Thứ Hai, 03/08/2015 11:31

Kiến nghị tạm dừng áp thuế XK sắn lát 5%

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và dựa trên những kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu sắn lát từ 0% lên 5% từ 20-6-2015. Tuy nhiên, ngay khi áp dụng vào thực tế, đã gặp một số khó khăn. Để tháo gỡ, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng cho tạm dừng áp dụng mức thuế suất nói trên.

Do giá thu mua cao lên nên doanh nghiệp sẽ chịu lỗ nếu áp dụng thuế xuất khẩu sắn lát khô 5%. Ảnh: internet

Phản ứng nhanh

Như Báo Hải quan đã đưa tin, nhằm khuyến khích sản xuất, phối trộn và sử dụng xăng E5 theo đúng lộ trình đã nêu tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính điều chỉnh thuế xuất khẩu sắn lát nguyên liệu theo hướng khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ theo lộ trình sử dụng xăng sinh học quy định tại Quyết định 53/2012/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Khoa học và Công nghệ, các Hiệp hội: Sắn Việt Nam, Nhiên liệu sinh học Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh có diện tích trồng sắn lớn (Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương) để xin ý kiến về đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất của mặt hàng sắn lát.

Trên cơ sở đồng thuận của 10/12 ý kiến nhận được, 1 ý kiến đề nghị tăng thuế suất thuế xuất khẩu lên 10% và 1 ý kiến giữ nguyên mức 0%, ngày 6-5-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2015/TT-BTC quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng sắn lát. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 20-6-2015.

Một thời gian sau khi thuế suất mới có hiệu lực, Bộ Tài chính liên tục nhận được phản hồi từ phía tập thể các doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát, một số cá nhân với nội dung chính là mức thuế 5% cao ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nguyên liệu và trồng sắn của người nông dân. Bên cạnh đó, việc thời gian tăng thuế quá nhanh dẫn đến lượng tồn kho lớn.

Theo nắm bắt của Báo Hải quan, ngay sau khi nhận được những phản ánh này, ngày 23-6-2015, Bộ Tài chính đã nhóm họp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Sắn, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học và 14 doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát để bàn hướng tháo gỡ.

Đồng thời, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cũng đã tổ chức khảo sát tại Bình Định và Gia Lai – 2 địa bàn có lượng tồn kho lớn để tìm hiểu thực tế. Từ đó, Bộ Tài chính đã chính thức trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp – người nông dân, đặc biệt là lợi ích của người nông dân.

Tháo gỡ ngay khó khăn

Biện pháp trước mắt, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng thực hiện Thông tư số 63 để tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp và người dân trồng sắn đối với vụ mùa năm nay.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ vào mức giá xuất khẩu bình quân của năm 2015 là 225 USD/tấn tương đương 4.905 đồng/kg, mức giá thu mua là 4.889 đồng/kg thì lợi nhuận bình quân thu lại chỉ là 16 đồng/kg (tức 16.000 đồng/tấn). Với lợi nhuận này, nếu chịu thêm thuế xuất khẩu 5%, doanh nghiệp sẽ lỗ 229.500 đồng/tấn.

Điều này, Bộ Tài chính đã tính đến khi đưa ra quyết định tăng thuế, tuy nhiên, với mức giá tại thời điểm đó, doanh nghiệp vẫn lãi tới 324.192 đồng/tấn nếu chịu thuế 5%.

Nhìn lại số liệu có thể thấy, giá thu mua sắn khi đó chỉ 4.300 đồng/kg (thấp hơn hiện tại 589 đồng) còn giá xuất khẩu chỉ thấp hơn hiện tại không đáng kể, chủ yếu do sự tác động của tỷ giá. Điều đó đã khiến số lãi của doanh nghiệp bị tác động mạnh dẫn đến hệ quả là lỗ nếu cộng thuế xuất khẩu.

Ở một khía cạnh khác, hiện nay, tổng sản lượng sản xuất sắn tươi của Việt Nam khoảng trên 12 triệu tấn (5,2 triệu tấn sắn lát khô) và khoảng 1,2 triệu tấn sắn lát khô nhập khẩu từ Campuchia, Lào.

Mỗi năm, nhu cầu trong nước sử dụng khoảng 7 triệu tấn sắn tươi để sản xuất tinh bột; 0,7 triệu tấn sắn khô để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản; 0,15 triệu tấn sắn khô cho sản xuất cồn ethanol và xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn sắn khô.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 50 công ty xuất khẩu sắn lát. Tính đến 15-6-2015, tổng sản lượng sắn lát khô xuất khẩu là 1,5 triệu tấn. Như vậy, với sản lượng trung bình hàng năm xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn thì cả nước hiện nay tồn kho khoảng 500.000 tấn sắn lát khô. Bên cạnh đó, mùa mưa đang tới, tỷ lệ hao hụt sẽ tăng do hàng bị nấm mốc, giảm chất lượng.

Bộ Tài chính nhận định rằng, lượng tồn kho này nếu xuất khẩu sẽ lỗ và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm giá cũng như lượng thu mua đối với sản lượng đang trồng vụ này của người nông dân.

Như vậy, về tổng thể, đề xuất của Bộ Tài chính về việc dừng thực hiện Thông tư số 63 sẽ giải quyết khó khăn ngay cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát và cả người dân trồng sắn.

Cùng việc dừng áp dụng thuế suất 5%, về lâu dài, Bộ Tài chính cũng dự kiến sửa đổi Thông tư số 63 theo hướng áp dụng mức thuế xuất khẩu sắn lát là 1% hoặc 2% kể từ ngày 1-1-2016. Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính cho rằng, dù tính thuế 1% hay 2%, doanh nghiệp vẫn sẽ lỗ nhưng giải pháp này vẫn cần tính đến “để doanh nghiệp xuất khẩu phải tính toán cân đối lại các chi phí liên quan, giá thu mua sắn từ người nông dân và giá xuất khẩu sắn”.

Sau khi có Thông tư sửa đổi Thông tư số 63, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi để có lộ trình tăng dần mức thuế suất thuế xuất khẩu cho phù hợp với lộ trình áp dụng xăng sinh học và tình hình thực tế về sản xuất, tiêu thụ sắn trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp – người nông dân trồng sắn.


Hồng Vân

hải quan

Các tin tức khác

>   Cà phê Việt Nam vào chuỗi cửa hàng Starbucks (01/08/2015)

>   Giá cà phê Robusta – Sóng 5 đang đến! (31/07/2015)

>   Nỗi lòng “hoa tulip” (30/07/2015)

>   Xuất khẩu nông sản giảm gần một tỷ USD (29/07/2015)

>   Đánh đố doanh nghiệp chuẩn hóa giống mắc-ca? (29/07/2015)

>   Không xây thêm nhà máy chế biến càphê trong giai đoạn 2020-2030 (29/07/2015)

>   Giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp: Tiến độ vẫn chậm (28/07/2015)

>   Cả nước xuất khẩu được trên 2,8 triệu tấn gạo (28/07/2015)

>   Tiến sĩ kể chuyện bán tôm, dầu thô ở Nhật (27/07/2015)

>   Tỉ giá “hại” nông sản (26/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật