Danh sách nợ thuế: Nhiều doanh nghiệp kêu không nợ!
Một số doanh nghiệp trong danh sách 200 đơn vị bị Cục Thuế TPHCM nêu tên nợ thuế khẳng định họ đã nộp thuế đầy đủ chứ không hề nợ thuế như cơ quan chức năng công bố.
* Đại gia thách thức: Bỏ hoang đất vàng, nợ thuế ngàn tỷ
* Phong tỏa tài khoản ngân hàng để thu 12 nghìn tỷ nợ thuế
Ứng dụng TMS được phản ánh có nhiều lỗi nên đã ghi nhận sai về số nợ thuế của doanh nghiệp. Trong ảnh: làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Minh Tâm
|
Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay, 22-7, ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam, khẳng định tính đến thời điểm này, công ty không nợ bất kỳ khoản thuế nào.
“Thậm chí, chúng tôi còn nộp dư tiền thuế vào ngân sách, chẳng hạn như thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2014 nộp theo số tạm tính cao hơn số quyết toán và đang đợi bù trừ sang năm nay, 2015,” ông Kiệt nói.
Trong khi đó, theo danh sách công bố của Cục Thuế TPHCM được đăng tải trên website của Bộ Tài chính, Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam, có trụ sở tại số 2A Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TPHCM có nợ thuế tính đến 30-5 với số tiền 24,074 tỉ đồng.
Ông Kiệt cũng cho biết thêm, liên quan đến chuyện nợ thuế của công ty, ông vừa trực tiếp làm việc tại Chi cục Thuế Quận 1 (chiều ngày 22-7) để cung cấp mọi chứng từ chứng minh doanh nghiệp đã nộp thuế đầy đủ. Và cơ quan chức năng đã ghi nhận có sự nhầm lẫn về số nợ thuế do hệ thống quản lý bị lỗi. Cơ quan này đã liên hệ với Tổng cục Thuế để thông báo và được phản hồi là sẽ gỡ bỏ thông tin.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH May Thêu giày An Phước, đơn vị có tên trong danh sách 200 doanh nghiệp nợ thuế với số tiền hơn 5,25 tỉ đồng, cho biết đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này không hề nợ thuế.
Về con số 5,25 tỉ đồng mà cơ quan thuế thông báo, đại diện An Phước cho biết đã nhận được văn bản từ cơ quan chức năng từ cách đây hơn một tháng. Sau đó, đại diện công ty đã làm việc với cơ quan thuế để đề nghị có thời gian tìm kiếm chứng từ đối chiếu.
Theo đại diện An Phước, đây là phần thuế từ những năm trước, An Phước đã đóng nhưng khi chuyển đổi sang hệ thống mới từ đầu năm 2015 lại không được ghi nhận. “Thực sự là phần mềm có vấn đề. Chúng tôi đã phản ánh với cơ quan thuế về thực tế này,” đại diện An Phước nói.
Trong khi đó, tại Hà Nội, một doanh nghiệp trong danh sách nợ thuế tại Cục Thuế TP Hà Nội là Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng khẳng định trên báo chí rằng doanh nghiệp mình hoàn toàn không nợ số tiền thuế 27 tỉ đồng như danh sách công bố.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết danh sách 200 doanh nghiệp nợ thuế được trích lọc từ dữ liệu của chương trình quản lý thuế tập trung (TMS), số liệu tính đến ngày 30-6-2015.
Ông Dương cho biết, vì chương trình TMS hiện đang có những lỗi phần mềm nên có thể có những thông tin chưa hoàn toàn chính xác nhưng "không nhiều". Vì vậy, khi doanh nghiệp chứng minh bằng chứng từ về việc đã nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh danh sách.
Trước đó, tại hội nghị sơ kết sáu tháng của Cục Thuế TPHCM diễn ra hôm 14-7, lãnh đạo đơn vị này cho biết, ứng dụng TMS tồn tại nhiều lỗi. Hậu quả là số nợ thuế của doanh nghiệp bị ghi nhận sai. Trong tổng số 22.939 tỉ đồng nợ thuế được ứng dụng ghi nhận tính đến ngày 30-6 có một phần là “nợ ảo”.
Phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp nợ thuế
Trước đó, hôm 20-7, Bộ Tài chính có công văn số 9901/BTC-TCT gửi cục thuế các tỉnh, thành phố nêu rõ, trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Thuế về việc tổng hợp danh sách của 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn đến thời điểm 30-6-2015 thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước, Bộ Tài chính yêu cầu lãnh đạo các cục thuế thực hiện công khai thông tin tên doanh nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo quy định của Luật quản lý thuế nhằm thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Sau khi thực hiện, các cục thuế phải có báo cáo tình hình với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trước ngày 30-7.
Về danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế, theo công văn của Bộ Tài chính, đây là những đơn vị có số tiền thuế nợ lớn nhất ở từng tỉnh thành, có các khoản tiền thuế nợ đã quá 121 ngày và cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện.
Danh sách này không bao gồm các đơn vị nợ thuế không còn sản xuất kinh doanh ở địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế; doanh nghiệp chờ giải thể hoặc đã có quyết định phá sản hoặc đang trong thời gian làm thủ tục phá sản, và các khoản nợ đang trong thời gian khiếu nại.
Trong số 600 doanh nghiệp nợ thuế theo danh sách Bộ Tài chính công bố, Cục Thuế Hà Nội có 200 doanh nghiệp với tổng số nợ gần 4.672 tỉ đồng. Tương tự, Cục Thuế TPHCM cũng có 200 doanh nghiệp được thống kê với số nợ trên 3.517 tỉ đồng. 61 cục thuế còn lại có 200 doanh nghiệp.
Trước đợt này, Cục Thuế Hà Nội và TPHCM hồi cuối tháng 6 đã công bố danh sách hàng chục doanh nghiệp nợ thuế. Tuy nhiên, đây là các doanh nghiệp đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như đình chỉ sử dụng hóa đơn, phong tỏa tài khoản ngân hàng... nhưng các doanh nghiệp vẫn chây ì nợ thuế.
Minh Tâm
tbktsg
|