Thứ Bảy, 12/09/2015 09:31

Tròng trành xuất khẩu thủy sản

Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, tìm mọi cách kéo giảm giá thành sản xuất hay tạo thêm điều kiện thuận lợi cho DN XK thủy sản sang Trung Quốc… là kiến nghị của hầu hết DN trong ngành thủy sản nhằm từng bước gỡ khó khi XK mặt hàng này đã và đang trong đà liên tiếp sụt giảm.

Dự kiến, khó khăn trong XK thủy sản sẽ còn kéo dài tới tận năm 2017. Ảnh: ST.

“Trượt dốc”

Tính từ đầu năm đến nay, XK thủy sản đều sụt giảm khá mạnh so với các tháng cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), XK thủy sản của cả nước 8 tháng đầu năm ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. XK của các sản phẩm chủ lực đều giảm, trong đó XK tôm giảm mạnh nhất tới 29%, tác động mạnh đến kết quả XK chung. Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn nên thời vụ xuống giống tôm thẻ chân trắng chậm 1,5-2 tháng so với năm trước. Đến nay, sản lượng tôm thẻ chân trắng đã giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến XK thủy sản sụt giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm.

Xét về mặt thị trường, 8 tháng đầu năm, Việt Nam XK thủy sản sang 154 thị trường. Trong đó đáng chú ý là XK sang 3 thị trường chủ lực Mỹ, EU và Nhật Bản đều giảm mạnh với các mức giảm lần lượt là 31%, 17% và 11%. Lý giải cặn kẽ hơn về các khía cạnh khiến XK thủy sản sụt giảm, tại cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh XK nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết: Thời gian qua, thuế chống bán phá giá (CBPG) đã ảnh hưởng mạnh đến XK cá tra. Theo kết quả chính thức mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố, thuế CBPG trong đợt rà soát lần thứ 10 (POR10) mà nước này áp với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam tăng gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá mạnh, đồng Euro và đồngYên mất giá làm giảm nhu cầu NK tại hai thị trường là EU và Nhật Bản, tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ.

Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT): Việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới XK thủy sản thời gian qua.  Bởi ngay sau động thái của Trung Quốc, nhiều quốc gia cũng ngay lập tức phá giá mạnh đồng tiền khiến cho thủy sản của Việt Nam XK trở nên đắt đỏ hơn.

Khó khăn còn dài

VASEP nhận định, mặt hàng thủy sản đang trong vòng xoáy về điều chỉnh mặt bằng giá xuống thấp (do cạnh tranh nguồn cung tăng, giá các nguồn cung lớn giảm thấp...). Một số chuyên gia dự báo, câu chuyện này không chỉ tiếp diễn trong 4 tháng cuối năm mà có thể sẽ tiếp tục kéo dài hết năm 2016, thậm chí đến năm 2017. Để giảm áp lực và tăng sức cạnh tranh của DN XK nông thủy sản, VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các DN sản xuất, XK ngành nông thủy sản xuống dưới mức trần 7% như hiện nay, đồng thời tăng hạn mức tín dụng và tăng thời gian cho vay.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết: Hiện nay, giá thành sản xuất các mặt hàng thủy sản Việt Nam ngày càng cao và cao hơn các nước đang XK cạnh tranh, trong khi tâm lý và cách tiếp cận của nhiều người dân và DN vẫn là giá bán đã cao và ngày càng cao hơn nữa. Điều này đã không còn phù hợp. Vì vậy, VASEP cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tập trung và có chương trình, giải pháp đồng bộ phối hợp cùng các bên liên quan cho việc giảm giá thành sản xuất.

Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, linh hoạt và điều chỉnh phù hợp về chính sách thuế, thủ tục hải quan, tỷ giá hối đoái; cập nhật và thông báo kịp thời cho DN về các quy định, chính sách của Trung Quốc, nhất là vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm XK… cũng là những vấn đề mà các DN hy vọng.

Liên quan đến vấn đề hội nhập, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đang rà soát và các FTA đang đàm phán, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm và tăng cường, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các Bộ: Tài chính và Công Thương trong quá trình chuẩn bị và đàm phán, rà soát nhằm đảm bảo tối đa hóa các thuận lợi và sự phù hợp đối với các sản phẩm thủy sản nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam.

Uyển Như

hải quan

Các tin tức khác

>   Vì sao cứ đụng vào giá điện là dân bức xúc? (12/09/2015)

>   Chìa khóa phát triển hạ tầng giao thông (12/09/2015)

>   Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại thị trường Lào (11/09/2015)

>   Formosa không được ‘đẻ’ luật riêng! (11/09/2015)

>   Bộ Tài chính tính toán cắt giảm 8 dòng thuế với ôtô từ năm 2016 (11/09/2015)

>   35 dự án giao thông trọng điểm cần hơn 724.000 tỷ đồng (11/09/2015)

>   Kinh tế hợp tác: Liên kết hay là chết? (11/09/2015)

>   Sự thật doanh nghiệp kêu lỗ vì tỷ giá (11/09/2015)

>   Thủ tướng sẽ dự lễ khởi công Dự án đầu tư lớn của VN tại Lào (11/09/2015)

>   Mua bán cây kim, sợi chỉ, que kem đều in hóa đơn điện tử? (11/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật