Thứ Hai, 03/08/2015 11:10

Uông Bí chìm trong biển nước, khu phố mỏ bị xóa sổ

Suốt đêm 1 và ngày 2-8, mưa lớn tiếp tục trút xuống, lũ tràn về nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở TP Uông Bí và một số địa phương khác thuộc tỉnh Quảng Ninh.

* Lo ngại mưa cực lớn khắp miền Bắc

Lực lượng hải quân đưa xe lội nước vào các khu dân cư bị ngập sâu ở TP Uông Bí để giải cứu người dân - Ảnh: Đức Vượng

Trong ngày 2-8, nhiều hộ gia đình ở TP Uông Bí phải bỏ nhà chạy trốn lũ do nước dâng quá nhanh, ngập sâu từ 1-1,5m.

Thêm 500 nhà dân bị ngập trong lũ

Cơn mưa lớn kéo dài làm nhiều địa điểm tại TP Uông Bí ngập nặng. Nước lũ từ thượng nguồn vùng núi Yên Tử ồ ạt đổ xuống, chia cắt con đường vào khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, hàng trăm hộ dân ở xã Thượng Yên Công bị cô lập trong nước lũ.

Sáng 2-8, nước dâng làm cả khu vực công viên TP Uông Bí rộng hàng nghìn mét vuông biến thành biển nước đục ngầu, các hộ dân sống cạnh hồ bị nước tràn vào gây ngập nặng nề.

Đôi mắt đỏ hoe, bà Trần Thị Mai (người dân phường Thanh Sơn) sụt sùi: “Mất cả rồi, bao nhiêu đồ đạc mất cả rồi. Nước lên nhanh quá, tivi, tủ lạnh... chẳng cứu được gì, hỏng hết rồi. Giờ chăn màn, quần áo không có, nhà chẳng về được. Tôi chẳng biết phải làm sao!”.

Một số phường tại trung tâm TP như phường Thanh Sơn, Bắc Sơn, Phương Nam cũng bị ngập nặng sau mưa, những căn nhà tại khu vực trũng chìm sâu trong nước từ 1-1,5m. Nước ngập đến thắt lưng, nơi sâu nhất gần lút đầu người.

Ông Nguyễn Anh Tú - chủ tịch UBND TP Uông Bí - cho biết mưa lớn làm 500 hộ dân thuộc 11 phường, xã bị ngập, hiện TP đã di dời được 300 hộ dân đến nơi an toàn.

Địa phương phải xin chi viện từ tỉnh Quảng Ninh, đồng thời nhờ sự hỗ trợ của lữ đoàn 147 hải quân, đưa hai xe lội nước đến các khu vực ngập nặng để giải cứu người dân. Hiện tại các điểm ngập lụt có khoảng 2.000 người túc trực, sẵn sàng đối phó với các nguy cơ mới.

Khu phố mỏ bị “xóa sổ”

Cơn mưa lớn sáng 2-8 làm bùn đất cùng nước lũ phủ kín những ngôi nhà ở khu 3, khu 4 (phường Mông Dương, TP Cẩm Phả). Những đoạn đường vừa được bộ đội dọn dẹp hôm 1-8, nay bùn đất lại trôi xuống ngập ngang đầu gối.

Một tuần đã qua, cả khu phố mỏ này ngập trong bùn và rác thải, đồ đạc hư hỏng nằm ngổn ngang.

Đứng ở cổng trạm y tế Mông Dương nhìn về hướng khu dân cư, ông Đỗ Ngọc Thắng - trưởng khu 4 phường Mông Dương - lắc đầu thốt lên: “Toàn bộ khu phố mỏ này coi như bị xóa sổ rồi. Bây giờ hết mưa có quay trở lại cũng không thể sinh sống tiếp vì lũ bùn tràn vào làm nhà cửa, đồ đạc hư hỏng hết. Cả núi bùn thải vẫn treo trên đầu, nếu mưa lũ lớn diễn ra tiếp thì không biết thảm họa sẽ khủng khiếp như thế nào”.

Một tuần trôi qua, những người dân bị lũ bùn tràn vào nhà vẫn phải tá túc tại trạm y tế phường Mông Dương.

Bơ phờ mệt mỏi, bà Nguyễn Thị Lý (43 tuổi, khu 4 phường Mông Dương) kể khi cả nhà chuẩn bị ăn cơm tối thì thấy mưa lớn, nước bắt đầu dâng lên. Khoảng năm phút sau mưa, cả một dòng bùn thải từ trên núi cuồn cuộn đổ vào nhà. Chồng bà Lý vội chạy đi rút điện rồi quay vào bế cậu con trai 7 tuổi định chạy ra ngoài thì thấy cửa bị đóng sập lại, bùn chèn bên ngoài không thể mở cửa.

Nước và bùn dâng lên rất nhanh, chỉ vài phút đã ngang ngực, cậu con trai ngồi trên cổ bố gào khóc, cả nhà kêu cứu khản cổ. “May quá có mấy người hàng xóm sang kịp phá cửa và đưa nhà tôi ra ngoài. Lúc đấy bùn dâng lên tận cổ rồi” - bà Lý nói.

Gia đình bà Lý thuộc hộ nghèo nhất ở khu mỏ này. Chồng bà trước đây là công nhân mỏ của Công ty CP Than Mông Dương nghỉ hưu sớm do sức khỏe yếu. Bà Lý hiện đang làm công nhân mỏ nhưng đồng lương ít ỏi chẳng đủ nuôi ba đứa con ăn học.

Từ đầu năm, chồng bà phát hiện bị ung thư gan, kinh tế càng lao đao. Trước hôm lũ bùn thải tràn xuống, ở đây có mưa lớn, hai vợ chồng đã phải treo chiếc xe máy lên xà nhà. Nhưng giờ thì thứ tài sản quý giá nhất ấy đã gãy cổ nằm sâu dưới bùn đất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Hùng, chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, thừa nhận khu phố mỏ ở phường Mông Dương coi như bị “xóa sổ” sau cơn mưa lũ lịch sử, toàn bộ nhà cửa của gần 100 người dân bị bùn thải vùi lấp. UBND TP Cẩm Phả cũng đang lên phương án bố trí tái định cư cho các hộ dân ở đây.

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết tính đến ngày 2-8 mưa lũ lớn đã làm hơn 100 căn nhà đổ sập hoàn toàn, khoảng 8.800 căn nhà bị ngập.

Mưa lớn và lũ cũng cuốn trôi, gây ngập nặng hơn 3.000ha diện tích hoa màu, gần 1.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, khoảng 900 lồng bè thủy sản và hơn 2.000 gia súc, gia cầm. Huyện Hoành Bồ và huyện Ba Chẽ có tổng cộng 11 xã bị cô lập.

Nhiều con sông trên báo động 1

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong sáng 2-8 miền Bắc tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được trong 12 giờ qua ở Điện Biên là 140mm, Văn Chấn (Yên Bái) 140mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 110mm, Sơn Động (Bắc Giang) 150mm, Tiên Yên (Quảng Ninh) 210mm, Uông Bí 250mm, Phủ Liễn (Hải Phòng) 160mm, Chí Linh (Hải Dương) 100mm... Ở vịnh Bắc bộ có gió đông nam mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Mưa lớn khiến nước trên sông Thương, sông Lục Nam, sông Cầu và sông Thao lên cao, phổ biến mức trên báo động 1.

Dự báo cho đến ngày 4-8, ở các tỉnh miền Bắc tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng. Tổng lượng mưa cả đợt ở khu vực Việt Bắc và Tây Bắc là từ 100 - 200mm; có nơi trên 200mm. Từ ngày 3 đến 4-8 trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 - 7m, ở hạ lưu từ 2 - 3m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc và ngập úng ở các vùng trũng thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

Thống kê từ các địa phương ở miền Bắc, đợt mưa lớn gây lũ, ngập lụt tại nhiều tỉnh trong hai ngày 1 và 2-8 đã làm 4 người chết, 7 người bị thương, hàng trăm nhà dân bị ngập, hư hại.

4 người chết gồm 2 mẹ con ở Lai Châu bị thiệt mạng do sạt lở đất đá, Sơn La có 1 phụ nữ bị thiệt mạng do lũ cuốn, Vĩnh Phúc có 1 người đi đánh cá bị chết vào ngày 1-8 do nước cuốn trôi vào cống thoát nước. Trong số 7 người bị thương, Điện Biên có 4 người, Lào Cai 2 người, Hà Giang 1 người.

Hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La đều có thiệt hại về nhà cửa cũng như hoa màu.

Đáng chú ý tại Điện Biên, ngoài sự cố vỡ hồ gây ngập lụt thị trấn Tuần Giáo ngày 1-8, trong hai ngày qua TP Điện Biên Phủ và huyện Mường Nhé cũng xảy ra mưa to gây ngập úng cục bộ, sạt lở 1.000m3 đất.

Tổng hợp của văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết trong ngày 2-8, tỉnh Quảng Ninh huy động trên 2.600 bộ đội, dân quân, công an cùng 80 phương tiện các loại tham gia khắc phục hậu quả cũng như di dời 690 hộ dân bị ngập lụt tại các huyện Ba Chẽ, Đông Triều, Hoành Bồ và TP Uông Bí.

T.Phùng - Chung Thủy


Thân Hoàng - Đức Hiếu

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Chặn đường quan tham tẩu tán tài sản (03/08/2015)

>   Sự thật về nhà máy 3 triệu USD của Công ty Việt Úc (01/08/2015)

>   Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2015 (01/08/2015)

>   Hy Lạp tố cáo 3 chủ nợ quốc tế âm mưu lật đổ chính phủ (31/07/2015)

>   Trung Quốc đóng tàu riêng cho “dân quân biển” trên Biển Đông (31/07/2015)

>   Rất ít tài sản tham nhũng đứng tên chủ sở hữu (31/07/2015)

>   13 năm: 5 trong 6 cơ sở gây ô nhiễm không chịu di dời là DNNN (30/07/2015)

>   Nhiều doanh nghiệp vi phạm tải trọng từ “gốc” (30/07/2015)

>   Lo ngại mưa cực lớn khắp miền Bắc (30/07/2015)

>   Quảng Ninh thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, sản xuất kinh doanh tê liệt (30/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật