13 năm: 5 trong 6 cơ sở gây ô nhiễm không chịu di dời là DNNN
“Về chấp hành các quyết định xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi đánh giá đến 80% các doanh nghiệp đều chấp hành tốt, 20% còn lại là ù lì. Chúng tôi rất quyết liệt, xử phạt thêm lần hai, lần ba nhưng vẫn còn doanh nghiệp rất lì và số ù lì thường rơi vào doanh nghiệp nhà nước.”
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tại phiên chất vấn sáng nay - Ảnh: Văn Nam
|
Thông tin này được ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nêu ra tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TPHCM diễn ra sáng nay (30-7) về thực trạng chậm di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Bích Thủy đặt câu hỏi: “Số doanh nghiệp phải di dời còn bao nhiêu, số doanh nghiệp vi phạm gây ô nhiễm môi trường mà không chấp hành quyết định xử phạt thì sở có giải pháp nào để xử lý dứt điểm hay không?”
Tiếp đó, đại biểu Huỳnh Công Hùng thắc mắc: "Vì sao việc triển khai kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm của thành phố thực hiện nhiều năm đến nay vẫn bị chậm trễ, nguyên nhân và hậu quả của việc chậm trễ và lộ trình di dời sắp tới thế nào?"
Theo giải trình của ông Đào Anh Kiệt tại phiên trả lời chất vấn, năm 2002 thành phố lên kế hoạch di dời hơn 1.400 cơ sở gây ô nhiễm ra ngoại thành và kế hoạch là đến năm 2005 kết thúc. Thế nhưng đến năm 2005 vẫn chưa di dời hết, sau đó gia hạn đến 2006, rồi đến năm 2007 vẫn chưa xong, còn lại đến 141 cơ sở. Từ năm 2007 đến nay tiếp tục di dời và con số còn lại đến nay chưa di dời theo chương trình (không kể số phát sinh) là 6 cơ sở.
Theo ông Kiệt, số doanh nghiệp ù lì, chậm di dời đa phần là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cụ thể 5 trong số 6 cơ sở ù lì không di dời còn lại là doanh nghiệp nhà nước, chỉ một cơ sở sản xuất vốn tư nhân. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác là loại hình sản xuất không còn "chốn nào dung thân", như sản xuất nước mắm, doanh nghiệp đành xin ở lại chỗ cũ tiếp tục sản xuất; ngoài ra, chính sách hỗ trợ di dời đến năm 2007 đã kết thúc.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, tính đến 31-1-2015, trên địa bàn thành phố có 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Những quận, huyện có nhiều cơ sở gây ô nhiễm gồm Củ Chi (187 cơ sở), Quận 9 (87 cơ sở), Bình Chánh (71 cơ sở)…
Một số đại biểu HĐND cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng như Trạm nghiền Xi măng Hà Tiên 1 ở Thủ Đức; và đặc biệt là các bãi rác Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa ở Củ Chi còn tồn nhiều lượng rác chưa xử lý, gây ô nhiễm mùi hôi, vào mùa mưa nước thấm qua rác chảy ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước.
Về trạm nghiền xi măng Hà Tiên 1, ông Đào Anh Kiệt thông tin thêm hiện nay công đoạn gây ô nhiễm nghiền clinke tại nhà máy này đã giảm bớt. Tuy nhiên dứt khoát cơ sở này phải di dời vì đây là một trong hai cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, cơ sở kia là xưởng đóng tàu Ba Son.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm băn khoăn về vị trí đặt nhà máy của Xi măng Hà Tiên 1 tại Phường Phú Hữu, Quận 9.
“Đánh giá tác động môi trường cực kỳ quan trọng khi chúng ta đặt một dự án ở vị trí nào. Người dân ở Phường Phú Hữu, Quận 9 đi ngang xi măng Hà Tiên thấy lá cây bị đóng dày xi măng thì họ sẽ hình dung tương lai của mình như thế nào. Cho nên khi tính toán dời xi măng Hà Tiên 1 về Phú Hữu thì cần lắng nghe ý kiến dân. Đánh giá tác động môi trường phải thật khách quan, tránh đi vào vế xe đổ là chỉ đánh giá tác động môi trường cho có,” bà Quyết Tâm nói.
Văn Nam
tbktsg
|