Nên miễn thuế nguyên liệu nhập để sản xuất hàng hóa xuất khẩu
Nên miễn thuế nguyên liệu nhập để sản xuất hàng hóa xuất khẩu vì việc miễn thuế này phù hợp với công ước quốc tế, đáp ứng kịp thời nghị định 19 của Chính phủ.
Tôm nguyên liệu đang phải chịu mức thuế nhập khẩu là 10-15%. Trong ảnh: chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng) - Ảnh: Trần Mạnh
|
Ngày 7-8, tại hội thảo “Lấy ý kiến cho dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ở TP.HCM, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa đều cho biết rất đồng tình với đề xuất miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn dự án GIG, cho biết việc miễn thuế này phù hợp với công ước quốc tế, đáp ứng kịp thời nghị định 19 của Chính phủ. Theo ông Bình, đây là nội dung có tính đột phá trong toàn dự thảo, làm thay đổi toàn bộ quan điểm quản lý trước đây đối với loại hình này.
Thay đổi này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế bởi bỏ được một gánh nặng về thủ tục hành chính, tốn kém không biết bao nhiêu công sức, giấy tờ, thời gian, chi phí của doanh nghiệp lẫn cơ quan hải quan.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cũng cho rằng việc miễn thuế đối với thủy sản nhập khẩu để chế biến xuất khẩu là cần thiết, bởi nếu đặt mục tiêu xuất khẩu ngành đạt 20 tỉ USD vào năm 2020, không thể trông cậy vào nguyên liệu trong nước.
Theo VASEP, hiện để sản xuất phục vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp đang phải chịu mức thuế nhập khẩu đối với tôm nguyên liệu là 10-15%, cá ngừ là 12-24%, mực, bạch tuộc là 10-17%... trong khi nhóm hàng này về bản chất cũng như hàng gia công, không tiêu thụ trong nước.
Ông Hòe cũng kiến nghị nên miễn thuế tại thời điểm được thông quan để tạo thuận lợi cho cả hải quan lẫn doanh nghiệp, họ không phải làm các thủ tục hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu sau khi xuất khẩu sản phẩm, giảm chi phí về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan.
Theo ông Đặng Hoàng Giang - phó chủ tịch Hiệp hội Điều VN, 90% sản lượng điều chế biến của VN dành cho xuất khẩu, thời gian qua không chỉ điều mà rất nhiều mặt hàng khác gặp khó khăn vì việc áp thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Ông Giang cho rằng ban soạn thảo lưu ý trường hợp hàng xuất khẩu rồi nhưng bị trả về với mục đích tái chế, sửa chữa cũng nên được miễn thuế.
“Trong thời buổi hội nhập, các hàng rào phi thuế quan dựng lên nhiều, xuất khẩu được đẩy mạnh nhưng cũng sẽ có nhiều lô hàng bị trả về. Cơ quan quản lý cần tạo ra những chính sách chặt chẽ, có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại không đáng có với các doanh nghiệp” - ông Giang đề xuất.
N.Bình
tuổi trẻ
|