Chiếc bàn bi-a và câu chuyện quy hoạch
Tại hội nghị ngành Công thương 28 tỉnh phía Bắc tổ chức tại TP. Nam Định mới đây, đề cập đến vấn đề quy hoạch sản xuất, kinh doanh hiện nay, thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng kể: khi về quê, một vị lãnh đạo cấp cao của ta có gặp một người cháu. Người cháu này có nhờ ông giúp để làm sao mở được một cái quán kinh doanh dịch vụ chơi bi-a, ngay tại xóm nơi anh sống. Nghe vậy, vị lãnh đạo quá ngạc nhiên hỏi lại sao có mỗi việc xin mở một cái quán bi-a mà cũng phải nhờ? Người cháu mới “trần tình” rằng: anh đã lên xã xin phép nhưng Chủ tịch UBND xã “lắc đầu”, với lý do theo quy hoạch mỗi xóm trong xã chỉ được đặt một bàn bi-a, trong khi trước đó ở xóm của anh đã có người kinh doanh dịch vụ này rồi.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng:
“Cần phải tư duy lại khi làm quy hoạch”
|
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng còn kể thêm một câu chuyện của cá nhân ông. Đó là khi ông còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, có một hộ kinh doanh đến xin mở một cây xăng, khổ nỗi cái địa điểm họ xin mở cây xăng lại không nằm trong quy hoạch. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh đó, khi đó ông Vượng có chỉ đạo, giao một số cơ quan liên quan đến địa điểm trên để tìm hiểu, khảo sát. Kết quả, thấy việc đặt cây xăng ở đây là phù hợp, ông đã đồng ý cho phép hộ kinh doanh trên được mở cây xăng trên tại đây. Tuy nhiên, sau đó, trong tỉnh có đơn thư, cho rằng với việc cho phép mở cây xăng trên, ông Vượng có chuyện tư lợi cá nhân…
Từ hai câu chuyện trên, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng từ thực tế nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh hiện nay, một trong những việc các địa phương cần làm khi thực hiện tái cơ cấu ngành công thương là phải rà soát, xem xét lại các quy hoạch. Đặc biệt, theo ông Vượng, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy làm quy hoạch, xem ngành nghề, lĩnh vực nào cần làm quy hoạch, ngành nghề, lĩnh vực nào không cần. Dẫn ra con số hơn 1000 quy hoạch hiện nay do Bộ Kế hoạch- Đầu tư công bố mới đây, có cả quy hoạch tổng thể phát triển thôn làng, quy hoạch phát triển các quán karaoke, ông Vượng cho rằng tại các địa phương đang có tình trạng lạm dụng quy hoạch. “Chúng ta vẫn nói chiến lược, quy hoạch, kế hoạch là công cụ quản lý nhà nước. Vậy nhưng khi trong tay chúng ta có quá nhiều công cụ thì các doanh nghiệp lại đang gặp rất nhiều khó khăn, khó phát triển. Đến đâu cũng gặp công cụ (quy hoạch) thì chết! Trong khi chúng ta đang thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng mỗi khi doanh nghiệp định làm gì đó lại phải đi cạy cục nhiều cơ quan để xin điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, mà nhiều khi cũng không được chấp nhận. Mất rất nhiều thời gian mà cuối cùng chẳng giải quyết được vấn đề gì?”, ông Vượng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, đối với những ngành nghề, lĩnh vực bắt buộc phải có sự kiểm soát của nhà nước, ví dụ như những ngành nghề sản phẩm sử dụng nhiều tài nguyên có tầm quan trọng chiến lược quốc gia như dầu khí, than; những ngành nghề liên quan an ninh, trật tự quốc gia hay liên quan, ảnh hưởng đến môi trường…mới cần quy hoạch. Còn lại nên chăng cơ quan quản lý chỉ cần định hướng xem ngành này, lĩnh vực này tới đây sẽ phát triển ra sao, triển vọng thế nào để doanh nghiệp, người dân có định hướng kinh doanh. Đi kèm là xây dựng, ban hành các điều kiện kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ai, doanh nghiệp nào đáp ứng được các điều kiện thì được phép hoạt động, kinh doanh.
“Chẳng hạn, đối với phát triển mạng lưới xăng dầu, địa phương chỉ cần định hướng, công bố tới đây có con đường này mở ra, cần khoảng bao nhiêu cây xăng, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh thế nào. Ai đáp ứng được sẽ được phép kinh doanh. Nhiều công cụ, nhiều quy hoạch như hiện nay rất chặt chẽ, an toàn cho chúng ta (cơ quan quản lý) nhưng lại đẩy khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”, ông Vượng nhìn nhận.
Trần Duy Hưng
Đại đoàn kết
|