Thứ Hai, 03/08/2015 08:11

Chặn đường quan tham tẩu tán tài sản

Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra - Thanh tra Chính phủ, cho rằng, cần phải sửa đổi các quy định liên quan việc minh bạch, kiểm soát, thu hồi tài sản, tránh tình trạng khi có bản án thì đối tượng tham nhũng đã tẩu tán xong tài sản để kịp trở thành người tay trắng…

Các bị cáo trong vụ án Vinalines đã chiếm đoạt, làm thất thoát nhiều tài sản của Nhà nước, nhưng việc thu hồi lại tài sản hết sức hạn chế

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về những định hướng lớn trong việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) tới đây, ông Đinh Văn Minh cho rằng, cần phải sửa đổi các quy định liên quan việc minh bạch, kiểm soát, thu hồi tài sản, tránh tình trạng khi có bản án thì đối tượng tham nhũng đã tẩu tán xong tài sản để kịp trở thành người tay trắng…

Đợi án thì quan đã kịp nghèo

Kể từ khi Luật PCTN được ban hành vào năm 2005 đến nay, chúng ta đã nhiều lần tiến hành sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, sau sửa đổi, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Theo ông, hiện khâu nào được coi là yếu nhất trong công tác PCTN?

Để phục vụ cho việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN vào năm 2016, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang tổng hợp, lấy ý kiến của các bộ, ngành đơn vị có liên quan để tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật PCTN. Từ đó đề xuất những nội dung, định hướng lớn cần phải sửa đổi, phục vụ hiệu quả hơn cho công tác đấu tranh PCTN.

Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng khâu yếu nhất hiện nay là việc xử lý tham nhũng và kiểm soát, minh bạch tài sản. Vì chúng ta có nói đấu tranh PCTN hiệu quả bao nhiêu đi nữa thì cuối cùng điều mà người dân quan tâm là xử lý và thu hồi tài sản được bao nhiêu? Nhìn chung cả hai vấn đề trên đều chưa đem lại sự hài lòng cho người dân. Người dân vẫn thấy còn những vụ việc nêu ra rất lớn, nhưng xử lý nhẹ tênh; hoặc chiếm đoạt, gây thất thoát tiền tỷ, nhưng thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) chỉ tiền trăm.

Thu hồi TSTN còn hạn chế như vậy thì tới đây khi sửa đổi Luật PCTN, chúng ta cần có giải pháp gì đột phá để tăng tính hiệu quả?

“Trên thế giới hiện nay có nhiều nước đã lập cơ quan điều tra độc lập chống tham nhũng. Nhưng qua nghiên cứu, tôi thấy rằng, chúng ta đang có nhiều cơ quan phòng chống tham nhũng rồi, giờ thành lập thêm cơ quan độc lập, trực thuộc Quốc hội thì cuối cùng bộ máy, con người có khi vẫn Công an, Thanh tra, Viện Kiểm sát… Do đó, vấn đề lập hay không lập không quan trọng bằng khâu thực hiện, quyết tâm thực hiện”.

Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra

Cái yếu trong thu hồi TSTN là do quan niệm của mình chưa phù hợp, còn quá hẹp. Ở các nước người ta quy định TSTN là tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, còn mình thì lại định nghĩa TSTN là tài sản của người có  hành vi tham nhũng. Chúng ta quy định như thế nên muốn thu hồi thì trước hết phải xác định được người đó có hành vi tham nhũng không. Muốn xác định người có hành vi tham nhũng thì lại phải trải qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử rất dài. Đến lúc có bản án xác định tham nhũng, áp dụng các biện pháp thu hồi thì mọi chuyện đã quá muộn. Tài sản của quan tham đã kịp tẩu tán hết, đối tượng tham nhũng giờ chỉ còn là kẻ tay trắng, trắng tay. Do đó, việc mở rộng khái niệm thu hồi TSTN như các nước đang thực hiện là hết sức cần thiết. Có mở rộng khái niệm thì mới có cơ chế để các cơ quan chức năng ngăn chặn việc tẩu tán TSTN ngay từ khi có dấu hiệu. Theo đó cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra có quyền đề nghị các cơ quan chức năng niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng ngay từ đầu, chứ không nhất thiết phải đợi đến khi có bản án của tòa.

Không chỉ việc thu hồi mà việc phát hiện và xử lý các đối tượng tội tham nhũng cũng rất hạn chế, thưa ông?

Theo Bộ luật Hình sự, muốn khép vào tội tham nhũng thì phải chứng minh đối tượng có hành vi vụ lợi. Để chứng minh được hành vi vụ lợi thì lại quá khó nên phát hiện tham nhũng không nhiều, chủ yếu là tội cố ý làm trái… Nhưng thực tế lại thấy, chẳng có ông quan nào lại ngớ ngẩn đi làm trái để người khác hưởng lợi, còn mình thì không. Ví dụ như điện kế, điện tử giá có 200 nghìn đồng, nhưng anh đi mua 300 nghìn đến 400 nghìn đồng/chiếc; một chiếc ụ nổi có giá 1 triệu đô nhưng anh mua đến 9 triệu đô thì không ai tin đó là làm trái mà không hưởng lợi lộc gì.

Ở nước ngoài những việc đó người ta coi đương nhiên là tham nhũng, không phải chứng minh có hành vi vụ lợi hay không. Chúng ta có sửa đổi như các nước đang thực hiện thì mới nâng cao được hiệu quả trong phát hiện và xử lý tham nhũng. Chứ cứ quy định như cũ thì sẽ bó tay, bó chân, xử lý được tham nhũng rất ít.

Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra

Thu hẹp diện kê khai để xác minh rõ đúng - sai

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn thu hồi được TSTN thì quan trọng là phải ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản. Tuy nhiên, do chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội nên rất khó biết đâu là TSTN, đâu là tài sản do lao động mà có?

Đúng là vấn đề quan trọng là phải xây dựng được cơ chế để kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội. Khi đó quan tham nếu chuyển tài sản đi đâu, cho ai thì cơ quan có trách nhiệm đều biết hết. Chứ như hiện nay TSTN như là cái bình thông nhau, anh kiểm soát đầu này thì nó chảy sang bình khác… Tôi nghĩ các nước người ta làm được thì chẳng cớ  gì mà mình lại không làm được. Cái chính phải là dần dần tính đến việc đó bằng các cơ chế quản lý về thuế, về giao dịch thông qua ngân hàng.

Còn hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện việc kiểm soát, minh bạch tài sản bằng hình thức kê khai. Nhưng nói thật hiện chúng ta mới chỉ làm “quá tốt” khâu kê khai, khi 1 triệu người thuộc diện kê khai thì năm nào cũng có bằng đó bản kê khai tài sản. Tuy nhiên, sự nghiêm túc trong kê khai đó lại không giúp ích gì cho việc phát hiện tham nhũng, giảm tham nhũng, cũng như thu hồi tài sản. Vì thế tới đây cần sửa đổi theo hướng thu hẹp diện kê khai tài sản lại. Đồng thời phải có cơ chế để tăng cường xác minh tính trung thực trong các bản kê khai, thậm chí đặt ra chỉ tiêu mỗi năm phải xác minh được khoảng 10%. Có như thế mới phát huy được hiệu quả.

Nhưng có ý kiến cho rằng, thu hẹp diện kê khai tài sản thì sẽ không ngăn chặn được tình trạng quan tham tẩu tán tài sản sang cho bố, mẹ, con cái thành niên - những người vốn không nằm trong diện phải kê khai?

Có mở rộng thì cũng không hiệu quả. Người ta đã có ý định tẩu tán tài sản thì đâu nhất thiết cứ phải chuyển cho vợ, chồng, con cái. Họ có thể chuyển cho “cánh hẩu”, vây cánh, chiến hữu làm ăn của mình. Nhưng nếu thu hẹp lại thì chí ít chúng ta cũng có điều kiện để xác minh. Theo tôi nên thành lập một Tổng cục thuộc TTCP hoặc Bộ Nội vụ để chuyên quản lý về vấn đề trên. Hàng năm đơn vị này có trách nhiệm thẩm tra, xác minh ít nhất 10% bản kê khai, chứ như hiện nay chỉ thẩm tra một vài trường hợp thì hiệu quả sao được.

Tham nhũng phi vật chất rất lớn

Trong sửa đổi Luật PCTN tới đây, vấn đề tham nhũng phi vật chất, như vấn đề hối lộ tình dục có nên được đưa vào một cách cụ thể hơn không, theo ông?

Đây đúng là vấn đề cần phải quan tâm và tới đây cần phải quy định rõ hơn cả trong Luật PCTN và Bộ luật Hình sự. Thực tế, khi làm luật PCTN năm 2005, chúng ta cũng đã ý thức được điều đấy rồi và đưa ra khái niệm về vụ lợi. Vụ lợi là lợi ích vật chất và tinh thần. Nhưng Bộ luật Hình sự của mình vẫn quy định theo hướng tính ra tiền hết nên việc xử lý là khó khăn.

Thực tiễn cuộc sống cho thấy hối lộ, tham nhũng phi vật chất ngày nay rất đa dạng và có khi lợi ích đem lại còn lớn rất nhiều so với hối lộ vật chất. Ví dụ như hối lộ thông tin về dự án, về quy hoạch. Nhờ được hối lộ thông tin mà các đối tượng biết được giá đất sẽ lên hay xuống - đó là tiền chứ còn gì nữa. Anh bỏ ra hàng nghìn, hàng trăm nghìn đô la mua vé  xem quyền anh để tặng cán bộ thì cũng là tiền và tính ra cũng lớn lắm chứ. Rồi hối lộ về tình dục, hối lộ cho quan chức đi thăm quan, nghỉ mát… Những cái đó trong sửa đổi Bộ Luật Hình sự và Luật PCTN cần phải quy định rõ ràng để có cơ chế xử lý, chứ nếu không sẽ bế tắc, không xử lý được…

Cảm ơn ông.

Văn Kiên

tiền phong

Các tin tức khác

>   Sự thật về nhà máy 3 triệu USD của Công ty Việt Úc (01/08/2015)

>   Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2015 (01/08/2015)

>   Hy Lạp tố cáo 3 chủ nợ quốc tế âm mưu lật đổ chính phủ (31/07/2015)

>   Trung Quốc đóng tàu riêng cho “dân quân biển” trên Biển Đông (31/07/2015)

>   Rất ít tài sản tham nhũng đứng tên chủ sở hữu (31/07/2015)

>   13 năm: 5 trong 6 cơ sở gây ô nhiễm không chịu di dời là DNNN (30/07/2015)

>   Nhiều doanh nghiệp vi phạm tải trọng từ “gốc” (30/07/2015)

>   Lo ngại mưa cực lớn khắp miền Bắc (30/07/2015)

>   Quảng Ninh thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, sản xuất kinh doanh tê liệt (30/07/2015)

>   Bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với một số lãnh đạo (29/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật