Thứ Hai, 14/09/2015 14:58

Phí và lệ phí: Chặn cửa trước thì luồn cửa sau

Rất nhiều khoản thu của địa phương không thuộc khoản phí, lệ phí mà thuộc quỹ, các hình thức núp dưới bóng các khoản nộp tự nguyện nhưng thực chất lại bắt buộc.

Dự thảo Luật Phí và lệ phí đang được kỳ vọng sau khi ban hành sẽ tạo thành chốt chặt để ngăn các địa phương tự ý “đẻ” thêm hàng nghìn khoản thu vô lý. Song điều này là rất khó khả thi, theo ý kiến trao đổi của các chuyên gia tại hội thảo “Một số vấn đề trong dự thảo Luật Phí và lệ phí”, do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây.

Thẩm quyền xác định danh mục phí và lệ phí sẽ được giao cho Quốc hội quyết định

PGS-TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho biết, theo Pháp lệnh Phí và lệ phí hiện hành, Chính phủ có thẩm quyền quy định các khoản phí và lệ phí, sau đó xuống địa phương các khoản này lại được quy định chi tiết hơn. Chính vì quy định qua nhiều tầng nấc nên danh mục càng xuống tuyến dưới càng phình to.

Cụ thể, danh mục ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí chỉ quy định 73 loại phí và 42 loại lệ phí, trong khi Chính phủ quy định chi tiết thành 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí. Tới các địa phương, hội đồng nhân dân các tỉnh sẽ tiếp tục quy định chi tiết hơn những khoản thu tại từng địa bàn. Đây chính là khâu khiến các khoản phí, lệ phí thực tế có thể lên tới hàng nghìn loại.

Trước tình trạng trên, Dự thảo Luật Phí và lệ phí đã được thiết kế để ngăn chặn điều này. Theo đó, thẩm quyền xác định danh mục phí và lệ phí sẽ được giao cho Quốc hội quyết định. PGS-TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra yêu cầu phải liệt kê chi tiết danh mục tất cả các khoản thu, thay vì chỉ liệt kê danh mục phí, lệ phí.

Sau đó, các khoản thu này sẽ được rà soát cụ thể, khoản thu nào hợp lý thì được giữ lại, nếu không sẽ bị loại thẳng tay. Các khoản thu sau sàng lọc sẽ được quy định cụ thể vào danh mục ban hành kèm theo luật, địa phương chiếu theo đúng danh mục đó mà làm, không được phép “đẻ” thêm ra bất kỳ khoản nào ngoài danh mục.

Tuy nhiên với cách làm này, cũng phải chấp nhận sự đánh đổi là tính năng động của địa phương sẽ kém đi. Bởi nếu không giao cho địa phương được quyết định cụ thể các khoản thu thuộc thẩm quyền sẽ dẫn đến trường hợp khi có dịch vụ mới cần cung cấp cho người dân, nhưng trong danh mục không có, thì địa phương chưa thể thực hiện.

Ngược lại, có những khoản mục đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn quản lý, địa phương cũng không thể tự ý bỏ đi. Mỗi lần muốn thay đổi, địa phương phải đệ trình lên Quốc hội rồi chờ phê duyệt, nguy cơ chậm trễ trong thiết kế chính sách có thể xảy ra.

Dù cũng đồng tình về nguy cơ có thể làm giảm sự năng động của chính quyền địa phương, PGS-TS. Vũ Sỹ Cường phản biện, đó là do chất lượng lập pháp của chính quyền địa phương còn hạn chế, hiện người dân còn chưa có đủ điều kiện tiếp cận thông tin, cho nên quy định chi tiết sẽ có lợi hơn.

Như vậy, mỗi lần chính quyền thu phí, người dân có thể lấy danh mục đã được quy định chi tiết ra soi xem khoản thu đó có trong quy định hay không.

“Các khoản phí, lệ phí phải được hội đồng nhân dân thông qua, nhưng thực tế khi nộp tiền thì không mấy người dân hỏi các khoản đó đã được thông qua tại quyết định nào. Điều này dẫn tới lạm thu”, ông Lê Xuân Trường nói. Điều này cũng lý giải cho thực tế là công tác thu phí và lệ phí rất khó khăn ở các khu vực thành phố, nơi hiểu biết về pháp luật của người dân cao hơn, vì họ luôn thắc mắc các khoản thu này được quy định trong điều khoản nào.

Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng khiến các chuyên gia lo ngại, đó là mặc dù chốt cứng thẩm quyền quy định danh mục phí, lệ phí vào tay cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội, song điều này không có nghĩa là các khoản thu vô lý sẽ hoàn toàn được cắt bỏ.

PGS-TS. Vũ Sỹ Cường lý giải, thực tế là có nhiều khoản thu hiện nay không thuộc danh mục phí, lệ phí. Chẳng hạn, quỹ an ninh thôn xóm, quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng, quỹ vì người nghèo… Rất nhiều khoản thu của địa phương không thuộc khoản phí, lệ phí mà thuộc quỹ, các hình thức núp dưới bóng các khoản nộp tự nguyện nhưng thực chất lại bắt buộc.

Vậy thì, Luật Phí và lệ phí không thể giải quyết được các quy định đó. Địa phương vẫn có thể tự đẻ ra các khoản phải nộp vô lý, núp dưới cái tên nào đó. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế giám sát hiệu quả, bên cạnh việc giảm bớt quyền tự chủ của chính quyền địa phương.

Ngọc Khanh

thời báo ngân hàng

 

Các tin tức khác

>   Lãnh đạo HDBank làm Chủ tịch Saigon Co.op (14/09/2015)

>   KONICA MINOLTA coi mặt đặt giá! (14/09/2015)

>   Đầu tư cảng biển: Chờ quy chế liên thông (14/09/2015)

>   Giá trị giao dịch M&A chỉ đạt 1/3 so với khu vực (14/09/2015)

>   Xa dần giấc mơ mua ô tô giá rẻ (14/09/2015)

>   Chi phí đi lại tại Việt Nam cao nhất khu vực (14/09/2015)

>   Sẽ chỉ kiểm tra những doanh nghiệp rủi ro cao (14/09/2015)

>   Nhà máy tuyển quặng “chết yểu”, nợ xấu hơn 100 tỉ đồng (13/09/2015)

>   Doanh nghiệp Nhật nhắm dệt may Việt Nam sau TPP (12/09/2015)

>   Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (12/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật