Đón tàu khủng, cơ hội lớn cho Cái Mép - Thị Vải
Cảng Cái Mép - Thị Vải đang có nhiều hy vọng trở thành cảng trung chuyển đối với loại tàu biển cực lớn tới 160.000 DWT trọng tải.
Cảng Cái Mép - Thị Vải
|
Ngày mai (21/10), con tàu CSCL Star trọng tải đến 160.000 DWT, sức chở 14.000 TEU của hãng tàu China Shipping Container Lines - một thành viên của liên minh Ocean 3, được cấp phép Bộ GTVT, sẽ cập cảng Cái Mép, trên hành trình từ Đông Á đi bờ Đông nước Mỹ.
Theo Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Đình Việt, đây là tàu container ship, đang treo cờ Hồng Kông, được đóng năm 2011. Theo thông tin từ Bộ GTVT, ngoài tàu CSCL Star trọng tải 160.000 DWT vào Cái Mép - Thị Vải, tháng 11 tới sẽ có hai tàu nữa có trọng tải tương tự của nhóm Ocean 3 vào Cái Mép - Thị Vải, trung chuyển hàng đi Bắc Âu và Trung Đông.
"Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch để sản lượng khai thác của cảng Cái Mép - Thị Vải năm 2015 tăng từ 23-25% so với con số trên 1 triệu TEU của năm 2014. Ngoài hàng hóa trong nước, việc các hãng vận tải quốc tế lớn vào gom hàng của các nước xung quanh như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Hồng Kông… chuyển tải qua cảng đi châu Âu và Bắc Mỹ là tín hiệu rất tích cực”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công
|
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, Cái Mép - Thị Vải chỉ hy vọng hút những tàu cực lớn vào. Hiện trong khu vực có ba cảng, trong đó, có Cái Mép - Thị Vải là đón được tàu đến 160.000 DWT. Đây là cơ hội lớn, cần phải nắm lấy để phát triển.
Ông Michael Them Rasmussen, Tổng giám đốc Công ty Vận tải biển CMA CGM tại Việt Nam cho biết, đây là kết quả trực tiếp từ những chính sách tích cực của phía Việt Nam. Cuối năm 2014, đại diện CMA CGM có các buổi làm việc với Bộ GTVT để giải quyết vấn đề đưa được tàu mẹ vào Cái Mép. Việt Nam có nhiều cảng nước sâu, vị trí địa lý rất đẹp, song chưa khai thác hết, tàu lớn của nước ngoài chưa ghé vào. Có hai lý do là khối lượng hàng chưa đủ lớn để các hãng đưa tàu mẹ vào và chi phí quá cao. Đơn cử vào cảng Trung Quốc, tàu có thể lấy được tới 3.000 container/lần/cảng, do đó chi phí, tính trung bình cho mỗi container có tính cạnh tranh cao. Trong khi vào Cái Mép - Thị Vải, nhiều cũng chỉ lấy được 400 container/lần. Tàu to, phí vào cảng lại tính cho cả con tàu, do đó tính trên mỗi container là rất cao so với nơi khác.
Tháo gỡ vấn đề này, Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương thu ở một mức phí phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ hàng và chủ cảng. Đồng thời, chấp nhận đề nghị của CMA CGM về việc đưa hàng từ các cảng Hải Phòng, Quy Nhơn xuất đi Bắc Mỹ, Canada tập trung về Cái Mép - Thị Vải và cho phép CMA CGM được vận chuyển nội địa để gom hàng cho Cái Mép - Thị Vải.
“Những nội dung thỏa thuận trên của Bộ GTVT với hãng tàu là rất quan trọng, đã thuyết phục được công ty mẹ CMA CGM chấp thuận gom hàng từ các cảng tại Campuchia, Thái Lan, Philippines về Cái Mép - Thị Vải và bắt đầu từ quý II vừa qua đưa tàu vào Cái Mép - Thị Vải để chở hàng đi Bắc Mỹ và Canada. Tổng khối lượng hàng có thể đạt 1.500 container là mức có thể chấp nhận được”, ông Michael Them Rasmussen nói.
Phương Anh
giao thông
|