Kinh tế hợp tác: Liên kết hay là chết?
Kinh tế tập thể đã từng được xem là một trong những khu vực quan trọng của nền kinh tế, thế nhưng, qua khảo sát, khu vực kinh tế tập thể lại đang phát triển rất èo uột, chỉ đóng góp khoảng 5-6% GDP. Hợp tác xã (HTX) là mô hình điển hình của kinh tế tập thể, nhưng điều đáng nói là hiệu quả kinh tế yếu kém, số lượng HTX đang giảm dần.
Theo các chuyên gia kinh tế, khoảng 13 triệu hộ gia đình nông dân là hạt nhân của mô hình HTX nông nghiệp hiện nay về cơ bản là những hộ sản xuất nhỏ lẻ nhất thế giới.
Họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất và tìm kiếm thị trường do hạn chế về quỹ đất, sản xuất nhỏ lẻ, đầu vào sản xuất giá thành cao, thiếu vốn, thiếu đầu ra ổn định, đặc biệt là thiếu kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh, không những thế họ còn thiếu niềm tin vào việc cung cấp đầu vào để sản xuất… Chính sự khó khăn và thiếu gắn kết này là rào cản lớn nhất cần được giải quyết để phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận: chính vì chưa có sự liên kết chặt chẽ của các xã viên và bản thân HTX chưa bắt kịp với nhịp độ phát triển kinh tế thị trường nên nhiều HTX nông nghiệp vẫn phát triển yếu kém.
Điều này là nguyên nhân của tình trạng người nông dân được mùa mất giá xảy ra hàng năm với nhiều loại cây trồng khác nhau, người sản xuất khó vay vốn, sản lượng xuất khẩu nông sản tăng nhưng giá không tăng và nông dân là những người thu nhập thấp nhất.
Song, qua cuộc khảo sát về thực trạng hoạt động của mô hình HTX vừa được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho thấy, bên cạnh các HTX chưa thoát khỏi yếu kém và khó khăn, vẫn có những mô hình HTX kiểu mới thành công rất đáng ghi nhận, dù số lượng chưa nhiều.
GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân cho biết, điểm nổi bật của loại hình này là những người tham gia HTX theo cách tự nguyện, cùng nhau cam kết thống nhất thực hiện theo những tiêu chí rõ ràng, dám tự nhận trách nhiệm, họ không đẩy khó khăn cho Nhà nước.
“Đầu tiên là tính tự giác, tự nguyện, tiếp đến sản xuất phải đạt hiệu quả cao nên xã viên vừa là người tham gia sản xuất đồng thời vừa là người giám sát hoạt động của HTX”, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
HTX chăn nuôi Quý Hiền (Lào Cai) là một trong những điển hình như vậy. Tuy chưa đầy 2 năm tuổi, nhưng đã sớm cho thấy tính ưu việt của loại hình HTX trên vùng núi Lào Cai. Mới đầu chỉ 20 hộ, sau 3 năm, con số tăng lên 30 hộ, con số tuy chưa phải là nhiều nhưng hiệu quả thu nhập thì không thể phủ nhận. Hiện đơn xin vào HTX vẫn còn xếp hàng…
Có thể nói, HTX kiểu mới không thủ tiêu động lực của kinh tế hộ. Nông trại, gia trại vẫn có thể phát triển trong mô hình này. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bản chất của HTX không phải là sự phủ định, thay thế kinh tế hộ, mà làm cho việc sản xuất cá thể của các xã viên có sức cạnh tranh hơn, thu nhập xã viên cao hơn trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, thông qua việc HTX cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp, chất lượng cao cho các hộ xã viên, qua việc phối hợp kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các hộ và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các hộ.
GS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp không chỉ quan tâm đến phát triển lực lượng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển bền vững mà còn phải quan tâm đến việc củng cố và phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp mà nòng cốt là liên kết, tổ chức HTX trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thực tiễn chủ thể chủ yếu của quá trình này là hộ nông dân, thế nhưng bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 2 lao động, đất không quá 1 ha, 97% không được đào tạo có chuyên môn sâu về nghề nghiệp nên khả năng tiếp thu và sản xuất có thể đạt với năng suất cao, nhưng quan hệ với các đối tác khác, họ rất yếu thế.
“Nếu không được liên kết lại, 13 triệu hộ nông dân này là 13 triệu hộ yếu thế trong việc liên kết chuỗi. Bài học của các nước là nông dân phải tự liên kết lại hình thành tổ chức kinh tế lớn hơn ví dụ như HTX. Liên kết 100 hộ, 200 hộ thì sức mạnh kinh tế sẽ tăng 100 lần, 200 lần, lúc đó họ có điều kiện đàm phán mua đầu vào chất lượng cao với giá thành thấp hơn. Không những thế họ còn đàm phán được giá cả đầu ra của sản phẩm”, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Liên kết là quá trình tất yếu, nhưng đáng lưu ý là trong các HTX hiện nay mới có khoảng 9% là kiểu liên kết HTX có làm dịch vụ đầu ra. Còn phần lớn, đến 91% chỉ cung cấp được dịch vụ đầu vào. Ngoài liên kết nội bộ HTX với nhau thì trong việc liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà DN, yếu tố chính là phải có sự liên kết hay có sự hỗ trợ của DN trong chuỗi giá trị này thì các HTX và tổ hợp tác mới có điều kiện tồn tại và phát triển được”, ông Huệ nhấn mạnh.
Dương Công Chiến
thời báo ngân hàng
|