Thứ Bảy, 12/09/2015 09:21

Vì sao cứ đụng vào giá điện là dân bức xúc?

Câu chuyện lỗ - lãi của ngành điện vẫn luôn là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, xen lẫn cả sự hoài nghi. Vì sao giá điện được “nhà đèn” cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định đã công khai nhưng người tiêu dùng vẫn nhiều bức xúc? Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long (ảnh) xung quanh câu chuyện giá điện.

Thưa ông, mới đây, trong một cuộc họp của Bộ Công Thương, lãnh đạo của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nêu lên con số lỗ 1.200 tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá và kiến nghị được tính vào giá điện. Ý kiến của ông về đề xuất này?

Đối với khoản lỗ 1.200 tỷ đồng của TKV, nhiều người cứ nhầm rằng, khoản lỗ ấy sẽ được đưa hết vào giá điện nhưng không phải như vậy, bởi TKV không chỉ kinh doanh mỗi điện mà còn kinh doanh nhiều ngành nghề khác.

Trong Quyết định 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có 4 yếu tố ảnh hưởng đến giá điện gồm tỷ giá, giá nguyên nhiên vật liệu, sản lượng điện thực tế, giá giao dịch thực tế trên thị trường phát điện cạnh tranh. Đây là 4 yếu tố quyết định đến giá điện. Do vậy, với khoản lỗ của các tập đoàn, có thể sẽ trình Chính phủ nhưng trước khi trình Chính phủ, các cơ quan chức năng phải tính toán cụ thể xem tác động như thế nào. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị hạch toán có thể tính toán xem lỗ lãi thế nào. Mặt khác, trong 4 yếu tố nói trên, có thể tỷ giá biến động tăng nhưng các yếu tố khác không tăng thì giá điện cũng không tăng. Cho nên, việc có tính khoản lỗ ấy vào giá điện hay không còn phải đợi cơ quan chức năng (cụ thể là đơn vị tài chính của EVN) tính toán.

Với tác động của tỷ giá như vậy, có lẽ Bộ Công Thương cũng như các tập đoàn “cảnh báo” trước để cho mọi người biết rằng sau này có tăng giá điện thì đừng phản đối!

Theo quy định, nếu lỗ do tỷ giá thì DN được tính vào giá điện để bù lỗ. Quy định như vậy là hợp lý, thưa ông?

Tôi cho rằng, quy định như vậy là hợp lý bởi tỷ giá là yếu tố đầu vào của giá điện. Theo Quyết định 69, Thủ tướng cũng quyết định cứ 3 tháng tính toán xem yếu tố đầu vào có thể tăng, có thể giảm để điều chỉnh giá điện. Yếu tố tỷ giá quan trọng là do phải NK vật tư, thiết bị hay NK dầu cho các nhà máy điện. Cho đến nay, biên độ điều chỉnh tỷ giá 5% là tương đối lớn ảnh hưởng tới giá điện, tuy nhiên việc ảnh hưởng như thế nào thì chưa có thông tin cụ thể. Muốn xem tỷ giá có ảnh hưởng đến giá điện hay không phải có tính toán tổng thể trên cơ sở cơ quan chức năng như Tài chính, Kiểm toán vào cuộc.

Như ông đã nói, theo quy định cứ 3 tháng sẽ tính toán các yếu tố đầu vào để tính giá điện. Tuy nhiên, giá điện của Việt Nam luôn “tăng và tăng” mà không có giảm. Vì sao lại như vậy?

Giá điện chỉ có tăng mà không giảm là một thực tế. Nguyên nhân là do các yếu tố đầu vào đều tăng. Sự kiểm soát mặt hàng này cần phải chặt chẽ. Các nước trên thế giới khi kiểm soát mặt hàng này có đơn vị định giá độc lập chứ không như ở ta “vừa đá bóng vừa thổi còi” (Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu, kiêm cơ quan quản lý Nhà nước, người giám sát EVN) nên vấn đề giá điện vẫn gây nhiều bức xúc.

Thưa ông, bức xúc của người dân với ngành điện gần đây nhất là việc thực hiện biểu giá điện theo 6 bậc thang. Ông có thể phân tích rõ hơn sự bức xúc của người tiêu dùng?

Hiện nay, ngành điện là ngành độc quyền cho nên Nhà nước phải kiểm soát chi phí trên cơ sở quyết định giá bán theo mức giá bình quân. Trong bối cảnh hiện nay, do cung không đủ cầu nên Nhà nước không khuyến khích sử dụng nhiều điện và điện là nguồn năng lượng không tái tạo được nên phải hạn chế sử dụng bằng cách càng sử dụng nhiều giá càng cao, tham chiếu theo bậc thang lũy tiến để tạo sự hợp lý, thỏa đáng giữa DN và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc áp dụng biểu giá điện hiện nay là bất hợp lý, do đó chỉ trong vòng vài tháng áp dụng người dân kêu rất nhiều. Theo đó, từ 1-50kWh đầu tiên giá bằng 91% giá bình quân, từ 51-100 kWh bằng 97%, từ 101-200kWh trở đi giá điện cao hơn nhiều so với mức giá bình quân. Những bức xúc của người tiêu dùng xuất phát từ việc thiếu trách nhiệm trong đo đếm công tơ, công tơ điện sai... của ngành điện. Do vậy, ngành điện phải tính toán lại biểu giá điện cho phù hợp.

Có thể, biểu giá điện sẽ rút từ 6 bậc xuống 3 bậc nhưng nếu khoảng cách mỗi bậc quá xa và chênh lệch với giá bình quân quá lớn thì vẫn thiệt hại cho người tiêu dùng. Ví dụ, dưới 100 kWh giá 80% so với giá bình quân nhưng từ 101-300 kWh (bậc thang người dân hay sử dụng) nếu tính giá gấp 1,3 lần giá bình quân thì người tiêu dùng không được hưởng lợi. Chỉ khi hệ số từng bậc gần sát với giá bình quân thì người tiêu dùng mới được hưởng lợi, nếu hệ số các bậc xa giá bình quân thì chỉ “nhà đèn” hưởng lợi.

Bên cạnh đó, người dân vẫn rất “kêu” bởi giá điện có công khai nhưng chưa minh bạch. Mặc dù EVN đã công khai giá thành điện nhưng không có ai kiểm chứng. Cơ quan Kiểm toán vào vẫn phát hiện “lỗ hổng” như chi phí đầu tư ngoài ngành, năng suất lao động thấp, tổn thất điện năng cao… đổ vào đầu người dân gây nên bức xúc bởi giá điện là đầu vào của nhiều ngành sản xuất cũng như đời sống.

Người dân sẵn sàng chia sẻ với ngành điện nhưng ngành điện phải đảm bảo công khai, minh bạch, tính đúng tính đủ.

Việt Nam đã và đang triển khai thị trường phát điện cạnh tranh và tiến tới bán buôn điện cạnh tranh từ đầu năm 2016, tiếp theo là bán lẻ điện cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường phát điện cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn ở dạng “nửa vời”. Vậy chúng ta có thể thực hiện được lộ trình đã đặt ra?

Thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay chưa thật sự cạnh tranh bởi chỉ có một người mua với nhiều người bán (người bán là các DN sản xuất điện, còn người mua chỉ có EVN-PV). Tỷ lệ DN tham gia thị trường phát điện cạnh tranh thấp bởi chưa có sự bình đẳng trong đấu thầu. Để phát triển thị trường điện cạnh tranh cần phải tạo ra thị trường nhiều người mua và nhiều người bán, còn nếu vẫn chỉ là một người mua và nhiều người bán thì tạo ra độc quyền trong khâu mua.

Theo kế hoạch, chúng ta sẽ tiến tới thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Bản chất của nền kinh tế thị trường là càng cạnh tranh bao nhiêu thì càng hiệu quả và nền kinh tế có lợi. Trong bối cảnh ngành điện còn độc quyền thì lộ trình như vậy là hoàn toàn chính xác.

Thị trường điện có 3 khâu gồm phát điện, truyền dẫn và phân phối. Trong 3 khâu này, truyền dẫn không thể thực hiện cạnh tranh được bởi phải có đủ lực thì mới có thể làm được. Còn khâu phát điện và phân phối, Nhà nước đang tiến tới cạnh tranh với lộ trình từng bước nhưng làm sao các bước phải tiến hành nhanh và thực hiện có hiệu quả, hoàn chỉnh chứ không phải thực hiện kiểu “nửa vời” như thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Phan Thu

hải quan

Các tin tức khác

>   Chìa khóa phát triển hạ tầng giao thông (12/09/2015)

>   Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại thị trường Lào (11/09/2015)

>   Formosa không được ‘đẻ’ luật riêng! (11/09/2015)

>   Bộ Tài chính tính toán cắt giảm 8 dòng thuế với ôtô từ năm 2016 (11/09/2015)

>   35 dự án giao thông trọng điểm cần hơn 724.000 tỷ đồng (11/09/2015)

>   Kinh tế hợp tác: Liên kết hay là chết? (11/09/2015)

>   Sự thật doanh nghiệp kêu lỗ vì tỷ giá (11/09/2015)

>   Thủ tướng sẽ dự lễ khởi công Dự án đầu tư lớn của VN tại Lào (11/09/2015)

>   Mua bán cây kim, sợi chỉ, que kem đều in hóa đơn điện tử? (11/09/2015)

>   Biệt thự, nhà khách của EVN được tính vào giá điện  (10/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật