Giãn thời hạn nộp thuế: Ưu tiên chỉ dành cho doanh nghiệp lớn?
Doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên có thể nộp thuế cho hàng xuất nhập khẩu theo định kỳ thay vì phải trả ngay khi thông quan. Tuy nhiên, đây là điều kiện được một số ý kiến đánh giá là khá hẹp khi chỉ có vài chục doanh nghiệp thuộc diện này trên tổng số khoảng 50.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Đây là những vấn đề vừa nêu ra trong hội thảo lấy ý kiến Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi được Tổng cục Hải quan và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 4/8, tại Hà Nội. Dự thảo luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Là người giới thiệu về những điểm mới trong dự thảo lần này, bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu (Tông cục Hải quan) cho biết, việc giãn thời hạn nộp thuế như trên là một trong cải cách căn bản.
Theo quan điểm của ngành hải quan, hiện có 35 doanh nghiệp ưu tiên với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng hơn 58 tỷ USD. Đây là những doanh nghiệp được đánh giá là tuân thủ pháp luật về thuế, kế toán, thống kê, thủ tục thuế điện tử,…
Bởi vậy, nếu quy định các doanh nghiệp này phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng như các doanh nghiệp trên theo đại diện Tổng cục Hải quan là chưa phù hợp. Hướng sửa đổi được đưa ra là doanh nghiệp chỉ phải kê khai nộp thuế 1 tháng 1 lần và không phải trả phí bảo lãnh, tiền chậm nộp.
Thay đổi mới này được chuyên gia kinh tế Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID thẳng thắn đánh giá cao. Theo ông, đây đang là cách quản lý hiện đại mà nhiều nước đã đưa vào luật.
Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cũng tỏ ra băn khoăn bởi với thời hạn nộp thuế 1 tháng 1 lần trên chỉ áp dụng với tỷ lệ doanh nghiệp rất nhỏ trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước. Những đối tượng này theo ông tập trung phần lớn vào doanh nghiệp lớn bởi trong điều kiện xác định doanh nghiệp ưu tiên hiện có đặt ra yêu cầu về quy mô về kim ngạch tối thiểu (phải đạt từ 50-200 triệu USD/năm tùy loại hình doanh nghiệp).
Đây là vấn đề theo ông sẽ chưa thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi phần lớn đều không thể đáp ứng được yêu cầu quy mô như trên.
Vấn đề ông Bình nêu ra cũng nhận được sự đồng tình của đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam.
Theo đại diện hiệp hội này, điều kiện trong dự thảo luật có thể mở rộng ra những doanh nghiệp chưa trong diện ưu tiên nhưng thường xuyên được phân loại hàng hóa trong luồng xanh và thực hiện tốt các quy định của pháp luật, thủ tục hải quan.
Đưa ra thêm ý kiến, chuyên gia Phạm Thanh Bình dẫn quy định một số nước cho phép thời gian nộp thuế có thể sau 10 ngày kể từ ngày giải phóng hàng hóa, thông quan.
Điều này được ông đánh giá là có thể giúp giải quyết thủ tục vướng mắc thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng như quy định hiện tại của Việt Nam.
Xuân Dũng
Vietnam+
|