Thứ Sáu, 21/08/2015 07:39

Miễn thuế cho cư dân biên giới, ai được lợi?

Lợi nhuận khổng lồ từ chính sách miễn thuế cho cư dân vùng biên giới lại rơi vào tập đoàn đầu nậu.

Thiết lập các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ các doanh nghiệp trong nước và đề nghị xóa bỏ quy định miễn thuế cho cư dân biên giới.

Đó là những nội dung quan trọng được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến về Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi (Luật Thuế xuất nhập khẩu (XNK) sửa đổi) do Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội tổ chức ngày 20-8 tại Đà Nẵng.

“Hạ độc” cuộc sống người Việt

Theo quy định, hiện nay cư dân vùng biên giới được miễn thuế với giá trị 2 triệu đồng/người/ngày/lượt đối với hàng hóa mua bán, trao đổi. Điều này có nghĩa là trong một tháng, một cư dân biên giới có quyền qua Trung Quốc mua hàng hóa trị giá tới 60 triệu đồng mà không phải chịu thuế.

Trước thực tế này, luật sư (LS) Võ Công Hạnh (Công ty luật hợp danh FD Việt Nam) cho rằng chính sách miễn thuế XNK cho cư dân biên giới tại các khu phi thuế quan hiện hành thực sự không có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế mà chỉ làm tăng tính phức tạp trong việc quản lý kinh tế, xã hội, đồng thời tạo ra kẽ hở để những kẻ buôn lậu trục lợi.

“Người dân bản địa ở đây không có nhu cầu mua sắm nhiều, mà thực tế họ bị lợi dụng hoặc tự nguyện trở thành cửu vạn cho các đầu nậu buôn bán hàng lậu, hàng trốn thuế. Với một khối lượng hàng hóa khổng lồ qua biên giới kiểu như trên nhưng tại các chợ vùng biên rất vắng vẻ. Bởi điều đơn giản là hàng hóa trên đã được tập kết để chuyển đi tiêu thụ khắp cả nước. Lợi nhuận khổng lồ từ chính sách miễn thuế lại rơi vào tập đoàn đầu nậu, gây thất thu thuế và bất ổn cho nền kinh tế nội địa” - LS Hạnh phân tích.

Từ đó, LS Võ Công Hạnh đề nghị xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế đối với cư dân biên giới. “Các khu phi thuế quan trở thành vấn nạn nhức nhối về trốn thuế, buôn lậu qua biên giới gây nguy hại cho nền kinh tế nước nhà và làm thất thu một lượng lớn tiền thuế cho ngân sách. Hàng lậu, hàng kém chất lượng đang tràn ngập đầu độc người Việt Nam. Thậm chí, làm giả hàng hóa nổi tiếng của Việt Nam để “hạ độc” cuộc sống người Việt” - LS Hạnh nói.

Chính sách miễn thuế cho cư dân vùng biên giới đang bị lợi dụng. Trong ảnh: Cư dân vùng biên giới Việt-Trung qua lại để mua hàng hóa. Ảnh: lb

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Trần Văn cũng lo lắng về việc quản lý thuế tại các đặc khu kinh tế. “Trong khi các đặc khu kinh tế có xu hướng phát triển và chúng ta đang tính tới xây dựng đặc khu tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc. Vậy chính sách thuế XNK tại các đặc khu này sẽ tính như thế nào? Đến giờ vẫn chưa rõ” - ông Văn đặt vấn đề.

Đại diện của Tổng cục Hải quan thừa nhận các khu phi thuế quan như Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh)… thực sự là quá rộng, khó quản lý hết. Vì vậy khu vực này không những không phát triển được kinh tế mà còn trở thành nơi thẩm lậu hàng hóa, trốn thuế. “Thời gian tới sẽ có chính sách để quản lý chặt chẽ hơn các khu phi thuế quan này” - vị đại diện này cho hay.

Thiết lập các biện pháp phòng vệ

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK Tổng cục Hải quan, cho hay từ năm 2018 trở đi, mức thuế nhập khẩu về cơ bản sẽ được xóa bỏ theo các cam kết thuế quan. Do vậy để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, cần thiết phải bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý một số nội dung quan trọng về các biện pháp phòng vệ thương mại về thuế, như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ… vào nội dung của Luật Thuế XNK sửa đổi lần này.

“Mục đích nhằm phát huy công cụ hữu hiệu này trong bảo vệ sản xuất trong nước, trong trường hợp các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc bị đe dọa thiệt hại do các hành vi bán phá giá, trợ cấp, phân biệt đối xử của các đối tác thương mại” - ông Hùng giải thích.

PGS-TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho rằng lần này luật đưa ra biện pháp tính tới thuế chống trợ cấp, chống phá giá là rất đáng mừng. Vì trong một thời gian dài chúng ta chưa thực hiện và đã để quá lâu. “Đây là biện pháp phòng vệ và tự vệ hợp lý trong thời gian tới khi chúng ta xóa bỏ các hàng rào thuế quan” - PGS-TS Thanh nói.

Con số quá lớn và vô lý

Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách miễn thuế với giá trị 2 triệu đồng/người/ngày/lượt đối với cư dân vùng biên dễ bị lợi dụng để thu gom hàng hóa được miễn thuế đem vào nội địa để bán lại. Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh phân tích: “Với achính sách trên, một năm mỗi người Việt có thể mua đến 730 triệu đồng hàng Trung Quốc. Đây là một con số quá lớn và rất vô lý. Đối với người dân địa phương vùng biên giới thu nhập còn thấp, đa số còn nghèo thì chính sách trên là kẽ hở để những kẻ buôn lậu lợi dụng… Nguy hại hơn là nền sản xuất Việt Nam bị ngưng trệ”.

Họ ngồi ở Singapore, tính thuế được không?

Chúng ta sẽ tính thuế như thế nào đối với các công ty nước ngoài đang thực hiện các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong nước. Bây giờ họ có thể ngồi ở Singapore, Malaysia… để tư vấn, kiểm toán cho các doanh nghiệp tại Việt Nam thì có tính thuế được họ không? Chúng tôi đang rất lo về vấn đề này.

Ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội

Lê Phi

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Sẽ giảm thêm 30 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp (18/08/2015)

>   6 nhiệm vụ cải cách lớn của ngành Tài chính giai đoạn 2016-2020 (18/08/2015)

>   Chủ đầu tư nợ thuế, người mua nhà “vạ lây” (12/08/2015)

>   Duy trì áp thuế tự vệ đối với dầu thực vật nhập khẩu (12/08/2015)

>   7 tháng: Việt Nam trả gần 1 tỷ USD nợ nước ngoài (11/08/2015)

>   Doanh nghiệp được giảm 420 giờ nộp thuế (11/08/2015)

>   Thỏa thuận mức thuế hợp lý: Chấp nhận chung chi? (11/08/2015)

>   Nông dân vẫn chịu trên 1.000 loại phí, lệ phí (10/08/2015)

>   Chậm hoàn thuế, Nhà nước phải trả lãi doanh nghiệp sòng phẳng (06/03/2016)

>   Nên miễn thuế nguyên liệu nhập để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (08/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật