Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới?
Được đánh giá là có tiềm năng trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015, song Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt trận tổ quốcViệt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
|
Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015" do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.
Thế mạnh từ giá nhân công và làn sóng dịch chuyển đầu tư
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp có vốn nước ngoài (FDI) đóng góp vào tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng trong khu vực chủ yếu từ lợi thế so sánh giá nhân công hợp lý. Trong bối cảnh như vậy, FDI có xu hướng tập trung vào một số ngành chế tác thu hút nhiều lao động đồng thời để tránh các rào cản về thuế quan như ôtô, dệt may-da giày, thép và điện tử.
Trong số đó, phải kể đến các tập đoàn lớn Toyota, Honda của Nhật Bản, Ford của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đang sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào như các dự án thép lớn, hệ thống thủy điện, hệ thống nhiệt điện, hệ thống điện gió.
Đồng tình với nhận định trên, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới vì trong 10 năm tới, sẽ có 90 tỷ USD, gần bằng 50% GDP đổ vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Lĩnh vực này cũng chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
“Cách đây 10 năm, xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng hóa thông thường, còn hiện nay rất đa dạng. Thậm chí, một số mặt hàng có giá trị cao như điện thoại di động, đồ điện tử. Tuy nhiên, tỷ trọng này còn nhỏ hơn nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia,” bà Victoria Kwakwa chia sẻ.
Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh thêm, Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào, lương và chi phí thấp. Việt Nam cũng đang cởi mở thương mại, hội nhập, ký nhiều hiệp định song phương và đa phương... và là quốc giá có tiềm năng thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên.
Phát biểu tại hội thảo, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng, sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng như GDP tăng 30 lần, xuất khẩu cũng tăng 30 lần giúp Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình.
Ông Nhân cho rằng, Việt Nam cần phải làm rõ có tiền đề gì, nhu cầu chuyển dịch trung tâm thế giới thế nào và Việt Nam có điều kiện để tiếp nhận cơ hội hay không vì Việt Nam đang có lợi thế chi phí lao động thấp.
Và một trong những xu hướng chuyển dịch của các trung tâm chế biến, chế tạo là từ nơi có chi phí lao động cao sang nơi có chi phí lao động thấp. "Nhưng liệu Việt Nam sẽ có lợi thế chi phí lao động thấp trong bao lâu nữa?" - giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi.
Thống kê cho thấy, 63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng chế biến, 56% là đầu tư nước ngoài và đến nay là về chế biến, chế tạo. Theo ông Nhân, đó là những tín hiệu thuận lợi.
Do vậy, Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam cũng như sự phát triển của ngành chế biến, chế tạo phải dựa vào sự phát triển công nghệ và tay nghề lao động cao, sau đó là sự tăng trưởng của xuất khẩu, du lịch...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Chưa có tập đoàn đủ mạnh để dẫn dắt
Bên cạnh những lợi thế trên, các đại biểu cũng cho biết ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam còn nhiều điểm yếu.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, các ngành công nghiệp linh kiện, phụ tùng và vật liệu chưa có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đóng vai trò nhà cung ứng phụ cho các nhà cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất.
Đặc biệt, theo ông Hưng, Việt Nam chưa có tập đoàn chế tạo đủ sức dẫn dắt ngành công nghiệp chế tạo trong nước. Các sản phẩm công nghiệp chế tạo mang thương hiệu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực rất ít.
Bên cạnh đó, các diễn giả khác nêu vấn đề Việt Nam đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần phải tính toán kỹ lưỡng. Chẳng hạn như đón nhận công nghệ thấp (bãi thải công nghệ), thành nước chỉ ra công thuần túy mà không tiếp thu được công nghệ tiên tiến, thiếu nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao…
Sẵn sàng đáp ứng vốn tín dụng cho ngành công nghiệp
Tại hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành ngân hàng trong những năm qua đã luôn song hành và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xứng đáng với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế. Cho đến nay, vốn tín dụng ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu vốn từ thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ngày càng tăng của đất nước.
Thống đốc cho biết, sau hội thảo, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức xây dựng bản tổng hợp kiến nghị của hội thảo với mong muốn có những đóng góp thiết thực vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ duy trì chính sách tín dụng ưu đãi đối với các doanh nghiệp được Chính phủ ưu tiên phát triển như các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển được xem xét ưu đãi về lãi vay, tài sản đảm bảo và tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức tài chính quốc tế.
Đối với các doanh nghiệp FDI sẽ từng bước nới lỏng có kiểm soát các quy định về chuyển vốn, mua ngoại tệ chuyển về nước, tỷ lệ vốn góp. Đối với luồng vốn gián tiếp, duy trì sự kiểm soát của nhà nước đối với thị trường tài chính. Thực hiên những hạn chế cần thiết về tỷ lệ sở hữu của đối tác nước ngoài, những ràng buộc về hình thức đầu tư, nhân sự điều hành và sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn và hiệu quả sử dụng vốn vay từ các chương trình, dự án của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Tăng cường khai thác hỗ trợ các tổ chức tài chính quốc tế, các đối tác song phương và đa phương để thu hút nguồn lực tài chính góp phần hỗ trợ phát triển trung tâm chế tạo của thế giới tại Việt Nam.
Thúy Hà
vietnam+
|