Các nhà mạng thừa nhận làm 3G chưa thành công
Rút kinh nghiệm từ 3G, các nhà mạng sẽ đổi mới cách tiếp cận khi triển khai 4G trong thời gian tới...
Thuê bao 3G của Viettel chỉ chiếm khoảng 30% trên tổng thuê bao di động của mạng này và ở mức thấp, vì so với khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ thuê bao 3G là 45%.
|
Lần đầu tiên các nhà mạng chính thức thừa nhận việc kinh doanh 3G đến thời điểm hiện tại là chưa thành công.
Tại buổi tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” do Câu lạc bộ nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức chiều 21/10/2015, ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Viettel đã thẳng thắn thưa nhận: 3G dù được đầu tư rất tốt nhưng việc kinh doanh 3G là chưa thành công, chưa đạt như kỳ vọng và điều này được thể hiện ở các con số.
Cụ thể, thuê bao 3G của Viettel chỉ chiếm khoảng 30% trên tổng thuê bao di động của mạng này và ở mức thấp, vì so với khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ thuê bao 3G là 45%. Thậm chí Thái Lan, chỉ trong 5 tháng, người dùng 2G chuyển lên 3G đạt tỷ lệ là 30%, bằng Viettel làm trong 5 năm.
Về tốc độ 3G đâu đó bị thấp, vị đại diện này lý giải, do môi trường phủ sóng ở Hà Nội phức tạp nhất, nhà bé ngõ hẹp, đi bộ vào còn vướng, lắp đặt trạm nhiều chỗ 4 – 5 năm không xin được. Dù vậy, theo ông, các nhà mạng đã nỗ lực làm tốt, đo bình quân ở ngoài đường cũng trên 90% mẫu đạt trên tốc độ trên 512 hoặc 1Mbps.
Theo giám đốc công nghệ tập đoàn này, lý do Viettel kinh doanh 3G chưa thành công là bởi chưa có cách tiếp cận đúng khi cung cấp dịch vụ 3G, chưa có sự đổi mới, vẫn đi theo tư duy kinh doanh dịch vụ voice (gọi) và vẫn với phương pháp của 2G.
Cho dù chưa thành công nhưng mới đây, một lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn cũng cho biết, “Viettel đã thu hồi vốn đầu tư cho 3G từ lâu, khoảng sau 4 năm kinh doanh dịch vụ này”, điều có có nghĩa là Viettel đã có lãi với công nghệ 3G. Và theo Viettel, lý do “để thu hồi vốn 3G là chưa đúng với Viettel” và cơ quan quản lý cần xem xét để tập đoàn sớm triển khai 4G.
Ông Hồ Chí Dũng cho biết, khi triển khai 4G, nhà mạng sẽ rút một số kinh nghiệm từ 3G, trong đó lớn nhất là cách tiếp cận khi kinh doanh dịch vụ data. Viettel sẽ tạo môi trường nền tảng (platform) để tạo ra nhiều ứng dụng mới, để người dùng cũng có thể tạo ra ứng dụng.
“Cùng với cách tiếp cận phù hợp, Viettel sẽ tập trung chính vào chuyện triển khai những dịch vụ data mang tính sáng tạo cao”, ông này nói.
Thứ nữa, là cách tiếp cận cảm giác của người dùng. Bởi, chỉ số đo đạc trên mạng lưới hệ thống vẫn tốt, tuy nhiên, khi chuyển sang kinh doanh data sẽ liên quan nhiều đến trải nghiệm người dùng, như mở một trang web thì 3 – 4 giây có mở được không, thì các kỹ sư lại chưa tiếp cận cách đó. Sang 4G nhà mạng sẽ đổi cách tiếp cận, không nói tỷ lệ rớt cuộc gọi nữa, mà là dùng video phải mượt mà, phải nhanh…
Chia sẻ quan điểm chưa mấy thành công của Viettel trong triển khai 3G, nhưng ông Nguyễn Đăng Long, Phó tổng giám đốc VNPT-NET cũng cho rằng “3G vẫn đang chạy tốt”. Tuy nhiên, nhà mạng cần có hệ thống quản trị trải nghiệm của người sử dụng vì chỉ số này rất quan trọng. Vì chỉ số KPI (chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc) của mạng rất tốt nhưng chỉ số KPI của khách hàng lại chưa tốt. VNPT cũng cho biết đã nhận tới khoảng 20.000 kiến nghị của khách hàng về vùng phủ sóng.
VNPT đã đầu tư mạng 3G phủ sóng tới 90% lãnh thổ Việt Nam, song vẫn vướng mắc về đầu tư cơ sở hạ tầng, đã mua thiết bị nhưng khó xây nhà trạm. Các nhà mạng đều khó khăn trong việc xin phép xây dựng trạm thu phát sóng, lãnh đạo VNPT cho biết.
“Trong một chừng mực nào đấy, khi vào một tòa nhà, xuống tầng hầm bị mất sóng, không nhà mạng nào có thể đầu tư thiết bị để phủ sóng mọi nơi”, ông nói.
Thủy Diệu
vneconomy
|