Thứ Năm, 30/07/2015 10:34

Nhiều doanh nghiệp vi phạm tải trọng từ “gốc”

Kết thúc đợt kiểm tra chuyên đề kiểm soát tải trọng từ cảng, bến, nhà ga tại 44 doanh nghiệp (DN) ở Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, nhiều vi phạm, tồn tại của các DN có chức năng bốc xếp hàng hóa lên phương tiện đã được chỉ ra.

Xe quá tải từ các đầu mối nguồn hàng được lực lượng thanh tra GTVT đưa về trạm xử lý. Ảnh: Hữu Oanh

Vi phạm tải trọng ngay từ bến, cảng   

Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức cho các đơn vị cảng, bến ký cam kết chậm hoặc thiếu nội dung hoặc không theo mẫu của Bộ GTVT. Kiểm tra cho thấy 2/24 đơn vị tại TP Hồ Chí Minh chưa ban hành quy trình kiểm soát tải trọng và quy trình riêng biệt; 4/20 đơn vị tại Hải Phòng chưa làm điều tương tự. Tại Hải Phòng, nhiều DN chưa thông báo, niêm yết công khai quy trình kiểm soát tải trọng, chưa lập đầy đủ các loại sổ sách khối lượng, loại phương tiện khi ra, vào bến cảng.

Kiểm tra quá trình bốc, xếp hàng hóa lên xe tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều DN vi phạm, việc bốc xếp vượt quá tải trọng chuyên chở cho phép của xe. Có tới 18/24 đơn vị (chiếm 75% DN cảng được kiểm tra) đã xếp hàng hóa lên 142 phương tiện vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng. Trên các trục đường giao thông, vẫn còn xe chở hàng vượt quá tải trọng cho phép, đoàn kiểm tra đã phát hiện được 3 phương tiện vi phạm vượt trên 10% đến 100%.

Tại Hải Phòng cũng có tới 12/20 đơn vị được kiểm tra (60%) có dấu hiệu vi phạm tải trọng với 67 phương tiện do các bến, cảng, nhà ga bốc xếp hàng vượt tải trọng. Kiểm tra tại bến cảng và khu vực xung quanh các bến, lực lượng thanh tra GTVT đã phát hiện được phương tiện chở hàng vượt quá tải trọng do các đơn vị xếp hàng lên phương tiện gồm 9 phương tiện vi phạm, trong đó, có 8 phương tiện vi phạm tải trọng từ 50 - 100%.

Theo quy định, các DN có chức năng bốc xếp hàng hóa phải thành lập bộ phận kiểm tra giám sát, thế nhưng qua kiểm tra tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn 3/24 đơn vị chưa thành lập bộ phận này, không có sổ sách theo dõi kiểm tra, giám sát vi phạm. Còn tại Hải Phòng cũng có tới 25% đơn vị (5/20) được kiểm tra không thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát nội bộ và thực hiện cam kết. “Như vậy việc kiểm tra giám sát sự hoạt động của các cảng vụ hiệu quả chưa cao, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, chưa sâu. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông đường bộ còn yếu, hạn chế”, Trưởng đoàn - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ đánh giá.

Doanh nghiệp hết “cửa” để “lách”

Cũng theo chia sẻ của ông Thạch Như Sỹ, thực tế, khi tới các cảng lớn ở Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, đoàn còn bị “ngợp” trước quy mô quá lớn của cảng; khi kiểm tra, một số DN luôn tìm cách để “lách” khai báo không đầy đủ chủng loại hàng hóa cần vận chuyển, thậm chí là bất hợp tác, “ém” thông tin... Vì vậy, kinh nghiệm kiểm tra cho thấy, để DN hết “cửa” để “lách” và đối phó thì lực lượng thanh tra GTVT cần tuân thủ, đảm đầy đủ quy trình và các bước kiểm tra.

Lái xe bị lập biên bản xử lý ngay trong đêm. Ảnh: Hữu Oanh

Cơ bản, các bến cảng đều có các bộ phận để kiểm soát phương tiện ra vào và tự kiểm soát với hàng hóa được xuất hoặc nhập qua bến như cổng ra vào, khu vực cân để kiểm tra khối lượng hàng hóa hoặc phương tiện, phòng kinh doanh, phòng chăm sóc khách hàng và phòng tài chính kế toán. Đây là 4 bộ phận mà đoàn kiểm tra phải thực hiện việc kiểm tra và thu thập được các số liệu về việc kiểm soát hàng hóa, phương tiện ra vào bến cảng, kho hàng... Từ đó, chỉ rõ được tỷ lệ vi phạm tải trọng và xử lý.

Tuy vậy, vẫn còn một số bất cập trong việc quản lý bốc xếp hàng hóa như 3 loại bản cam kết hiện nay của các DN bốc xếp hàng hóa chưa thống nhất nhau. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm trong cam kết còn mâu thuẫn với Điều 24 Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT. Khoản 4 của cam kết chỉ đề cập tới phương tiện công-ten-nơ khi vượt quá tải trọng không cho vào cảng, bến mà chưa đề cập tới các loại hàng hóa khác.

Nhiều ý kiến của lực lượng thanh tra GTVT cho rằng, việc xử phạt bốc xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng trên 10% đến 40% tại Khoản 1, Điều 28 chưa hợp lý bởi mới chỉ xem xét hành vi mà không xem xét số lượng vi phạm. Cùng với đó, vấn đề kiểm soát phương tiện của quân đội còn thiếu thông tin, vấn đề kiểm soát phương tiện có biển số nước ngoài hoặc kiểm soát các phương tiện tại các cửa khẩu còn gặp không ít khó khăn...

“Đây là những tồn tại đang được Thanh tra Bộ GTVT nghiên cứu, ghi nhận, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trong thời gian tới” - lãnh đạo Thanh tra Bộ GTVT khẳng định.

Hữu Oanh

Thanh Tra

Các tin tức khác

>   Lo ngại mưa cực lớn khắp miền Bắc (30/07/2015)

>   Quảng Ninh thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, sản xuất kinh doanh tê liệt (30/07/2015)

>   Bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với một số lãnh đạo (29/07/2015)

>   Bất chấp phản đối, Trung Quốc vẫn giội mưa bom xuống biển Đông (29/07/2015)

>   TPHCM vẫn thu phí xe máy dù cử tri nói không nên (28/07/2015)

>   Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam vào tháng 8 (28/07/2015)

>   Quảng Ninh lại mưa lớn, thêm 2 người chết, 6 người bị vùi lấp (28/07/2015)

>   Đại gia đổ nợ, nhiều người vạ lây: Đề nghị truy tố tổng giám đốc Upexim  (27/07/2015)

>   Đại tướng Phùng Quang Thanh dự giao lưu Khát vọng đoàn tụ (27/07/2015)

>   Ông trùm mỡ bẩn nhận án tù 20 năm (27/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật