”
  6. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư chung hoặc cụ thể
  7. Thiết kế kỹ thuật và Lập Tổng Dự toán
  8. Thu hồi đất, đền bù và hỗ trợ di dân
  9. Các bước chuẩn bị khởi công công trình: Huy động vốn đầu tư cho thi công giai đoạn đầu tiên; Tiếp tục làm các thủ tục pháp luật khác để khởi công xây dựng công trình.

TS Nguyễn Bách Phúc

dđdn

Các tin tức khác

>   Khai thác khoáng sản đang đẩy người dân vào bước đường cùng (24/10/2015)

>   Bộ KH&ĐT phải "vẽ ra thật rõ đường đi cải cách" (23/10/2015)

>   Các nhà mạng thừa nhận làm 3G chưa thành công (23/10/2015)

>   Lãnh đạo DNNN từ chức khi không còn đủ uy tín (23/10/2015)

>   Nguy cơ thành “công xưởng” chế biến: Nông dân Việt vẫn chẳng có lợi gì! (23/10/2015)

>   Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 257 tỉ USD (23/10/2015)

>   Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản (23/10/2015)

>   Sẽ kiểm tra hàng trăm doanh nghiệp bán đấu giá (23/10/2015)

>   “Doanh nghiệp của ta chủ yếu là buôn bán nhà hàng khách sạn” (23/10/2015)

>   TP.HCM kiến nghị vay 9.658 tỷ đồng chống ngập (23/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật